Yếu tố vĩ mô nào tác động tới thị trường chứng khoán trong 2 tháng cuối năm 2021?

Ngày đăng: 03/11/2021

Chia sẻ

Ông Hoàng Anh Tuấn nhắc đến kỳ họp FED trong tháng 11 – điều được cho sẽ tác động ít nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có cả thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy vậy, đây sẽ chỉ là một lý do để thị trường điều chỉnh, tạo ra cú "trigger" ngắn hạn để thị trường bứt phá mạnh mẽ lên đỉnh mới trong thời gian sau đó.

Năm 2021 đang dần khép lại, thời điểm này là lúc phù hợp để cùng nhìn lại những kết quả đầu tư trong năm 2021 đồng thời bàn về câu chuyện của những cơ hội đầu tư mới trong năm 2022. Xét trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn tăng "nóng" của hàng loạt cổ phiếu trong nửa đầu năm nay, những nhịp điều chỉnh xuất hiện nhiều hơn khiến cho viễn cảnh mua cổ phiếu nào cũng có lãi trở nên xa vời. Câu hỏi đặt ra là đâu sẽ là những cổ phiếu mang tới giá trị thực sự cho nhà đầu tư?

Trong buổi hội thảo trực tuyến chiều 2/11 được tổ chức bởi CTCK VNDIRECT, bà Trần Khánh Hiền – Giám đốc Khối Phân tích VNDIRECT cho rằng có 3 chỉ số vĩ mô mà nhà đầu tư cần thực sự quan tâm trong 2 tháng cuối năm nay.

Thứ nhất là chỉ số PMI, điều sẽ phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thể trở lại mức trước đại dịch hay không. Và quan trọng hơn, chỉ số PMI sẽ được phản ánh vào lợi nhuận của 1-2 quý liền kề sau đó.

Thứ hai, bà Hiền chỉ ra chỉ số về xuất khẩu. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy cả ở đầu vào và đầu ra, thì chỉ số xuất khẩu của Việt Nam mạnh sẽ chứng tỏ việc xuất khẩu nước ta đáp ứng kịp thời với nhu cầu thế giới. Cuối cùng là chỉ số lạm phát, mặc dù hiện tại chỉ số vẫn ở mức thấp và ổn định, song bà Hiền nhấn mạnh về nguy cơ đang rất hiện hữu.

"Khi các chỉ số lạm phát có dấu hiệu tăng lên thì nhà đầu tư cần cực kỳ thận trọng trong các quyết định của mình", bà Hiền khuyến nghị. Dự báo đưa ra cho lạm phát trong năm 2021 sẽ dao động của khoảng 3-3,5%.


Nguồn: Hội thảo chiều 2/11 của CTCK VNDIRECT

Bàn về những gói hỗ trợ của Chính phủ hay các chính sách đầu tư công, ông Cao Minh Hoàng – Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ IPA cho rằng tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đang còn khá khiêm tốn so với các nước đang phát triển trên thế giới, do đó dư địa thực hiện là lớn, đây cũng là một điểm nhấn cho những tháng cuối năm 2021 và sang cả năm 2022.

Gói kích thích kinh tế hay chính sách nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo đà bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và theo đó là triển vọng tươi sáng cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là các nhóm ngành được trực tiếp hưởng lợi.

Mặt khác, ông Hoàng cũng nhắc tới tỷ lệ lạm phát, tuy nhiên theo hướng tích cực hơn khi cho rằng đây sẽ chỉ là yếu tố tạm thời của giai đoạn phục hồi sau dịch. "Lạm phát ở mức ổn định là vô cùng tốt, khi mà xét trên khía cạnh riêng như bất động sản, lạm phát sẽ giúp giá đất gần như không thể kỳ vọng đi xuống".

Rủi ro gì cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

Triển vọng về thị trường chứng khoán những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, dựa trên biến số mang tính kỹ thuật, ông Hoàng Anh Tuấn – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VNDIRECT nhắc đến kỳ họp FED trong tháng 11 – điều được cho sẽ tác động ít nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có cả thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng đây sẽ chỉ là một lý do để thị trường điều chỉnh, tạo ra cú "trigger" ngắn hạn để thị trường bứt phá mạnh mẽ lên đỉnh mới trong thời gian sau đó.

Ngoài ra, yếu tố cước vận tải biển được ông Tuấn kỳ vọng sẽ ổn định trở lại trong khoảng 2-3 tháng tới trong bối cảnh các hãng tàu biển và hàng không đã phục hồi sau đại dịch, qua đó mở ra những cơ hội đầu tư mới.

Thực tế, rủi ro là yếu tố luôn luôn tồn tại trong thị trường chứng khoán, tuy nhiên đó lại chính là cơ hội. Có thể dễ dàng nhận ra yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng trên thị trường Việt Nam qua cách khối ngoại miệt mài bán ròng từ đầu năm 2021 đến hiện tại.

"Đơn giản vì họ sợ rủi ro, và điều đó là đúng. Nhưng, hãy nghĩ đến việc mọi người tham gia giao thông và ai cũng kiêng rè vì sợ xảy ra tai nạn. Khi mà tất cả mọi người đều lo lắng về rủi ro thì vô hình chung giao thông lại trở nên vô cùng an toàn", ông Hoàng chia sẻ.

"Và sự thật thì việc khối ngoại bán ra chỉ vì đang chờ đợi cơ hội để giải ngân và mua vào, do đó nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu tốt có thể hoàn toàn yên tâm".

Chuyên gia đến từ VNDIRECT cho rằng triển vọng đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam là rất khả quan, dự báo dòng tiền khối ngoại sẽ trở lại tích cực trong năm 2022. Chung quan điểm nhưng cụ thể hơn, bà Hiền dự báo dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại khi xu hướng nhóm cổ phiếu về thực phẩm đồ uống có dấu hiệu tăng tốt.

Phương Linh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

TOP