Kinh tế tiếp tục phục hồi
Bất chấp sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới, tăng trưởng kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ sớm trở lại mức trước Covid nhờ sự tăng trưởng ổn định trong suốt cả năm, dẫn đầu bởi Ấn Độ và Trung Quốc đại lục.
Có nhiều dự báo khác nhau về lạm phát tại đây. Mức giá trong khu vực vẫn tương đối ổn định trong năm 2021 và lạm phát vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của chính phủ. Môi trường lãi suất phù hợp có thể tiếp tục được duy trì khi các chính phủ đưa ra các giải pháp hỗ trợ để phục hồi kinh tế vào năm 2022.
Trong khi đó, đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã khiến chi phí vận chuyển tăng cao trong năm ngoái. Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng trong khu vực sẽ tiếp tục diễn ra vào nửa đầu năm 2022, nhưng sẽ dần trở lại bình thường ở nửa cuối năm nay. CBRE dự báo chi phí vận chuyển trung bình sẽ ở mức vừa phải trong cả năm.
Các công ty công nghệ và dịch vụ tài chính thúc đẩy thị trường văn phòng
Nhu cầu thuê văn phòng tại châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 và hoạt động cho thuê được dự báo sẽ tăng lên 10% trong năm nay. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tỷ lệ lấp đầy sẽ trở lại mức trước đại dịch, do Trung Quốc đã đạt tỷ lệ cao kỷ lục vào năm 2021 và hoạt động tại một số thị trường phát triển sẽ bị hạn chế bởi thiếu nguồn cung.
CBRE kỳ vọng trong năm 2022, các doanh nghiệp sẽ ra quyết định nhanh hơn, chuyển tới các văn phòng chất lượng cao hơn, và tái cấu trúc không gian văn phòng khi áp dụng mô hình làm việc kết hợp (tại nhà và tại văn phòng).
Lĩnh vực công nghệ đã vượt qua tài chính để trở thành động lực chính của thị trường văn phòng vào năm 2021. Năm nay, sự mở rộng của các công ty phát triển phần mềm, mạng xã hội và công nghệ tiên tiến sẽ tạo ra những trụ cột lớn nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học đời sống, dịch vụ tài chính, quản lý tài sản, fintech và bảo hiểm sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về văn phòng.
Nhu cầu thuê kho lạnh tăng cao hơn
Năm 2022 được kỳ vọng sẽ là một năm thành công nữa của bất động sản công nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương. Nhu cầu đối với bất động hậu cần tiếp tục bị chi phối bởi thương mại điện tử, nhưng mức tăng trưởng mạnh nhất sẽ đến từ mua sắm hàng tạp hóa, sản xuất thực phẩm và dược phẩm. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu thuê kho lạnh chất lượng cao, vốn vẫn chưa phát triển ở hầu hết các nước trong khu vực.
Ngoài ra, khách thuê sẽ yêu cầu các bất động sản có chất lượng cao hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời dễ dàng áp dụng công nghệ giúp tự động hóa việc vận hành.
Bất động sản bán lẻ trở lại
Mặc dù sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối năm ngoái đã làm tăng thêm sự không chắc chắn cho triển vọng của thị trường bán lẻ, CBRE kỳ vọng hoạt động tiêu dùng sẽ trở lại bình thường trong năm nay, nhưng đòi hỏi nhiều dịch vụ và trải nghiệm hơn như ẩm thực và giải trí tại các điểm mua sắm. Tuy nhiên, đại dịch sẽ vẫn là mối lo với các nhà bán lẻ và nhiều người sẽ thận trọng khi mở rộng vào năm nay.
Đầu tư đạt mức cao kỷ lục và các chiến lược cốt lõi cần lưu ý
Năm 2022 được dự báo là năm mà đầu tư bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương đạt một kỷ lục mới nhờ tâm lý thị trường lạc quan và dòng vốn dồi dào. Tổng mức đầu tư có thể tăng 5% đến 10% lên khoảng 150 tỷ USD vào năm 2022.
Trong bối cảnh này, CBRE xác định ba chiến lược đầu tư cốt lõi mà nhà đầu tư nên cân nhắc. Thứ nhất là tập trung vào bất động sản hậu cần tại các vị trí đắc địa và thị trường mới nổi. Thứ hai là lựa chọn các thị trường văn phòng phù hợp để đầu tư khi chu kỳ giảm giá dài nhất sắp kết thúc. Thứ ba là xem xét các cơ hội trên thị trường nhà ở, nhất là nhà chung cư.
Nhà đầu tư cũng có thể nghiên cứu một số lựa chọn triển vọng khác, bao gồm khách sạn, các không gian bán lẻ chính tại các vị trí đắc địa, và các khu bán lẻ thứ cấp tại các quận trung tâm.
Lam Vy (SCMP)