Sau giai đoạn hưởng lợi từ giá thép tăng cao và lập đỉnh lịch sử, nhóm cổ phiếu thép đã đảo chiều và bước vào chu kỳ giảm điểm mạnh. Nhiều nhà đầu tư, thậm chí cả những doanh nghiệp "tay ngang" đều phải gồng lỗ hoặc cắt lỗ nhóm cổ phiếu này.
Lỗ hàng chục tỉ đồng vì “đánh chứng”
Nhắc đến "cổ phiếu quốc dân", nhà đầu tư thường sẽ nghĩ ngay đến HPG của Tập đoàn Hòa Phát bởi lượng cổ đông thuộc hàng đông đảo nhất sàn chứng khoán.
Theo danh sách nhận cổ tức ngày 20/6, Hòa Phát có đến 167.897 cổ đông. Bên cạnh đó, cổ phiếu HPG của doanh nghiệp này cũng dẫn đầu 3 sàn về tổng lượng cổ phiếu lưu hành với hơn 5,8 tỉ cổ phiếu.
Tập đoàn Hòa Phát hiện có đến 167.897 cổ đông với hơn 5,8 tỉ cổ phiếu đang lưu hành
Do đó, không bất ngờ khi cổ phiếu HPG lọt vào danh mục của hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường, từ cá nhân đến các tổ chức, từ công ty chứng khoán đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí cả những doanh nghiệp "tay ngang". Thế nhưng, tính đến thời điểm cuối quý 2.2022, đây lại là cổ phiếu mang đến nỗi buồn cho nhiều cổ đông.
Với việc phải sản xuất trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cùng với giá thép liên liên tục điều chỉnh giảm trong thời gian qua khiến biên lợi nhuận thuần của ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng sụt giảm đáng kể.
Cổ phiếu của tập đoàn này cũng theo đó mà "cắm đầu". Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin vào cổ phiếu thép, với tâm điểm HPG của Hòa Phát đã nếm "trái đắng" trong hoạt động đầu tư chứng khoán.
Cổ phiếu của Hòa Phát sụt giảm trong bối cảnh nhiều yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh, đặc biệt là sự giảm mạnh của giá thép.
Cụ thể, kết thúc quý 2, doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát Đạt 37.714 tỉ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.023 tỉ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp lợi nhuận nhất của doanh nghiệp này trong 7 quý gần đây.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Phát Đạt 82.118 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 12.229 tỉ đồng, lần lượt tăng 23% và giảm 27% so với cùng kỳ.
Về thị trường Thép xây dựng, trong gần 3 tháng trở lại đây, giá thép trong nước đã giảm 12 lần liên tiếp với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 4,2 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Chịu tác động riêng của ngành thép và tác động chung của thị trường, thị giá cổ phiếu HPG đã giảm hơn 38%, từ trên 36.000 đồng về sát 22.000 đồng/cổ phiếu trong quý 2. Đây là nguyên nhân khiến nhiều khoản đầu tư vào cổ phiếu của Hòa Phát bị lỗ nặng.
Nhiều nhà đầu tư thua lỗ vì đầu tư vào cổ phiếu HPG của Hòa Phát
Đơn cử, Công ty Chứng khoán Trí Việt là cái tên ôm lỗ nặng nhất với mã cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Khoản đầu tư vào HPG có giá gốc gần 197 tỉ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ còn chưa đến 112 tỉ đồng, tương ứng doanh nghiệp này tạm lỗ 85 tỉ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt cũng đang ôm một lượng lớn cổ phiếu HPG và tạm lỗ. Đơn vị này đã bỏ gần 110 tỉ đồng mua cổ phiếu của Hòa Phát trong quý 1 và đã cắt lỗ một phần, hiện còn gần 85 tỉ đồng theo giá gốc. Tuy nhiên, giá trị hợp lý chỉ còn 55 tỉ đồng, do đó Chứng khoán Rồng Việt ghi lỗ gần 30 tỉ đồng.
Nắm giữ cổ phiếu HPG với giá trị ít hơn, nhưng Chứng khoán SSI cũng đang tạm lỗ hơn 7 tỉ đồng trên giá vốn gần 36 tỉ đồng.
Tương tự, một doanh nghiệp "tay ngang" đầu tư chứng khoán khác là CTCP Hóa An cũng lỗ nặng do đầu tư vào cổ phiếu HPG. Theo đó, doanh nghiệp khai thác khoáng sản này nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu của Hòa Phát tại thời điểm 30.6
Việc bắt trượt đáy HPG đã khiến doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng hơn 20 tỉ đồng khiến chi phí tài chính tăng mạnh, ăn mòn lợi nhuận. Kết quả lãi ròng quý 2 của CTCP Hóa An đã giảm đến 92%, còn vỏn vẹn 1,7 tỉ đồng.
Không riêng gì các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân cũng rất khó có lãi với cổ phiếu HPG nếu không bắt đúng đáy. Cổ phiếu này thực tế đã liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 3 và có thời điểm đã chạm đáy 18 tháng vào ngày 20/6.
Trong phiên giao dịch ngày 8.8, cổ phiếu HPG hiện đã hồi phục lên mức 23.600 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn giảm hơn 50% so với đỉnh hồi cuối tháng 10 năm ngoái. Nếu chỉ tính riêng trong quý 2 vừa qua, thị giá HPG cũng đã mất 35% tương ứng vốn hóa bị thổi bay gần 70.000 tỉ đồng.
Định giá hấp dẫn cho dài hạn
Đến thời điểm hiện tại, một số cổ phiếu thép đã có dấu hiệu hồi phục nhưng hầu hết vẫn ghi nhận mức giảm sâu so với đầu năm.
Chứng khoán SSI đánh giá khả quan đối với cổ phiếu của Hòa Phát cho đầu tư dài hạn
Trong báo cáo về ngành thép mới đây, SSI Research nhận định giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. Với mức định giá hiện tại, rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước, đặc biệt là đối với nhà đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu thép có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới.
Với Tập đoàn Hòa Phát, cổ phiếu HPG của doanh nghiệp này đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 5,2 lần – mức thấp nhất trong lịch sử. Theo đó, SSI Research giảm P/E và EV/EBITDA mục tiêu 1 năm lần lượt từ 7,5x và 5,5x xuống còn 6x và 4,5x, do định giá các công ty cùng ngành trong khu vực giảm và triển vọng lợi nhuận suy yếu.
Chứng khoán SSI đánh giá khả quan đối với cổ phiếu của Hòa Phát, nhưng giảm giá mục tiêu xuống 27.000 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, Chứng khoán Agribank - Agriseco Research đã đưa ra 8 mã cổ phiếu tiềm năng có kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2022 tăng trưởng tốt, định giá hấp dẫn trong đó có cổ phiếu HPG của Hòa Phát.
Bước sang quý 3, Agriseco Research kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ được phục hồi khi Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong nửa cuối năm. Đặc biệt, các đoạn cao tốc khu vực phía nam sẽ giúp doanh nghiệp này cải thiện sản lượng bán hàng Thép xây dựng trong thời gian tới.
Agriseco Research đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu HPG của Hòa Phát với giá mục tiêu 26.000 đồng/cp, tức cao hơn 14% so với trị giá hiện tại.
Hữu Việt
Theo cafeland