Bong bóng bất động sản khiến hàng loạt chung cư bị phá bỏ, người dân phải dựng lều sống trong căn hộ

Ngày đăng: 16/02/2022

Chia sẻ
Nhiều người dân Trung Quốc bị mắc kẹt trong những căn hộ chưa hoàn thiện và các khoản vay thế chấp lớn đè nặng lên vai.

Tháng 08/2021, 14 tòa nhà chung cư chưa hoàn thiện ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị phá dỡ do lo ngại an toàn sau 7 năm bỏ hoang. Chủ đầu tư cho biết họ không đủ khả năng tài chính để tiếp tục xây dựng. Đây là kết cục đáng buồn cho một dự án đồ sộ và phản ánh rõ bong bóng bất động sản Trung Quốc.

Thị trường nhà ở tại đất nước tỷ dân đã bị rung chuyển bởi các vấn đề mà tập đoàn bất động sản hàng đầu Evergrande phải đối mặt. Chính phủ Trung Quốc dường như đang từ từ và lặng lẽ thực hiện các nỗ lực khôi phục. Một trong những nhiệm vụ chính sẽ là xử lý các thành phố ma, vốn là “đặc sản” của thị trường bất động sản tại quốc gia này. Nikkei cho biết có hơn 80 thị trấn ma chỉ riêng ở tỉnh Vân Nam.

Thị trường lệch lạc

Sau khi những đổi mới về quyền sử dụng đất được công bố lần đầu tiên vào những năm 1990, thị trường nhà ở tại Trung Quốc, được thúc đẩy bởi dân số lớn nhất thế giới, đã trở thành một ngành tăng trưởng mang tính biểu tượng. Nikkei ước tính thị trường nhà ở này đạt 95,6 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Nếu xét các chỉ số gồm diện tích nhà ở trên đầu người, dân số và giá nhà ở do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, thì giá trị thị trường tại đây đã tăng hơn gấp 3 lần trong 10 năm qua. Con số này tại Hoa Kỳ chỉ là 1,7 lần. Mặt khác, trong khi GDP danh nghĩa của Trung Quốc chỉ bằng 70% của Mỹ, giá đất lại cao hơn gấp đôi.

Theo thống kê, lĩnh vực bất động sản chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Con số này lớn hơn mức đỉnh tại Tây Ban Nha và Ireland trong cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 2010. Nếu bất động sản giảm 20%, quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ bị thu hẹp.

Sự lệch lạc của thị trường còn đến từ nhiều yếu tố khác. Chỉ riêng Evergrande đã nợ hơn 300 tỷ USD. Ở khu vực thành thị, người giàu sở hữu nhiều ngôi nhà và tỷ lệ sở hữu nhà đạt hơn 90%, vượt Singapore và cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhưng tỷ lệ nhà bị bỏ trống lại ở mức trên 20%, xếp trên Nhật Bản hay Mỹ. Rõ ràng cung và cầu của thị trường này hoàn toàn không cân đối.

Người mua nhà chịu thiệt hại đủ đường

Người dân tại các địa phương đang liên tục khiếu nại do đã thanh toán toàn bộ tiền mua nhà nhưng căn hộ của họ vẫn chưa được hoàn thiện. Nhiều người phải sống trong nhưng chung cư vẫn đang trong quá trình xây dựng vì không đủ khả năng vừa trả khoản vay thế chấp hàng tháng vừa thuê một ngôi nhà khác để ở.

Nhiều ngôi nhà chưa có cửa sổ hoặc cửa ra vào. Người dân phải đặt đệm trên sàn nhà bê tông để có chỗ ngủ. Họ sử dụng đèn năng lượng mặt trời vào ban đêm và bỏ toàn bộ rác vào trong xô để đổ trên ngọn núi sau nhà. Vào những ngày lạnh giá, họ dựng lều ngủ trong phòng. Do không có điện, mọi người sử dụng bếp công nghiệp và củi để đun nấu.

Ngoài lý do tài chính, nhiều người cho rằng sống trong các căn hộ dở dang là cách để gây áp lực buộc nhà phát triển phải hoàn thiện dự án. Một số khác thì lạc quan tin rằng chính phủ sẽ vào cuộc để khắc phục tình hình và những nhà phát triển khác sẽ tiếp quản dự án. Tuy nhiên, nhiều tháng đã trôi qua và tình hình chưa có gì thay đổi.

"Chính phủ sẽ cứu chúng tôi, trong mọi trường hợp", họ nói. Nhưng dường như kiểu niềm tin thái quá này của cả doanh nghiệp và người dân lại đang khiến thị trường bất động sản Trung Quốc ngày càng tích tụ nhiều rủi ro và bất trắc khôn lường hơn nữa.

Lam Vy (Asia Nikkei)

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP