Năm 2020 là quãng thời gian với nhiều nốt trầm của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường được dự báo sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo nhờ những chuyển biến tích cực đến từ loạt chính sách gỡ khó.
Thị trường bất động sản 2021 hưởng lợi trước loạt chính sách hỗ trợ. Ảnh: Internet.
Pháp lý ở lĩnh vực bất động sản hay bất kể lĩnh vực nào khác luôn là yếu tố then chốt để tạo nên sự vững chắc, tính đáng tin. Các chuyên gia đã nhận định rằng, pháp lý không chỉ quan trọng với các nhà đầu tư ở góc độ cá nhân mà nó còn là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến uy tín, sự phát triển của doanh nghiệp và cục diện của thị trường theo thời gian.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, pháp lý là một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến thị trường bất động sản rơi vào cảnh ảm đạm trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VNRea cũng lưu ý rằng, ngay trong quý IV/2020, Chính phủ đã có những quan tâm tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, pháp lý sẽ là một động lực thúc đẩy cho thị trường bất động sản 2021.
Vào năm 2021, loạt chính sách mới có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Luật đầu tư sửa đổi
Từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành, nhiều công trình sẽ được miễn giấy phép xây dựng. Theo đó, sẽ có 10 trường hợp được miễn phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2020 và một số những quy định hoàn toàn mới của Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Cụ thể, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm các trường hợp công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng. Đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc các trường hợp kể trên phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), Luật Xây dựng sửa đổi đã rút ngắn thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Điều này giúp các đơn vị tiết kiệm thời gian và chi phí trong khâu thẩm định thiết kế như trước đây.
Trong khi đó, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2021, sẽ tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi, đã bổ sung điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở, về chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Trường hợp có nhiều "nhà đầu tư" được chấp thuận thì việc xác định "chủ đầu tư" theo quy định của Luật Xây dựng.
Luật Đầu tư sửa đổi, cũng bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.
Ngoài ra, Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 170 Luật Nhà ở, quy định đối với dự án xây dựng nhà ở khác thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Đặc biệt, Luật Đầu tư bãi bỏ Khoản 3 Điều 22 và Điều 171 Luật Nhà ở, để đảm bảo sự thống nhất về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, đối với các dự án nhà ở phải thực hiện thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư" theo quy định của Luật Đầu tư.
Đồng thời, quy định Luật Đầu tư đã sửa đổi điểm a, điểm đ Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, chỉ yêu cầu có đánh giá sơ bộ tác động môi trường để chấp thuận chủ trương đầu tư; hoặc để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nên sẽ gỡ khó rất nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.
Nghị quyết 164 tháo gỡ vướng mắc đầu tư trong khu đô thị
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164 tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11 về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu đô thị đang gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư của dự án giữa Luật Đầu tư năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị; đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường xây dựng trầm lắng.
Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì đầu tư kinh doanh và góp phần ổn định thị trường trong thời gian sớm nhất và theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ quyết nghị việc áp dụng thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị kể từ ngày 1/7/2015 (khi Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực) cho đến ngày Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 có hiệu lực.
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014, thì các dự án này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 đồng thời được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, thì phải thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và quyết định chấp thuận đầu tư của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Các dự án chưa hoặc đang thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014, chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 thì thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Nghị định cứu hàng ngàn dự án có đất công xen kẹt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2020/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai. Nghị định cho phép được giao, cho thuê những thửa đất xen kẽ trong các dự án thay vì phải đấu giá như trước.
Nghị định số 148/2020/NÐ-CP trên sẽ có hiệu lực từ ngày 8/2/2021. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ cho hàng trăm dự án bất động sản đang phải "thùm mền" vì vướng đất xen kẹt. Việc dự án có quỹ đất công xen cài rải rác đang là nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Nghị định số 148/2020/NÐ-CP sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc về pháp lý bấy lâu nay. Đặc biệt là có cơ chế hợp lý để giải quyết các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án bất động sản, giúp khai thông bế tắc cho các dự án nhà ở trong cả nước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, quy định mới của Chính phủ sẽ giúp giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các phần đất do Nhà nước quản lý, nằm xen kẽ trong 126 dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Các dự án này hầu hết đang bị ngừng triển khai, có thể tái khởi động, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Nghị định số 25/2020/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư
Theo yêu cầu thực tiễn và khung pháp lý hiện hành có liên quan, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã được ban hành thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Ra đời trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai; các dự án PPP chưa rõ về quy trình đấu thầu, NĐ 25 có nhiều điểm mới tháo gỡ.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2020 và sẽ tiếp tục là "chìa khóa" để tháo gỡ cho các dự án bất động sản có vướng mắc liên quan trong năm 2021.
Theo Thanh Trần/nhadautu.vn