Thành phố Mới Bình Dương: Nhà phố tiền tỉ vẫn vắng bóng người

Ngày đăng: 14/10/2022

Chia sẻ
Sau gần 10 năm triển khai, thành phố mới Bình Dương nay đã là một đô thị khang trang, được quy hoạch bài bản với hệ thống hạ tầng giao thông thoáng, thuận tiện. Chỉ có điều đến nay mật độ dân cư ở đây vẫn thưa thớt.


Theo ghi nhận của Cafeland, tại khu trung tâm hành chính của thành phố mới Bình Dương, khung cảnh đã nhộn nhịp hơn so với những năm về trước. Nhiều mặt bằng nhà phố đã được sử dụng để kinh doanh. Bên cạnh trụ sở của các công ty môi giới bất động sản đã có sự xuất hiện của các cơ sở kinh doanh dân sinh như nhà hàng, quán cafe cửa hàng tiện lợi,…

Tuy nhiên, khi đi sâu vào bên trong các khu phố thì tình trạng heo hút ảm đạm vẫn chưa thay đổi. Các căn nhà phố khang trang vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài. Ở một số khu vực đã xuất hiện tình trạng hư hỏng, xuống cấp do thiếu vắng người sử dụng, chăm sóc.

Dự án Thành phố mới Bình Dương có quy mô hơn 1.000ha, được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 4/2010. Dự án bao gồm các hạng mục chính như: Khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương (Tokyu Bình Dương Garden City) do Công ty Becamex Tokyu làm chủ đầu tư, Trung tâm chính trị hành chính tập trung, khu công nghệ kỹ thuật cao của Tập đoàn Mapletree (Singapore), trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường Quốc tế của tập đoàn giáo dục Kinderworld, Trung tâm thương mại tài chính, ngân hàng, khu dịch vụ ăn uống, hội nghị cao cấp, văn phòng làm việc, nhà ở (căn hộ, nhà phố, nhà riêng lẻ) phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.

Được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính sôi động sau khi hoàn thành, nhưng đã 10 năm trôi qua, thành phố này vẫn trong tình trạng hoang vắng, chưa phát triển tương xứng với mục tiêu ban đầu.

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, Thành phố mới Bình Dương có vị trí liền kề TP.HCM lại có hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, nên bất động sản khu vực sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trên thực tế, thời điểm năm 2019-2020 tại khu vực đã xuất hiện những cơn sốt đất, đẩy giá bất động sản từ 10-14 triệu đồng/m2 (2014) lên tới 30-35 triệu đồng/m2 thậm chí có nơi tăng lên 45 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, phần lớn người chạy theo cơn sốt là các nhà đầu cơ, đầu tư thay vì người có nhu cầu ở thực . Vậy nên khi cơn sốt đi qua, khu vực lại trở lại trạng thái vắng vẻ, heo hút. Thời điểm này mức giá đã được đẩy lên quá cao, những người có nhu cầu thực khó có khả năng mua bất động sản để sử dụng.

Theo khảo sát, một căn nhà phố 4 tầng với diện tích sàn 105m2 với trong khu Rich Town đang được rao bán với giá 6,5 tỉ đồng (tương đương 60 triệu đồng/m2). Cùng căn nhà trên nếu nằm ở mặt tiền sẽ có giá 8-10 tỉ đồng (tương đương 80-100 triệu đồng/m2). Nếu muốn thuê các căn nhà trên để kinh doanh thì khách hàng sẽ phải chi từ 18-25 triệu đồng/tháng.

Tại khu Uni Town, các căn nhà phố 3 tầng với diện tích nền 110m2 đang được rao bán với giá 4,7 tỉ đồng (tương đương 42 triệu đồng/m2). Những căn góc hoặc nằm ở mặt tiền đường Lê Hoàn, Trần Quốc Toản sẽ có mức giá khoảng 6,5 tỉ đồng (tương đương 50-60 triệu đồng/m2).

Phân khúc đất nền ở khu vực sẽ có mức giá từ 30-36 triệu đồng/m2. Mức giá này không thay đổi nhiều so với thời điểm sốt đất 2 năm về trước.

Đối với phân khúc chung cư, hiện tại thành phố mới Bình Dương chưa có nhiều dự án chung cư. Trong đó dự án Sora Garden đã bàn giao đang được rao bán với giá khoảng 2,5 tỉ đồng cho căn hộ 2 phòng ngủ rộng 73m2 (tương đương 35 triệu đồng/m2).

Còn dự án Midori Park The Glory của chủ đầu tư Becamex Tokyu hiện đang trong quá trình thi công. Các căn hộ thuộc dự án này có giá khoảng 30 triệu đồng/m2.

"Chuyện lạ" tại Thành phố mới Bình Dương: Hiện đại, đáng sống nhưng hoang lạnh, vắng người

Bá Di
Theo Cafeland
TOP