Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Bộ Công an lựa chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận phản ánh để xác minh, điều tra làm rõ.
Sáng nay (1/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trong phần cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã đề cập đến đấu giá đất - về vấn đề nóng gần đây trong dư luận
Theo đại biểu Thủy Thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu trò thắng thầu bỏ cọc. Thắng với mức đấu giá cao chót vót, rồi bỏ cọc, nhằm mục đích kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số. Việc trả giá quá cao rồi bỏ cọc như thời gian vừa qua đã dẫn tới nhiều hệ luỵ.
"Lấy ví dụ ở Thủ Thiêm, ngay sau cuộc đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu, thực chất là giá ảo để té nước theo mưa, đẩy giá đất, giá nhà ở TP Hồ Chí Minh lên cao, để kịp thời bán ra số lượng lớn nhà, đất mà họ đã mua trước đó", bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, có những nhà đầu tư còn lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu của mình, nguy hiểm hơn có những nhà đầu tư còn lợi dụng để "đánh võng" giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng, mà nếu trót lọt là có thể rút ruột các ngân hàng. Theo nữ đại biểu này,
"Việc giá đất bị đẩy lên quá cao, cùng với giá ảo sẽ biến giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp càng trở nên xa vời", đại biểu Thủy cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nếu vụ việc ở Thủ Thiêm để chỉ ra chiêu trò đấu giá cao chót vót, rồi bỏ cọc, nhằm mục đích kích giá đất, thổi giá đất
Tiếp theo bà Thủy đề cập đến tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng ghìm giá trong đấu giá đất. Việc bắt tay nhau để ghìm giá, mua rẻ tài sản của Nhà nước, nhất là đất đai diễn ra tại nhiều phiên đấu giá.
"Việc thông đồng có thể diễn ra với những người tham gia đấu giá với nhau, còn gọi là "quân xanh, quân đỏ", để lót đường cho một nhà đầu tư đã định sẵn với giá rẻ và giá trị thực của nhiều lô đất đã bị những "quân xanh, quân đỏ" dìm xuống", bà Thủy nêu thực tế.
Ngoài ra, trên thực tế, một số người còn sử dụng xã hội đen để đe dọa khiến cho nhiều nhà đầu tư sợ hãi, bỏ cuộc, rút hồ sơ. Khi đó, cuộc đấu giá thực chất chỉ còn 1 người tham gia, một mình một chợ. Còn những người khác chỉ là "quân xanh" của chúng và giá của những lô đất này thế nào là do các đối tượng thao túng và gần như đã được định sẵn, thấp hơn nhiều giá thị trường và chỉ cao hơn giá thời điểm không đáng kể.
"Có thể nói những thủ đoạn này đã gây ra thiệt hại rất lớn cho tài sản của nhà nước, chứ không chỉ đơn thuần là những vi phạm các quy định về đấu giá, đấu thầu", bà Thủy cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề cập đến tình trang "tay trong" trong đấu giá đất
Thứ 3 là tình trạng bắt tay ngầm, rút ruột của Nhà nước. Bà Thủy cho biết theo phản ánh của giới kinh doanh bất động sản, không thể nào tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có "tay trong".
Ở mức độ vi phạm đơn giản cũng phải có tay trong cung cấp thông tin thì mới có thể tổ chức quây thầu, vây thầu với giá rẻ. Còn ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì đó là cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích, rút ruột của nhà nước tại các phiên đấu giá.
"Lấy ví dụ gần đây, vụ án ở Hà Nội, các đối tượng đã bắt tay với những người có trách nhiệm để điều chỉnh giá đất rẻ hơn 1 nửa so với giá ban đầu. Từ 500 tỉ đồng xuống còn 300 tỉ đồng, nếu như những vi phạm này trót lọt thì Nhà nước mất gần 1 nửa giá trị tài sản. Nhưng đến nay, vụ án này đã có 8 bị can bị khởi tố. Trong đó có 2 bị can là cán bộ quản lý dự án. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn liệu có còn nhiều những phi vụ như thế này chưa bị lật tẩy hay không?", đại biểu đoàn Bắc Kạn đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cảnh báo hiện tượng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá đất
Cuối cùng là tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá. Theo bà Thuỷ, thẩm định giá là khâu rất quan trọng trong mỗi phiên đấu giá đất, tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn. Trong khi cơ chế kiểm soát lại rất lỏng lẻo.
Theo bà Thuỷ, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm trong thẩm định giá đất trong thời gian vừa qua. Từ các vụ án được đưa ra xử lý trong thời gian vừa qua cho thấy, cùng là hành vi móc ngoặc giữa thẩm định viên và các tổ chức, cá nhân trong đấu giá, nhưng đối với những gói thầu mua sắm trang thiết bị trả bằng ngân sách nhà nước thì giá thẩm định trong nhiều trường hợp đưa ra cao hơn rất nhiều so với giá trị thực. Còn những lô đất của nhà nước đưa ra đấu giá, trong nhiều trường hợp, giá thẩm định đưa ra lại rất rẻ.
"Những hành vi này đều trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng và xâm phạm lợi ích của nhà nước", đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định.
Trước thực tế trên, đại biểu đoàn Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nhiều hơn về hoạt động đấu giá đất. Bên cạnh đó, Bộ Công an lựa chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận phản ánh để xác minh, điều tra làm rõ, nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong hoạt động này.
Theo Thùy An
VTV.VN