“Gốc rễ của công tác bảo tồn di sản là khẳng định quan điểm chung về giá trị để mọi người cùng chung tay với nhau” – TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Ngày đăng: 14/08/2024

Chia sẻ
Đối với Tạp chí Kiến trúc, TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn vẫn luôn là vị học giả đồng hành đáng quý, là tác giả đằng sau những bài viết, nghiên cứu chất lượng về bảo tồn di sản và quy hoạch kiến trúc. Nhân dịp vinh danh “Cây Bút Vàng 2023”, ông có những chia sẻ để độc giả Tạp chí hiểu rõ hơn về lĩnh vực nghiên cứu cũng như những bài viết của ông. 


TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Trong năm 2023, TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã dành nhiều tâm huyết cho các chủ đề về chiến lược, định hướng bảo tồn các di sản quốc gia. Ông cho rằng, vấn đề lớn nhất của các đô thị Việt Nam hiện nay là phát triển bền vững, sao cho quá trình hiện đại hóa đô thị không gây nhiều tác động tiêu cực xâm hại đến di sản kiến trúc, môi trường sống hay không gian xanh.

Trước thử thách đó, ông chia sẻ động lực viết bài của mình: “Bản thân mình lên tiếng thì chỉ có một mình mình, khi mình chia sẻ vấn đề này để các đồng nghiệp cùng chung tay sẽ tạo hiệu quả lớn hơn. Thay vì đánh đổi di sản và môi trường thì tại sao chúng ta không có cả hai, giữ được di sản, môi trường, phát triển kinh tế, xã hội?”.

Nói cách khác, thông qua các tác phẩm của mình, ông xác định mục tiêu chính là để truyền tải và lan tỏa, nhằm “tạo sự đoàn kết và chung tay hợp tác của tất cả những người có liên quan (stakeholder) khi họ xác định được những mối quan tâm chung về các giá trị cần được bảo tồn, chỉnh trang và phát triển”.

Theo ông, thực trạng hiện nay là đôi khi nhà đầu tư hiểu sai rằng di sản không có giá trị kinh tế, người dân nhiều khi có sự quan tâm nhưng không hiểu vấn đề đủ để hành động, còn nhà cầm quyền bị “ nhiễu thông tin” do tác động bởi nhiều phía, bên cạnh khó khăn về ngân sách, v.v.

“Nói chung, vấn đề gốc rễ của việc bảo tồn là những người liên quan chưa hiểu đúng, chưa cùng quan điểm về những giá trị cần bảo tồn và phát huy, và chưa chung tay với nhau”. Chính vì vậy, “trong những bài viết của mình, tôi nhấn mạnh vào các giá trị của di sản, bên cạnh giá trị quy hoạch kiến trúc, giá trị kinh tế xã hội và du lịch, còn là giá trị văn hóa, giáo dục, nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Đây là những giá trị căn bản vô cùng quan trọng đối với người dân, mà nếu lỡ mất đi rồi sẽ không tìm lại được!”, ông cho biết.

Tuy còn nhiều khó khăn trước mắt, những ông vẫn lạc quan trước những hiệu quả bước đầu, thể hiện qua những động thái ngày càng tích cực hơn của các địa phương trước các đề xuất giữ lại các công trình di sản TP HCM, Nha Trang, Đà Lạt, v.v. Sắp tới, ông mong rằng “các thành phố có lịch sử lâu đời đang phát triển mạnh như TP. HCM hay Hà Nội sẽ có khoanh vùng cụ thể cho việc quy hoạch bảo tồn các khu trung tâm lịch sử, kèm theo các quy định bảo tồn và chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển trong sự gắn kết với các giá trị di sản”.

Nhân dịp này, Tạp chí Kiến trúc xin một lần nữa gửi lời chúc mừng tới TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn với danh hiệu Cây Bút Vàng 2023. Chúc ông luôn mạnh khỏe và ngày càng thành công trên con đường nghiên cứu!

Lê Khanh – TCKT.VN 
Theo Tapchikientruc

Đặc sản biển 468
TOP