Không gian sáng tạo: Mô hình “Nhà ga văn hóa” đương đại

Ngày đăng: 07/06/2022

Chia sẻ

Trong bối cảnh vận hành của nền văn hóa đương thời, các không gian sáng tạo được ví như những “Nhà ga văn hóa”. Một mặt, các không gian sáng tạo đóng vai trò địa điểm (site) và nơi chốn (space), nơi để những nghệ sĩ và người sáng tạo tìm đến để có nơi làm việc, trú ngụ, chia sẻ gặp gỡ và nuôi dưỡng các ý tưởng mới. Mặt khác, mỗi không gian là một cổng kết nối (hub) để chia sẻ thông tin, gắn kết người với người, người với việc, liên kết và chia sẻ cơ hội, nguồn lực, điều kiện, là nơi trao đổi giữa nội địa và quốc tế, hay của liên ngành sáng tạo, hay giữa các ngành sáng tạo với công chúng. Không gian sáng tạo đóng vai trò liên kết giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức, các tổ chức cùng ngành và liên ngành đến với cộng đồng xã hội. Từ đó hình thành nên hệ sinh thái về sáng tạo cho một thành phố, một địa phương hay quốc gia, thậm chí là khu vực như Đông Nam Á. Với nhìn nhận như vậy, bài viết chia sẻ về Heritage Space như một trường hợp (case study) về mô hình không gian sáng tạo chuyển đổi và thích nghi trong bối cảnh đô thị, văn hóa và cả thách thức của dịch bệnh trong thời gian qua.


Không gian triển lãm của Heritage Space khi còn hoạt động tại tòa nhà Dolphin Plaza. Cảnh triển lãm “Ranh giới Vô hạn – Undefined Boundaries” giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc.

Được thành lập vào năm 2015, Heritage Space ban đầu cư trú tại tòa nhà Dolphin Plaza – một kiến trúc cao tầng ở ngoại vi Hà Nội. Heritage Space vào thời điểm ấy có điều kiện cơ sở vật chất khá tốt với diện tích trưng bày triển lãm đến 450m2, về sau thu nhỏ lại còn khoảng 300m2, ngoài ra còn có thêm thư viện và không gian tổng hợp rộng khoảng 300m2, một sân khấu 100-120 chỗ ngồi có thể thực hiện nhiều loại hình chương trình từ âm nhạc, trình diễn cho đến tọa đàm, chiếu phim. Không chỉ chú trọng phát triển Nghệ thuật, Heritage Space còn đóng vai trò quan trọng trong truyền bá tri thức, các hoạt động giáo dục và phát triển. Nhiều workshop, lớp học, thuyết trình, chiếu phim và thảo luận đã và đang được tổ chức hàng tháng, theo nhiều chủ đề: Kiến trúc, Di sản, Ngôn ngữ, Lịch sử, Phát triển Đô thị… Nhiều học giả, trí thức trong và ngoài nước đã đến thực hiện các chương trình tại Heritage Space. Tủ sách Tri thức của Thư viện có tính chọn lọc và chú trọng nhiều vào các ngành sáng tạo với các bộ sách nghệ thuật, kiến trúc, tri thức với nhiều mảng Văn học, Kinh tế, Triết học, Xã hội… tuyển chọn từ nhiều nhà xuất bản, nhà sách uy tín trong nước và quốc tế, được mở cửa hàng ngày. Các hoạt động tại Heritage Space thời điểm đó rất tích cực và đa dạng, diễn ra định kỳ, thực sự tạo được dấu ấn về một địa điểm văn hóa đa ngành, nơi đến của nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật.


Tác phẩm đa phương tiện của nghệ sỹ Ưu Đàm Trần trong triển lãm “Ranh giới Vô hạn – Undefined Boundaries” giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc. Ảnh: Heritage Space.

Ngay từ năm đầu tiên, Heritage Space đã bắt đầu có hoạt động hỗ trợ sáng tạo cho nghệ sĩ trẻ và đặt vấn đề kết nối trong nước với quốc tế, bằng cách triển khai một dự án Trao đổi Nghệ thuật Quốc tế hàng năm với tên gọi Tháng thực hành Nghệ thuật (MAP). Sáng lập bởi nghệ sỹ Trần Trọng Vũ, MAP được vận hành từ năm 2015 – nay (2021), kéo dài qua 7 kỳ, với sự tham gia của gần 100 nghệ sỹ quốc tế danh tiếng đến từ châu Âu, Mỹ, châu Á, các nước quanh khu vực Đông Nam Á. Nhiều nghệ sỹ trẻ trong nước đã được hưởng lợi từ quá trình làm việc, học hỏi và trưởng thành khi tham dự MAP. Nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật đã làm việc trực tiếp và cộng tác với MAP như Viện Goethe, L’Espace, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản, Nhà Sàn Collective, Sàn Art, Factory of Contemporary Arts Center, Manzi, Hanoi DocLAB, Trung tâm Thể nghiệm DomDom, giải thưởng Nghệ thuật Dogma Prize. Dự án cũng nhận được tài trợ từ các nguồn quỹ văn hóa nghệ thuật lớn, uy tín trong nước và quốc tế như Quỹ Trao đổi Văn hóa Việt Nam – Đan Mạch (CDEF), Viện Goethe, Trung tâm Trao đổi văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (Japan Foundation Asia Center), Quỹ Trao đổi Văn hóa Hàn Quốc Korea Foundation, Quỹ trao đổi văn hóa nghệ thuật Thụy Sỹ Pro Helvetia và Quỹ cứu trợ Quốc tế International Relief Fund của Văn phòng đối ngoại CHLB Đức cùng các đối tác khác.


Tọa đàm với diễn giả Đặng Hoàng Giang trong chuỗi Talk hàng tháng tại thư viện Heritage Space năm 2018. Ảnh: Heritage Space.

Giữa năm 2019, hỗ trợ không gian tại Dolphin Plaza kết thúc, và cũng để tìm kiếm sự đổi mới nên Heritage Space di chuyển vào nội đô. Các định hướng hoạt động và phát triển tổ chức từ đây cũng trở nên dài hạn hơn, tập trung nhiều đến yếu tố giáo dục, trao đổi tri thức nghệ thuật. Vì vậy, song song với việc tiếp tục duy trì dự án MAP, đóng vai trò kênh trao đổi quốc tế quan trọng và hỗ trợ sáng tạo, Heritage Space tiếp tục phát triển những dự án dài hạn khác. Một trong những dự án đó có tên là Vietnam Art Archive (ViAA) – mong muốn xây dựng một bộ lưu trữ trực tuyến về nghệ thuật đương đại Việt Nam, nhằm bổ trợ cho những vùng khuyết thiếu về tri thức và thông tin về nghệ thuật trong nước. ViAA được vận hành như một nền tảng dữ liệu trực tuyến nhằm cung cấp những thông tin, chỉ dẫn và nguồn tham khảo, tra cứu dành cho những người quan tâm hoặc những khán giả yêu thích nghệ thuật nói chung muốn tìm hiểu về nghệ thuật Việt Nam một cách có hệ thống. Dự án ViAA đặt ra một hướng phát triển quan trọng, không chỉ tạo ra những cơ hội làm việc trực tuyến ngay trong thời kì giãn cách bởi dịch COVID, mà còn là hướng tiếp cận của Heritage Space về tri thức, học thuật ở tầm khu vực, khi nó đặt ra được những cơ hội để có được sự hợp tác đa dạng với những nhà nghiên cứu, cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước và Đông Nam Á.


Một đêm nhạc thể nghiệm giữa các nhạc sĩ thế hệ mới của Việt Nam và nghệ sĩ quốc tế tại thư viện của Heritage Space năm 2019, chương trình hợp tác với Đom Đóm – trung tâm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm. Ảnh: Heritage Space.

Trong quá trình hoạt động của mình, Heritage Space không chỉ chú trọng vào dự án và chương trình nghệ thuật, mà quan tâm nhiều đến việc tham gia vào những dự án phát triển xã hội, và làm việc với những tổ chức đa ngành về cộng đồng, môi trường, kiến trúc hay thiết kế. Một trong những chương trình dài hạn đang được theo đuổi là Vì một Hà Nội đáng sống với các chiến dịch cải tạo môi trường sống của đô thị ở các khía cạnh như không gian công cộng, môi trường, kết hợp và đưa sáng tạo thành một phần hữu cơ và mật thiết của đời sống và phát triển đô thị. Một chương trình dài hạn khác là Vietnam Design Week, hợp tác với nhiều đối tác trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, thời trang, lifestyle (phong cách sống), nội thất… với mong muốn nuôi dưỡng những tài năng trong lĩnh vực thiết kế, cũng như định hình bản sắc thiết kế của Việt Nam trong bối cảnh giao thoa cực kì đa dạng với quốc tế. Các chương trình này vừa đa dạng hóa các hoạt động của Heritage Space vươn ra ngoài ranh giới nghệ thuật đơn thuần, vừa gắn kết tổ chức với các tổ chức liên ngành khác, tạo mối quan hệ mạng lưới và gốc rễ bền chặt cho phát triển đường dài và cộng sinh văn hóa.


Buổi trò chuyện giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Quốc tế với công chúng tại Six Space, khi Heritage Space di chuyển vào nội đô và hợp tác tổ chức các chương trình với nhiều không gian sáng tạo ở Hà Nội. Ảnh: Heritage Space

Một không gian sáng tạo cần chứa đựng các yếu tố sáng tạo: Hiểu theo nghĩa luôn vận động, thích nghi, mới mẻ, giàu năng lượng, bền bỉ. Câu chuyện của Heritage Space là một ví dụ cho cách thức vận hành và chuyển động theo các điều kiện khác nhau, khi nguồn lực thay đổi, thời cuộc thay đổi và con người thay đổi. Như vậy, các không gian sáng tạo ở thời đại mới sẽ vô cùng đa dạng, không có khuôn mẫu nhất định về con người, không gian vật lí, cơ sở hạ tầng, kĩ thuật, lĩnh vực hoạt động, mô hình hay chương trình hoạt động – Thậm chí một căn bếp cũng có thể trở thành địa điểm tổ chức hội thảo quốc tế, một góc cầu thang cũng là phòng triển lãm du kích, một chiếc bàn làm việc cũng trở thành xưởng chung của nghệ sĩ; hay các không gian sáng tạo không tồn tại ở khía cạnh vật chất mà nằm trên mạng, được xây dựng bằng vô vàn nền tảng trực tuyến hiện nay, từ Facebook, Instagram tới ZOOM, Miro, Discord, Minecraft và nhiều ứng dụng khác đang được tạo ra hàng ngày. Hiểu một cách đơn giản, không gian chính là con người – chủ thể sáng tạo, nó được hình thành, được vận hành, được định nghĩa và tồn tại bởi chính những người đang làm việc, có nhu cầu làm việc, hợp tác và tạo dựng cái mới. Khi coi chúng như những “Nhà ga văn hóa” của thời đại mới, những nhà ga hữu hình và vô hình, nhỏ và lớn, lúc ẩn lúc hiện, lúc đóng lúc mở, như những cơ thể sống chứ không phải là một cơ thể vật chất cứng nhắc, tiêu tốn quá nhiều nguồn lực thời gian, tiền bạc và con người để duy trì, chúng ta mới có cơ hội định hình lại cơ chế phát triển văn hóa và tạo dựng hạ tầng văn hóa cho đô thị hay một khu vực như mong muốn.

Nguyễn Anh Tuấn
Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space
© Tạp chí Kiến trúc

TOP