Chuyên gia Trần Khánh Quang: Dòng tiền từ chứng khoán và bất động sản có sự "qua lại"

Ngày đăng: 04/11/2021

Chia sẻ

Trả lời phỏng vấn của PV báo Kinh tế&Đô thị, chuyên gia Kinh tế - Tài chính Trần Khánh Quang cho rằng, thị trường chứng khoán có ảnh hưởng quan trọng và tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và ngược lại.

Ông đánh giá như thế nào về việc nhiều nhà đầu tư cá nhân chốt lãi từ chứng khoán để chuyển sang đầu tư bất động sản?

-Lịch sử cho thấy, chứng khoán và bất động sản có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau trên thị trường. Tức là, khi bất động sản tăng giá, nhà đầu tư bất động sản nếu dư tiền sẽ đầu tư vào chứng khoán. Và ngược lại, khi thắng ở thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư chứng khoán cũng chuyển một phần lợi nhuận qua kênh bất động sản.

Cách thức đầu tư này là theo nguyên tắc “trứng thì nên bỏ nhiều giỏ”, phân tán rủi ro, chốt lời. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, nhiều giỏ đây không phải là một chục giỏ, bởi vì một chục giỏ thì nhà đầu tư không thể nào quản lý được.

Hiện nay khi thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh, nhiều nhà đầu tư đạt được mức lợi nhuận vượt quá kỳ vọng, họ sẽ bắt đầu lo lắng về câu chuyện thị trường có lên có xuống. Và cuối cùng, để an toàn, nhà đầu tư chọn rút bớt một phần là vốn hoặc lợi nhuận để chuyển qua đầu tư bất động sản.

Theo tôi, đây là xu hướng đầu tư đúng đắn, vì ở thị trường chứng khoán hiện nay rất nhiều nhà đầu tư F0 (mới nhảy vào thị trường chứng khoán mà đã thắng lớn) thành ra phải nhanh chóng rút về thị trường bất động sản để tránh rủi ro ở thị trường chứng khoán.


Chuyên gia kinh tế - tài chính Trần Khánh Quang

Vậy theo ông, cách thức đầu tư nói trên sẽ có những ưu - nhược điểm gì?

-Giống như vàng, bất động sản mang tính chất là "của để dàn", còn chứng khoán mang tính biến thiên rất mạnh về đầu tư. Vì vậy, việc rút tiền từ chứng khoán qua đầu tư bất động sản là chuyện rất bình thường. Có nghĩa là người ta rút tiền lời, thậm chí tiền vốn để đầu tư về tài sản để dành.

Tuy nhiên, chứng khoán hiện nay đang tăng rất mạnh, nếu mà rút hết, rút nhiều vốn để đổ dồn vào bất động sản thì sẽ gây ra một hệ lụy khác. Có nghĩa là bất động sản lại xuất hiện các nhà đầu tư F0 của bên chứng khoán đổ qua thì vô tình nguồn cầu bất động sản sẽ tăng. Khi tăng như vậy sẽ làm cho tình trạng giá bất động sản sẽ tăng cao. Trong thời gian qua, giá bất động sản tăng cao rất nhanh, trong quý I/2021, bất động sản tăng đột biến, cũng một phần là do các nhà đầu tư chứng khoán sau khi chốt lời chuyển một phần về bất động sản.

Và ngược lại, khi thị trường bất động sản phát triển, thắng về bất động sản, nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư chứng khoán và rút bên bất động sản để trở thành nhà đầu tư F0 bên thị trường chứng khoán. Hai thị trường này có sự tác động qua lại mạnh mẽ với nhau.

Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư đang chốt lãi từ chứng khoán để đầu tư bất động sản?

-Nguyên tắc “bất di bất dịch” trong đầu tư là am hiểu lĩnh vực nào thì nên ưu tiên đầu tư lĩnh vực đó. Nếu có kiến thức về bất động sản thì đầu tư bất động sản, có đam mê với chứng khoán thì đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, thị trường nhà đất và chứng khoán luôn có ba trạng thái đó là đi lên, đi ngang và đi xuống. Vì vậy, những người mua đất, mua cổ phiếu theo tâm lý đám đông thường chỉ nghĩ đến kịch bản là giá sẽ tiếp tục tăng cao mà không hề nghĩ tới những hệ lụy như giá sẽ đi ngang hoặc lao dốc. Điều đó có nghĩa những nhà đầu tư này chỉ nắm hơn 30% xác suất chiến thắng trong cuộc chơi của thị trường.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tiểu Thuý (Kinh tế Đô thị)

TOP