Vai trò của truyền thống trong kiến trúc hiện đại

Ngày đăng: 13/08/2024

Chia sẻ

Vấn đề truyền thống và hiện đại trong kiến trúc nước nhà cùng câu hỏi đâu là giá trị đích thực của truyền thống đã từng được giới kiến trúc sư cả nước bàn luận rất nhiều, nên người viết bài này chỉ có một mong muốn là góp được một điều đó có thể áp dụng được vào hoàn cảnh của nền kiến trúc Việt Nam hôm nay, một nền kiến trúc vẫn đang bộc lộ ít nhiều sự lúng túng, bế tắc…

Trên con đường phát triển kiến trúc còn lắm gian nan, đây đó đã bắt đầu xuất hiện một số khuynh hướng sáng tác có tính thử nghiệm. Trong đó khuynh hướng tìm về với quá khứ đã được nhiều người nhắc đến và sử dụng, xem như là một giải pháp giàu tính khả thi. Nó lí giải vì sao các hiện tượng phục cổ lại xuất hiện ngày một nhiều hơn và đang trở thành một xu hướng, một mốt thời thượng rất thịnh hành trong nền kiến trúc hiện đại của chúng ta trên cả hai bình diện hàn lâm lẫn bình dân. Nó đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, kiến trúc Việt Nam hiện nay tại sao phải tìm về quá khứ, viện dẫn quá khứ để làm giải pháp cho sự phát triển. Vậy đâu là giá trị đích thực của truyền thống và bằng cách nào truyền thống đã để lại dấu ấn của mình lên nền kiến trúc dân tộc?


Một công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật Kenzo Tange

Dường như trong suy nghĩ của chúng ta, kiến trúc truyền thống vẫn chỉ được xem như là một chứng nhân của lịch sử, là cuốn biên niên sử được viết bằng vật liệu xây dựng của dân tộc. Cho nên cũng có thể hiểu khi một số ý kiến phản đối cho rằng giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại không có mấy liên hệ với nhau. Nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn một chút chúng ta sẽ thấy lịch sử và hiện tại như là một dòng chảy không ngừng. Lịch sử đã trở thành khuôn phép nội tại, là bối cảnh, là chỗ dựa cho mọi người vững chân trong hiện tại. Trong một chừng mực nào đó, truyền thống là lịch sử nhưng lại quy định phương thức tư duy, phương thức hành vi và trình độ nhận thức của chúng ta. Do đó mà nó có ý nghĩa quy định cho hôm nay và cho cả tương lai. Người phương Đông có câu “Lấy sử làm gương”, kì thực kiến trúc truyền thống không những là “gương” mà còn là một nhân tố quan trọng để cấu thành nên kiến trúc hiện đại. Kiến trúc truyền thống đối với chúng ta không thể là vấn đề có cũng được mà không cũng được. Nó quy định phương thức, dạng thức của tiến trình hiện đại hóa. Bởi trong mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi cách suy nghĩ của chúng ta ngày hôm nay đã thẩm thấu một màu sắc cơ bản – màu sắc của truyền thống dân tộc.

Trong kiến trúc chắc hẳn rồi sẽ xuất hiện nhiều phong cách sáng tác khác nhau vì mỗi kiến trúc sư đều có quyền lựa chọn cho mình một phong cách riêng mà mình ưa thích. Nhưng kiến trúc không phải là cái gì khác, bản chất của nó là nhân hóa. Nó được cấu thành bởi phương thức và trình độ nhận thức của con người trong tiến trình phát triển. Nó chọn lọc, lưu giữ những giá trị trường tồn và bất biến qua thời gian được nhiều người thừa nhận. Kiến trúc truyền thống Việt Nam đạt được trong lịch sử là mật mã di truyền xã hội của con người Việt Nam đã tích lũy và lắng đọng qua hàng ngàn năm phát triển, để rồi được gửi gắm tất cả vào hình hài của từng công trình, từng cụm công trình kiến trúc cụ thể. Bản thân mỗi công trình kiến trúc đều mang trong mình nhiều tầng nghĩa. Trước hết nó được xây dựng nhằm đáp ứng những nhu cầu hết sức cụ thể của con người trong cuộc sống như để ăn ở, sinh hoạt… Sau đó nó được phủ lên mình một biểu tượng, một hình hài mà chủ thể sáng tạo ra nó muốn gửi gắm vào đấy những tâm tư, tình cảm của họ. Và cuối cùng, cao hơn tất cả, nó được khoác lên mình những hình ảnh, những biểu tượng để tượng trưng cho tư tưởng, lối sống, quan niệm thẩm mĩ… của cả một cộng đồng, cả một dân tộc. Chính tầng nghĩa sau cùng này sẽ được tích lũy và lắng đọng lâu dài trong lịch sử. Tầng sâu của biểu tượng văn hóa này sẽ chuyển hoá thành tầng ý thức và rồi trở thành thiên tính trong mỗi con người hiện thực chúng ta. Truyền thống đã không ngừng khắc dấu ấn của tổ tiên trên mỗi chúng ta, và kiến trúc chỉ là một trong những đối tượng mà truyền thống đã gửi gắm lại dấu ấn của mình. Vậy nên việc phủ nhận truyền thống trong quá trình sáng tác kiến trúc dường như là một việc làm không thể. Cái mà người ta gọi là triệt để, quyết liệt tách rời truyền thống là do họ chỉ nhìn thấy duy nhất mặt tiêu cực của truyền thống trong một bối cảnh xưa cũ để rồi phản đối truyền thống. Không thể tách rời hiện đại với truyền thống thành hai đoạn khác nhau, nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta không thể vượt qua truyền thống – điều mà Kenzo Tange, kiến trúc sư lỗi lạc người Nhật Bản đã làm được cho nền kiến trúc hiện đại của đất nước “mặt trời mọc” bằng nguyên lí phản truyền thống nổi tiếng của ông. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để vượt qua, vượt lên kiến trúc truyền thống là chúng ta phải nắm chắc được nó, hiểu biết tường tận về nó. Chỉ trên cơ sở kế thừa ưu điểm, khắc phục nhược điểm của kiến trúc truyền thống, chúng ta mới có cơ hội vượt qua nó.

Như một dòng chảy bất tận có đỉnh thịnh và điểm suy, trong quá trình phát triển, các dòng kiến trúc đều có thời kì hưng thịnh và suy vong. Song nhìn chung, dòng kiến trúc phát triển sau thường cao hơn dòng kiến trúc phát triển trước, như làn sóng sau xô làn sóng trước, càng về sau càng cao hơn trước nhiều. (Tất nhiên quy luật phát triển ấy không phải là con đường hoàn toàn bằng phẳng, đã có lúc kiến trúc phát triển quanh co và bao hàm cả nhân tố thụt lùi.) Kiến trúc hậu sinh được bắt nguồn trên cơ sở của kiến trúc tiền sinh, nâng trình độ của kiến trúc tiền sinh lên một tầng bậc cao hơn. Hiểu rõ quá trình phát triển này của lịch sử, chúng ta hoàn toàn không cần thiết đem truyền thống và hiện đại đối lập nhau. Các nền kiến trúc từ trước đến nay vẫn vậy, mỗi khi có điều kiện chúng đều tích cực giao lưu, học hỏi lẫn nhau để tự phát triển.

Lịch sử cũng cho chúng ta những ví dụ vĩ đại về sự suy vong rồi lại được phát triển trên cơ sở mới. Như kiến trúc cổ Hy Lạp đã tàn lụi ở thời Trung cổ, đến thế kỉ XV phong trào nghệ thuật Phục hưng đã hồi sinh nó và đưa nó lên một tầm cao mới. Vậy nên, một truyền thống kiến trúc cũ được xem là lỗi thời nhưng nếu nó vẫn lưu giữ trong mình những tư tưởng cùng đặc tính bền bỉ của dân tộc, thì một khi được hồi sinh sẽ có điều kiện vượt xa hình thức mà nó đã có trước đó. Kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng không là ngoại lệ, vẫn đang chờ đợi một cơ hội phục hưng thực sự và nếu như nó lại được bay bổng lên một lần nữa (sau phong trào kiến trúc Đông Dương đặc sắc đầu thế kỉ XX) thì sẽ huy hoàng biết chừng nào! Thế kỉ XXI là thế kỉ của văn hóa. Các loại hình văn hóa trong đó có kiến trúc sẽ dựa vào bản thể đặc sắc của chính mình để tự phát triển. Kiến trúc truyền thống các dân tộc sẽ có được cơ hội phục hưng toàn diện trong thế kỉ này. Kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng vậy, đang đứng trước vận hội lớn của mình và tất cả chúng ta đều kì vọng vào điều đó.

Theo Lê Hữu Trúc (Văn nghệ quân đội)

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP