Đường Nguyễn Huệ TP HCM
Sang thời kỳ đô thị được xây dựng theo kiểu phương Tây, KGCC nhiều hơn và đa dạng hơn, được thiết kế cho chức năng, ý nghĩa thích hợp là nơi diễn ra những sự kiện chính trị, xã hội quy mô lớn, với nghi thức chuẩn mực, hoành tráng (như quảng trường). Các không gian nhỏ hơn và linh hoạt, như công viên hay vỉa hè đường phố lại thích hợp với sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng… KGCC đảm bảo quyền lợi của các tầng lớp xã hội như nghỉ ngơi thư giãn, giao tiếp với nhau, hưởng thụ thiên nhiên. Có thể nói, KGCC là “tài sản” thuộc về cộng đồng.
Sài Gòn – TP HCM là nơi sớm được quy hoạch và xây dựng theo kiểu đô thị phương Tây. Khu vực trung tâm có vị trí quan trọng, thể hiện các chức năng một “KGCC” đô thị hiện đại. Một thành phố lớn cần nhiều KGCC cho những hoạt động từ lễ hội đến sinh hoạt văn hóa, kinh tế của các cộng đồng thị dân. Vì vậy, đô thị Sài Gòn cũng có nhiều kiểu “KGCC” để phục vụ dân cư, thu hút và kích thích hoạt động xã hội của cộng đồng.
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, có những công trình quan trọng về chính trị như Tòa nhà UBND và tượng đài Hồ Chủ Tịch, hiện nay không gian đường Nguyễn Huệ được tổ chức như một “quảng trường” có chức năng sinh hoạt chính trị như tổ chức các nghi lễ, lễ hội, mít tinh… Tuy nhiên, đường Nguyễn Huệ từ khi hình thành đến nay luôn có một chức năng quan trọng khác: Nơi hàng ngày diễn ra những sinh hoạt văn hóa và xã hội đặc trưng của cư dân đô thị Sài Gòn, đồng thời một trung tâm dịch vụ, thương mai, du lịch.
Hiện nay, ngoài “không gian thiêng” là tượng đài Hồ Chủ tịch trước UBND, còn lại toàn bộ đường Nguyễn Huệ chưa được tổ chức thành những khu vực sinh hoạt của cộng đồng. Thử hình dung tuyến đường và quảng trường Nguyễn Huệ với một bên sẽ là những quán cà phê vỉa hè che dù mát mẻ mang lại cảm giác bình yên cho du khách. Bên kia là “thế giới ẩm thực” của những quán và hàng rong sạch sẽ, thơm ngon, quyến rũ, phản ánh sự đa dạng và độc đáo của ẩm thực Sài Gòn. Vào ngày cuối tuần hay lễ tết, “quảng trường” trở thành “không gian nghệ thuật”: Họa sĩ vẽ chân dung cho du khách, nghệ sĩ biểu diễn xiếc hay ảo thuật, dàn nhạc thính phòng hay truyền thống… Và tại sao không, nếu quảng trường Nguyễn Huệ trở thành một sân đình khổng lồ với những chiếu chèo, một sân khấu hát bội, cải lương hay đờn ca tài tử Nam Bộ? Hàng cây xanh, chiếc ghế đá, những tác phẩm “nghệ thuật sắp đặt”, điêu khắc… tạo nên sự thân thiện và kết nối giữa không gian rộng lớn với từng con người.
KGCC được “tận dụng” như vậy mang lại nhiều lợi ích: Thứ nhất là lợi ích kinh tế vì có thể thu thuế, phí của hoạt động kinh doanh thường xuyên hoặc vào cuối tuần tại đây; thứ hai, thu hút đông đảo dân cư và du khách, góp phần quảng bá những di sản văn hóa đặc trưng của thành phố; thứ ba, cộng đồng được thụ hưởng và đóng góp vào sinh hoạt nơi đây sẽ nhận thấy quyền và lợi của mình đối với một công trình công cộng, nâng cao ý thức trách nhiệm khi nhận thức được “thành phố là của chúng ta, là của chính mình”.
Đường sách Nguyễn Văn Bình TP HCM
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đô thị đã chỉ ra, vỉa hè không chỉ để “dành cho người đi bộ”. Nó là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, vừa có chức năng kỹ thuật (phân định và ngăn cách lòng đường và nhà trên đường, trồng cây xanh, cột điện, nhà chờ xe bus hoặc một số chức năng khác…) vừa có chức năng văn hóa: Đi bộ, nơi giao lưu của cộng đồng, nơi có nền “kinh tế vỉa hè” đặc trưng của từng đô thị. Do đó vỉa hè là tài sản công cộng cần được nhà quản lý điều hành và phân bố sao cho việc sử dụng phù hợp từng khu vực và quyền lợi của các nhóm cộng đồng ở đô thị.
Sinh hoạt của cộng đồng ở vỉa hè là một đặc trưng ở các đô thị lớn. Đây là những hoạt động kiến tạo các không gian giao tiếp sinh động và linh hoạt; khách bộ hành hay người đi đường cảm nhận được sự hấp dẫn từ các sản phẩm đa dạng, việc mua bán nhộn nhịp, các giao tiếp sinh động khác. Không gian vỉa hè từ lâu đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với người Việt Nam mà còn đối với khách du lịch quốc tế; góp phần đa dạng hóa các KGCC, tăng cường gắn kết quan hệ giữa con người với con người.
Từ nhiều năm qua việc lập lại trật tự vỉa hè ở trung tâm TP HCM rất khó khăn. Đó là vì, về phía người dân thì từ hàng chục năm nay buôn bán ở nhà mặt tiền hay trên vỉa hè trở thành sinh hoạt kinh tế – văn hóa quen thuộc. Hoạt động này có sự “trật tự” theo quy luật của đô thị. Còn về phía chính quyền thì không có quy hoạch sử dụng vỉa hè hợp lý để đưa vào quy định luật pháp, xử lý vấn đề tùy tiện và không nhất quán. Do đó, “chiến dịch dọn dẹp vỉa hè” tốn nhiều công sức, tiền bạc, thời gian nhưng kết quả không như mong muốn, thậm chí để lại nhiều hình ảnh thiếu thân thiện của chính quyền với người dân.
Một KGCC như đường phố, công viên hay quảng trường luôn hướng đến nguyên lý cơ bản là “dành cho tất cả mọi người” để có thể phát huy tính đa dạng và lợi ích mọi mặt. Trong phạm vi giới hạn của đô thị, chia sẻ KGCC đa chức năng như vỉa hè là một bài toán không khó giải, nếu nhà quản lý thực sự lưu tâm đến quyền lợi chung của đô thị và quyền lợi riêng của từng tầng lớp, bởi vì đô thị là của tất cả những người góp phần duy trì sức sống kinh tế và văn hóa. Nhiều nơi trên thế giới đã có những giải pháp mang lại sự trật tự, vệ sinh cho vỉa hè, sử dụng hết chức năng của nó để mang lại lợi ích cho xã hội. Đó là việc chính quyền có luật quy định rõ ràng về khu vực buôn bán, về thuế, phí và xử phạt minh bạch, nghiêm túc và công bằng nếu vi phạm. Đồng thời, tôn trọng và thực thi đúng luật pháp phải bắt đầu từ người thi hành luật pháp.
Có lẽ không một Nhà nước nào có thể đảm bảo việc làm cho tất cả người dân, vì vậy cần tạo điều kiện và có những quy định phù hợp cho người dân kiếm sống trong hoàn cảnh cho phép. KGCC vỉa hè là một trong những điều kiện ấy.
Công viên Lê Văn Tám TP HCM
Không thể không nhận thấy, trong mươi năm nay cảnh quan và kiến trúc tại khu trung tâm TP HCM biến đổi theo xu hướng ít thân thiện với môi trường. Cây xanh trên đường phố và các công viên Chi Lăng, công viên trước Nhà hát Thành phố, dọc bờ sông Sài Gòn, trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi giảm nhiều về số lượng và kém hơn về độ che phủ tạo bóng mát. Các tòa nhà mới xây dựng sử dụng kính làm vật liệu bao che và ít thiết kế các kết cấu che nắng đặc thù của vùng nhiệt đới gây cảm giác chật chội, đè nén hơn khi đi trên đường phố.
Sự biến đổi cảnh quan và kiến trúc tại khu trung tâm còn theo xu hướng ít thân thiện với con người, nhất là với cộng đồng cư dân lâu đời ở thành phố. Đó là vì cảnh quan đặc trưng mang “hồn vía Sài Gòn” không còn nữa. Thay vào đó là các công trình hiện đại như nhiều nơi khác, tỷ lệ áp đảo kích thước vỉa hè, đường phố cũ. Các công trình mới ít quan tâm đến việc thiết kế cấu trúc phục vụ người đi bộ (hành lang/mái che mưa nắng bên ngoài công trình) nên khu trung tâm ngày càng nắng nóng và ngột ngạt.
KGCC không chỉ dành cho du lịch, mua sắm mà còn là nơi thể hiện đặc trưng văn hóa của cộng đồng địa phương. Quá trình hiện đại hóa quá nhanh chóng làm cho KGCC – cũng như di sản văn hóa – trở thành nguồn lợi kinh tế “ngay và luôn” của một thiểu số, mất đi giá trị tinh thần và lợi ích kinh tế lâu dài của cộng đồng. Điều này còn dẫn đến tình trạng khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội ngày càng xa, KGCC khu vực trung tâm không còn tính chất “dành cho mọi người”.
Sự chia sẻ và cân bằng lợi ích của KGCC cần bắt đầu từ nhận thức: Đó trước hết là nơi thể hiện bản sắc văn hóa đô thị, mức độ văn minh của thành phố. Sau nữa, KGCC phản ánh trình độ khoa học quản lý của chính quyền, từ quy hoạch, sử dụng và điều phối những hoạt động và lợi ích ở đây hướng đến phục vụ cho cộng đồng một cách nhân văn.
TS Nguyễn Thị Hậu
Theo Tạp chí Kiến trúc