Cổ phiếu Bất động sản - Xây dựng "nằm sàn" la liệt giữa sóng bán tháo trong phiên thanh khoản kỷ lục 52.000 tỷ đồng

Ngày đăng: 03/11/2021

Chia sẻ

Từ nhóm cổ phiếu đầu ngành như KBC, HDG, NLG, HBC, VGC cho đến vốn hóa nhỏ hơn như LDG, ITA, KBC, HQC, TDH, VPH, LCG, FCN,... đều có một phiên giao dịch tiêu cực. Thậm chí, cổ phiếu bất động sản thuộc rổ VN30 như GVR hay KDH cũng đã ghi nhận giảm sâu 6,3% - 6,7% khi đóng cửa.

Phiên giao dịch ngày 3/11 đã mang lại vô cùng nhiều cảm xúc đối với các nhà đầu tư. VN-Index trong phiên sáng nay có thời điểm đã vượt qua mốc quan trọng 1.460 điểm, việc xuất hiện một số nhịp rung lắc sau đó cũng không phải điều bất ngờ. Dòng tiền vẫn cuồn cuộn chảy vào thị trường, thanh khoản qua đó xác lập mức kỷ lục mới với tổng giá trị giao dịch trên 52.000 tỷ đồng (~2,25 tỉ USD). Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 49.856 tỉ đồng, tăng đến 47% so với phiên trước.

Tuy nhiên, tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau chuỗi phá đỉnh liên tục không thể kéo dài lâu. Trừ nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ đỡ, thị trường liên tiếp ghi nhận áp lực bán tháo xuất hiện từ khoảng giữa phiên,sắc đỏ phủ khắp các nhóm ngành còn lại khiến VN-Index kết phiên giảm hơn 8 điểm. Song, mức điểm này không phản ánh hết mức độ tiêu cực của đà giảm tại các nhóm, đặc biệt các cổ phiếu đã có mức tăng "nóng" trong giai đoạn vừa qua như Bất động sản - Xây dựng.

Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu trong nhóm đã giảm điểm sâu, thậm chí là giảm sàn đồng loạt. Từ nhóm cổ phiếu đầu ngành như KBC, HDG, NLG, HBC, VGC cho đến vốn hóa nhỏ hơn như LDG, ITA, KBC, HQC, TDH, VPH, LCG, FCN,... đều có một phiên giao dịch tiêu cực. Thậm chí, cổ phiếu bất động sản thuộc rổ VN30 như GVR hay KDH cũng đã ghi nhận giảm sâu 6,3% - 6,7% khi đóng cửa.


Giá chốt phiên một số cổ phiếu BĐS - xây dựng trong phiên 3/11

Cụ thể, xét theo khối lượng giao dịch, cổ phiếu penny HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là cổ phiếu dẫn đầu với xấp xỉ 43 triệu đơn vị được giao dịch. Chốt phiên, HQC giảm hết biên độ 6,9% xuống mức 5.400 đồng/cổ phiếu, dư bán giá sàn vượt mức 13 triệu cổ phiếu. 

Các cổ phiếu BĐS mid-caps và penny khác trên HoSE như ITA hay LDG cũng đồng loạt "nằm sàn" với khối lượng giao dịch ghi nhận đột biến với trên 30 triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi cổ phiếu. ITA đóng cửa tại mức 8.490 đồng/cổ phiếu (tương ứng giảm 6,9%), LDG giảm 6,7% xuống còn 10.400 đồng/cổ phiếu.

Trên HNX cho phép biên độ dao động lớn hơn, NDN, IDC, CEO, HUT, IDJ có một phiên giao dịch khá tiêu cực, biên độ giảm sâu từ 5,5% đến kịch sàn 9,9%. Cổ phiếu xây dựng HHV trên sàn UPCoM sau một vài phiên hồi phục cũng đã quay đầu giảm mạnh 5,5% hôm nay, khối lượng xấp xỉ 14 triệu đơn vị được giao dịch trong phiên.


Diễn biến cổ phiếu ngành Bất động sản - Xây dựng phiên 3/11 trên HoSE xét theo KLGD

Sắc xanh "sàn" cũng được ghi nhận trên cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng ngay từ giữa phiên sáng. Sau chuỗi phiên tăng giá liên tục trong đó có 2 phiên kịch trần, áp lực chốt lời hôm nay khiến giá cổ phiếu DIG đảo chiều lao dốc 6,9%, thị giá kết phiên ở mức 54.200 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất trong nhóm BĐS xây dựng tại phiên hôm nay.

Tương tự, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dòng bất động sản và xây dựng cũng không tránh khỏi đà lao dốc chung trong toàn ngành. VIC giảm 0,5%, VHM giảm 2,5%, NVL thì "đánh mất" tới 2,7%, PDR giảm 1,9%, KDH giảm 6,3%...

Cổ phiếu GVR hôm nay đã giảm mạnh 6,7% về mức 39.300 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường, tương ứng mức giảm hơn 2,7 điểm cho VN-Index.


Diễn biến cổ phiếu ngành Bất động sản - Xây dựng phiên 3/11 xét theo vốn hóa thị trường

Mặt khác, sắc đỏ cũng "phủ sóng" ở các nhóm ngành khác như hóa chất, dầu khí, du lịch, thực phẩm, dịch vụ tài chính,...

Ngược dòng, cổ phiếu nhà băng hôm nay là điểm sáng duy nhất, tạo lực đỡ giúp VN-Index không giảm quá sâu. Ngoài ra, đáng chú ý là việc cổ phiếu ngành thép HPG vẫn duy trì được giá xanh. Trong phiên giao dịch hôm nay, mã này đã được khối ngoại mua ròng tới hơn 255 tỷ đồng - ghi nhận là cổ phiếu được mua ròng cao nhất trên toàn thị trường.

Phương Linh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

TOP