Hà Nội sẽ được gì nếu quy hoạch phân khu sông Hồng được duyệt?

Ngày đăng: 04/11/2021

Chia sẻ
CafeLand - Ý tưởng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng gắn với những khu đô thị văn minh, hiện đại đã từng được các nhà đầu tư nước ngoài đề cập cách đây gần 25 năm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên do, dự án vẫn nằm trên giấy.

Mới đây, Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và thống nhất trình các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.

Thông tin này đang làm nóng dư luận Thủ đô những ngày vừa qua. Đáng chú ý, đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch mà Thành ủy Hà Nội tham vấn nhận định là tốt nhất từ trước đến nay.

Để giúp độc giả hiểu thêm về vấn đề này, CafeLand đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,
nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội


CafeLand: Thưa ông, nếu lần này quy hoạch đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ mang đến những thay đổi và lợi ích gì cho Thủ đô, nhất là trong bối cảnh quỹ đất nội đô đang khan hiếm như hiện nay?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Nếu quy hoạch được phê duyện sẽ có những thay đổi lớn.

Thứ nhất sẽ góp phần tạo nên trục cảnh quan trung tâm thành phố.

Thứ hai, đồ án lần này cụ thể hóa quy hoạch chung được duyệt năm 2011, đồng thời cũng bổ sung thêm Quyết định của Thủ tướng về an toàn hành lang thoát lũ.

Điều này sẽ giúp cho người dân hai bên bờ sông khu vực này an tâm hơn và kiểm soát được hành lang thoát lũ.

Thứ ba, một khi đồ án lần này được duyệt thì tiềm năng quan trọng nhất mà đến hơn 20 năm nay có rất nhiều các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước quan tâm đề xuất dự án nhưng không phê duyệt được, đó là quỹ đất khoảng 6.000ha.

Nếu quy hoạch được duyệt sẽ tăng được chỉ tiêu không gian xanh công cộng cho thành phố, đáp ứng được những nhu cầu về không gian vui chơi, giải trí thể dục, thể thao của mọi lứa tuổi.

Đặc biệt sẽ kiến tạo lại được cuộc sống của người dân tại khu vực quy hoạch. Hiện nay, dân cư sinh sống ngoài bãi khoảng 23.000 hộ.

Nếu quy hoạch được duyệt sẽ xác định được khu nào phải tái định cư, khu nào được ở lại, từ đó sẽ có những giải pháp nâng cao chất lượng sống cho người dân, cải thiện điều kiện hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ và giải quyết hạ tầng kỹ thuật...

Đặc biệt là hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hũu cho người dân... Đó là những ý nghĩa rất quan trọng.

Cuối cùng, đồ án lần này nếu được duyệt sẽ tạo ra đột phá mới cho giao thông vận tải đường sông, phát triển dịch vụ du lịch bởi vì quanh khu vực này có rất nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống hai bên sông.

Theo ông, lý do chậm trễ quy hoạch phân khu sông Hồng những lần trước là gì? Đồ án lần này cần yếu tố gì để có thể được phê duyệt mà không phải lỗi hẹn một lần nữa?

Nguyên nhân quan trọng nhất là chưa xác định được ổn định dòng chảy của hành lang thoát lũ. Vướng mắc bây giờ là phải có cơ sở khoa học và cơ sở lý luận về các đề xuất ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ.

Việc này Hà Nội quyết được, mà phải chờ cơ quan quản lý của nhà nước, tức là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có sự thống nhất.

Bởi vì hiện nay, giữa các đề xuất này với quy hoạch chung của Hà Nội được duyệt năm 2011 có sự khác biệt. Do đó cần điều chỉnh lại.

Việc quản lý đầu tư xây dựng khu vực bãi sông bị chi phối bởi nhiều quy định pháp luật, nhưng cho đến nay, quy hoạch phòng chống lũ (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt) chưa hoàn thành. Vì vậy, quy hoạch phân khu sông Hồng vẫn “mắc cạn”.

Trên cơ sở hành pháp lý hiện nay cần phải có quy hoạch ở tầm quốc gia và tầm tổng thể quốc gia thì quy hoạch phân khu này mới được phê duyệt.


Phối cảnh một trong những đề án cải tạo sông Hồng được đề xuất
từ năm 2007. Ảnh: TP

Điều cần thiết lúc này là Hà Nội cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và đặc biệt phải trao đổi thêm các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô để thống nhất cao về mô hình ổn định đoạn dòng chảy sông Hồng qua Hà Nội, hướng đến lợi ích chung của cả khu vực chứ không chỉ riêng lợi ích của Thủ đô.

Một vấn đề nữa là: cần có giải pháp và những điều kiện thuận lợi để huy động xã hội hóa trong quá trình phát triển. Bởi vì quỹ đất hai bên bờ sông Hồng rất lớn. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đề xuất nhưng chưa được phê duyệt.

Đến nay, đồ án mới được trình chờ phê duyệt. Nhưng chúng ta không chỉ trông chờ và phát triển cả 6000ha quỹ đất ấy, mà để ổn định dân cư thì phải xã hội hóa nguồn lực.

Để đẩy nhanh phê duyệt, tôi cho rằng cần có đặc thù cho quy hoạch phân khu sông Hồng, giúp Hà Nội sớm kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án tại đây.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần có cơ chế ưu đãi với các dự án đã có nhằm hồi sinh các dự án, hướng tới mục tiêu sớm khai thác hai bên sông Hồng.

Điều đáng chú ý nhất trong quy hoạch phân khu sông Hồng là gì thưa ông?

Đó là giải quyết vấn đề thoát lũ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Hiện nay, nhà ở của 23 vạn dân ở đây đang có những mặt chưa thuận lợi, chất lượng cuộc sống chưa cao nên cần áp dụng điều kiện khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt về kiến trúc của vùng quy hoạch.

Ví dụ như nhà chống lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Quan trọng là phải phân luồng xây dựng, xem bước đầu cần thực hiện là gì, tức là phải gắn với một kế hoạch để xác định những việc trọng tâm phải làm để ổn định lâu dài.

Nên có trưng bày triển lãm để cho nhân dân đồng thuận cao với quyết định này, bởi vì đây là quy hoạch đa chức năng chứ không phải quy hoạch khác thông thường.

Theo ông Đồ án quy hoạch lần này liệu sẽ gặp những khó khăn nào liên quan đến mật độ dân số tại khu vực và vấn đề di dân?

Mật độ dân số ngoài đê không tác động nhiều, nhưng sẽ tác động đến khu vực nội thành vì đất ngoài đê phụ thuộc vào rất nhiều vào 13 quận, huyện trong thành phố Hà Nội.

Như vậy khi đã ổn định dòng sông này cần xem xét điều chỉnh quản lý dân cư cho chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Nếu lần này quy hoạch đô thị sông Hồng được phê duyệt, thì sẽ có nhiều lợi ích được tạo ra cho Hà Nội. Đó là quỹ đất mới, cảnh quan mới và đặc biệt là vấn đề môi trường hệ sinh thái. Quy hoạch sông Hồng đã được đề cập cách đây hàng chục năm nhưng chưa được duyệt. Lý do chủ quan là chưa tìm được đội ngũ chuyên gia đứng đầu, có khả năng để thực sự phát huy tính hiệu quả của quy hoạch, chưa đưa ra được phương án thiết kế phù hợp. Điều đáng chú ý trong quy hoạch trình lần này là phải tạo ra một môi trường, cảnh quan, tạo ra quỹ đất mới để môi trường sinh thái của Hà Nội hai bên bờ sông tốt hơn.  Mặt khác, làm sao để vừa giải quyết được vấn đề xả lũ, vừa tận dụng được quỹ đất là vấn đề cốt lõi cần phải làm. Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long

Theo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Quy hoạch này bao phủ trên diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha (chiếm 50% tổng diện tích).

Dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.

Không giống các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nêu trên thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.

Đồ án đề xuất việc quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (quy hoạch 257).

Trong đó, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức; riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).

Các bãi sông này được định hướng xây dựng khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và nội đô. Do là bãi sông, các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng...

Thúy An
Theo cafeland
TOP