Mặc dù vừa trải qua phiên giảm khá sâu, tuy nhiên theo quan điểm của nhiều Công ty chứng khoán, thị trường sẽ có nhịp hồi phục trở lại và nhà đầu tư không cần phải hoảng loạn "bán tháo".
Phiên giao dịch 14/2 diễn ra không mấy tích cực với sắc đỏ bao trùm thị trường. Áp lực bán mạnh tại nhóm ngân hàng khiến VN-Index mất gần 30 điểm (-1,98%) xuống 1.471,96 điểm. Giao dịch khối ngoại cũng kém tích cực khi họ có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp trên HoSE với giá trị gần 300 tỷ đồng, lực bán tập trung vào các cổ phiếu lớn như HPG, HDB, VIC, VHM…
Mặc dù vừa trải qua phiên giảm khá sâu, tuy nhiên theo quan điểm của nhiều Công ty chứng khoán, thị trường sẽ có nhịp hồi phục trở lại và nhà đầu tư không cần phải hoảng loạn "bán tháo".
Theo Chứng khoán SHS, những diễn biến tiêu cực từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vào cuối tuần trước đã có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường trong nước. VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.480 điểm (MA20-50) sau phiên 14/2 khiến cho bức tranh thị trường có phần xấu đi. Và vùng hỗ trợ tiếp theo của thị trường trong khoảng 1.425-1.450 điểm tương ứng với vùng đáy của tháng trước.
Nếu xét trên góc độ định giá, P/E của VN-Index hiện ở mức 17 lần là mức trung bình của thị trường trong khoảng 5 năm trở lại đây; còn của VN30 là 16 lần, thấp hơn một chút so với mức trung bình 5 năm (theo dữ liệu từ FiinTrade). Do đó, SHS cho rằng khả năng giảm mạnh ở thời điểm hiện tại là khá thấp. Và trong phiên giao dịch tiếp theo 15/2, VN-Index có thể dần bình ổn trở lại khi cung cầu trở nên cân bằng hơn. Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và cân nhắc mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong phiên tới.
Chung quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số VN-Index sẽ chưa thể sớm ghi nhận xu hướng tăng để lấy lại mốc 1.500 điểm, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng nhịp điều chỉnh giảm có thể sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn khi mà lực cầu bắt đáy vẫn khá dồi dào quanh vùng hỗ trợ 1.440 – 1.450 điểm.
Do đó trong bối cảnh hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cần tuân thủ kỷ luật đầu tư đã đề ra và thực hiện chốt lời/cắt lỗ nếu vi phạm các mức quy định, trong đó ưu tiên "giữ tiền" hơn tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn thông qua hoạt động bắt đáy trong giai đoạn này.
Tương tự, Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục và chỉ số VN-Index giằng co quanh đường trung bình 20 phiên trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa và duy trì ở mức thấp, đặc biệt chỉ số VN-Index sẽ chưa thể xuyên thủng hoàn toán đường trung bình 20 phiên. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn đi ngang cho thấy tâm lý không quá bi quan và đà giảm của thị trường chủ yếu đến từ áp lực bán gia tăng vào phiên ATC ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 45-50% danh mục và quan sát thêm diễn biến thị trường ở phiên giao dịch kế tiếp, hạn chế bán tháo ở nhịp giảm mạnh vì rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Trong khi đó, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá việc các phiên trước đó tăng điểm một cách rụt rè với thanh khoản yếu ớt, thì một phiên giảm mạnh về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.470 này không có gì khiến nhà đầu tư đáng phải hoang mang về tương lai. Trong những phiên tới, BSC dự báo thị trường có khả năng tích lũy quanh ngưỡng 1.480.
Chứng khoán Agriseco nhận định VN-Index có thể tiếp tục giảm nhẹ trong phiên ngày mai và kỳ vọng đà giảm có thể thu hẹp khi Vn-Index tiến sát về vùng hỗ trợ cứng 1.445-1.450 ( quanh đường MA100). Ngoài ra, thứ 5 tuần này sẽ diễn ra phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm 2022, dự báo thị trường có thể xuất hiện các biến động bất thường.
Trong bối cảnh hiện tại, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, không nên giải ngân thời điểm này và có thể canh những nhịp hồi để hạ tỷ trọng với các mã ngắn hạn có trong danh mục. Bên cạnh đó nhà đầu tư cũng có thể chờ thêm 1,2 nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu đầu ngành trong nhóm VN30.
Bảo Sơn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị