Hoạt động trong ngành bất động sản và sản xuất chậm lại, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ

Ngày đăng: 19/06/2023

Chia sẻ
Loạt dữ liệu về sản xuất và Bất động sản mới nhất của Trung Quốc đã làm rõ hơn về một nền kinh tế đang ở giai đoạn trì trệ, đồng thời làm tan biến hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 của nền kinh tế lớn nhất châu Á

 

Trong lĩnh vực bất động sản, vốn trước đây là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, nhiều điểm yếu đã tiếp tục xuất hiện, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh trong việc hỗ trợ nhằm vực dậy thị trường.

Chỉ tính riêng trong tháng 5, giá trị doanh số bán nhà mới từ 100 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc chỉ tăng 6,7% lên 485,4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 68,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh số bán nhà tổng thể tại Trung Quốc trong tháng 5 cũng ghi nhận mức giảm 14,3% so với tháng 4.

Trong khi đó, chỉ hai tháng trước đó, giá trị doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng lên tới hơn 29% so với cùng kỳ năm 2022, theo Bloomberg.

Các nhà phân tích Chang Shu và Kristy Hung của Bloomberg đã viết trong một ghi chú gần đây: “Bức tranh cơ bản của thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn tương đối ảm đạm. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy hoạt động ổn định hơn, nhưng lĩnh vực này vẫn đang “ốm yếu”.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc, đang thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài hơn một năm khi hàng loạt nhà phát triển hàng đầu vỡ nợ, chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất trong tháng 5 tại Trung Quốc có tốc độ suy giảm tồi tệ hơn so với tháng 4, theo dữ liệu mới nhất vừa được công bố. Đồng thời, việc mở rộng dịch vụ trong tháng 5 cũng đã giảm bớt.

Theo các nhà kinh tế của Bloomberg, chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) tại Trung Quốc trong tháng 5 suy yếu cho thấy sự thiếu tin tưởng vào khu vực tư nhân. Điều này càng làm củng cố thêm quan điểm về khả năng nới lỏng chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Việc cắt giảm lãi suất có thể làm giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và có thể là một con đường giúp nới lỏng các điều kiện thị trường, nhưng chúng sẽ không có tác động quá lớn đến niềm tin của người tiêu dùng.

Các nhà hoạch định chính sách tại thị trường tỷ dân cũng có thể xem xét các ưu đãi thuế mới trị giá hàng trăm tỷ nhân dân tệ, theo một nguồn tin nói với Bloomberg, như một cách để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất.

Sự phục hồi kinh tế yếu hơn dự kiến của Trung Quốc sau các đợt phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch Covid-19 đã thể hiện ở mọi khía cạnh của nền kinh tế nước này, bao gồm cả các thị trường được ít người quan tâm, nơi thủy tinh, bột giấy, tinh bột ngô và styrene đều gặp phải những cơn gió ngược.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Bloomberg đã nhắc lại rằng mọi người không nên có quan điểm quá thiển cận về Trung Quốc, vì các số liệu và xu hướng trước mắt không đồng nghĩa với việc nó sẽ tiếp diễn trong lâu dài.

"Tôi cảm thấy tiếc cho những người này theo một cách nào đó, bởi vì mỗi khi người Trung Quốc công bố một số dữ liệu, các nhà phân tích Phố Wall lại phải nói điều gì đó về nó", chuyên gia Nicholas Lardy thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói với Business Insider.
 

Anh Nguyễn (Business Insider)

TOP