CafeLand - Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các thị trường bất động sản thương mại tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vẫn tiếp tục thu hút vốn đầu tư đáng kể, một phần nhờ vào sự hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, lý do chính xác hơn đến từ việc các nhà đầu tư toàn cầu cần phân bổ vốn nhiều hơn vào thị trường bất động sản châu Á.
Các nhà đầu tư bị thu hút bởi tiềm năng phát triển của một số thị trường mới nổi tại châu Á, đặc biệt là về phân khúc trung tâm dữ liệu. Theo nghiên cứu từ công ty bất động sản JLL, chỉ tính trong nửa đầu năm nay, khối lượng giao dịch bất động sản tại APAC đã tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ kém 6% so với nửa đầu năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện Covid-19.
Trong khi đó, số liệu từ CBRE cho thấy tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư châu Á ra nước ngoài cũng tăng đáng kể, đánh dấu sự phục hồi trong niềm tin. Cụ thể, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư châu Á trong nửa đầu năm 2021 đạt 15,5 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ.
Cũng theo CBRE, Mỹ và Anh lần lượt là hai thị trường phổ biến nhất của các nhà đầu tư châu Á khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh bên ngoài lãnh thổ châu lục. Trong khi đó, nếu chỉ tính riêng trong phạm vi khu vực APAC, Singapore là quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm nhất.
Các nhà đầu tư châu Á xem Mỹ và châu Âu như một “thị trường dành cho sự phục hồi” sau đại dịch, ngày càng được thu hút nhiều hơn bởi mức giá hấp dẫn trong một số lĩnh vực nhất định cũng như tính thanh khoản cao.
Mặc dù vẫn còn những lo ngại về nguy cơ xảy ra lạm phát ở một số thị trường, dẫn tới việc nền kinh tế bị ảnh hưởng, nhưng việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đã giúp thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều khi cuộc sống trở lại bình thường, cụ thể là bất động sản.
Singapore đã vượt mặt Trung Quốc để trở thành quốc gia có số lượng nhà đầu tư xuyên biên giới cao nhất khu vực. Bên cạnh đó, cần phải nói các quỹ đầu tư châu Á là những đơn vị nắm bất xu hướng bất động sản nhanh chóng. Thông qua mối quan hệ đối tác, họ có khả năng nắm bắt thông tin thị trường ở nhiều quốc gia.
Đã qua rồi cái thời mà các nhà đầu tư châu Á chủ yếu giới hạn mình trong thị trường văn phòng có tính thanh khoản thấp ở London, Anh. Vài năm qua, nguồn vốn từ họ đã nhắm đến các lĩnh vực khác nhau ở nhiều quốc gia, đặc biệt là lĩnh vực logisitcs.
Henry Chin, Trưởng Bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại CBRE cho biết các nhà đầu tư châu Á có thể đẩy mạnh tiếp cận thị trường văn phòng chất lượng cao tại những thành phố nằm ở cửa ngõ châu Âu và Mỹ trong thời gian tới.
Một số quỹ đầu tư châu Á nhìn thấy cơ hội tận dụng sự phục hồi trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống đang gặp khó khăn. Phân khúc bất động sản bán lẻ truyến thống vốn đã không còn được ưa chuộng ở các nền kinh tế phương Tây kể cả trước khi đại dịch bùng phát, nay càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi dịch bệnh cũng như sự bùng nổ của hình thức mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, một số loại hình như cửa hàng tạp hóa, vẫn hoạt động bền bỉ bất chấp những khó khăn. Dựa trên mức định giá, việc mua lại một số tài sản bán lẻ tại phương Tây hiện tại đem đến cơ hội hấp dẫn trong tương lai. Hiệu suất cho thuê trung bình tại các kho bán lẻ truyền thống ở Anh rơi vào mức 6%, trong khi ở những thị trường lớn tại châu Á như Singapore, Seoul và Thượng Hải chỉ rơi vào khoảng 4,25% đến 5,75%.
Với các nhà đầu tư Singapore và Hàn Quốc, những người dẫn đầu xu hướng đầu tư bất động sản ra nước ngoài, nhu cầu đa dạng hóa bên ngoài thị trường nội địa đóng vai trò là chất xúc tác để nắm bắt cơ hội tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Anh Nguyễn (SCMP)