Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam

Ngày đăng: 16/03/2023

Chia sẻ

Đình Bảng – Đình làng vùng đồng bằng Bắc Bộ (Ảnh: Hoàng Thúc Hào)
 
Mỗi một dân tộc dù sinh sống trong cùng một quốc gia vẫn có nền văn hóa riêng biệt, được đặt nền móng từ những ngày đầu tiên cư trú trên một vùng lãnh thổ nhất định, chịu tác động sâu sắc của điều kiện tự nhiên, được bồi tụ và hun đúc suốt chiều dài lịch sử phát triển hàng trăm, hàng ngàn năm, thường xuyên có sự tương tác – gạn lọc – tiếp thu – phát huy trong quá trình phát triển song hành cùng kinh tế – xã hội. Kiến trúc là một bộ phận hữu cơ, là một thực thể cấu thành nên một nền văn hóa. Kiến trúc mỗi vùng miền có đặc trưng, giữa các vùng miền có sự đa dạng, chỉ có thể thấy nét tương đồng chứ không thể tìm ra hai nền văn hóa giống hệt nhau, dù là hai khu vực nằm sát gần nhau. Kiến trúc và văn hóa của mỗi dân tộc có cấu trúc đặc thù, giống như cấu trúc của bộ gen sinh học, tìm hiểu, nghiên cứu, làm sáng tỏ đặc trưng văn hóa, kiến trúc các vùng miền chính là việc giải mã bộ gen trong văn hóa và kiến trúc của vùng miền đó. Điều này thực sự quan trọng và có ý nghĩa lớn, giúp kiến trúc Việt Nam phát triển đúng hướng, hướng tới tương lai bền vững, hòa nhập với dòng chảy của thế giới nhưng vẫn giữ được những gì là tinh túy, hồn cốt.
 

Tổng quan về văn hóa kiến trúc

1. Văn hóa nói chung

Trên thế giới, có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, có những quan điểm tương đối khác biệt nhưng tập hợp lại, điểm chung của các quan điểm đó là: Văn hóa là sản phẩm tinh thần và vật chất của loài người, hình thành và phát triển trong mối quan hệ qua lại giữa con người với thiên nhiên và xã hội. Tiếp đó, chính văn hóa lại ảnh hưởng ngược lại đến quá trình phát triển của con người, tham gia vào duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tái tạo và phát triển không ngừng trong quá trình lao động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa phản ánh trình độ phát triển của xã hội, được biểu hiện trong các hình thức tổ chức đời sống, cách thức lao động và hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần được kiến tạo. Tóm lại, văn hóa bao gồm tất cả những yếu tố đặc trưng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác (theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp Quốc – UNESCO).

Tại Việt Nam, cuốn Đại Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành, do tác giả Nguyễn Như Ý chủ biên, xuất bản năm 1998 bởi Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin định nghĩa như sau: “Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử”. Cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004, thì bóc tách về văn hóa theo sáu lớp: 1. Hệ thống giá trị tinh thần và vật chất; 2. Sự tích lũy giá trị văn hóa; 3. Đời sống tinh thần; 4. Tri thức và kiến thức khoa học; 5. Nhận thức xã hội và 6. Sự xuyên suốt của văn hóa theo dòng lịch sử. Học giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam” cho rằng văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Còn học giả Phan Ngọc thì nhận xét văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng (Gene, xuất xứ, học vấn, tính cách…) với hiện thực khách quan (thiên nhiên, địa lý, thời đại) biểu hiện thành kiểu lựa chọn khiến cá nhân, giúp nhận diện một cộng đồng và phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác trong một vùng, quốc gia này với quốc gia khác trên thế giới.

2. Văn hóa trong kiến trúc


Nhà Rông của người dân tộc vùng cao Tây Nguyên (Ảnh: Hoàng Thúc Hào)

Nền kiến trúc của một quốc gia, trên một bình diện hẹp hơn là nền kiến trúc của mỗi tộc người trong quốc gia đó, là bộ phận cấu thành của một nền văn hóa. Điểm này được thể hiện rõ trong công trình kiến trúc – là kết quả quá trình thích ứng lâu dài trong việc kiến tạo môi trường cư trú phù hợp với điều kiện tự nhiên từng khu vực, phản ánh quan niệm, suy nghĩ, nguyện vọng, sự tìm tòi, chắt lọc và tích lũy kinh nghiệm của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu bản thân và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống theo đà phát triển của xã hội.

Những công trình kiến trúc không chỉ là yếu tố làm nên nét đặc trưng của mỗi vùng miền mà còn là biểu tượng thiêng liêng và quý giá, trở thành niềm tự hào của dân tộc đã sáng tạo ra công trình ấy. Thực tế kiến trúc là một ngành nghệ thuật kết hợp khoa học về tổ chức sắp xếp không gian phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng trong xã hội. Mỗi dân tộc, cộng đồng, tổ chức, cá nhân có một lối sống riêng, thói quen sinh hoạt đặc trưng, chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên và bối cảnh xã hội riêng biệt, có thể ổn định hoặc biến đổi dần theo thời gian.

Kiến trúc nhà ở biểu hiện rõ nét nhất văn hóa ở của các dân tộc. Họ tổ chức những không gian sinh hoạt dựa trên địa hình, tận dụng các yếu tố có lợi và khắc chế những tác động bất lợi của thiên nhiên, thể hiện những quan điểm về hình thức, thẩm mỹ phù hợp với nhận thức ở mỗi thời đại của từng địa phương.

Kiến trúc cộng đồng (kiến trúc công cộng) là biểu hiện cho văn hóa cộng đồng. Nhà cộng đồng có thể lớn hoặc nhỏ, tùy thuộc vào số lượng thành viên của thôn xóm, buôn làng, tọa lạc ở đầu làng hoặc chính giữa làng, gần hoặc xa bến sông, cấu trúc, kết cấu và chi tiết trang trí có thể giống hoặc khác nhau. Đình làng – nhà cộng đồng của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ khác xa nhà Rông – nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cả về cấu trúc, hình thức và cách thức xây dựng: Trong khi mái đình to và trải theo chiều rộng với bốn mái và đầu đao vút cong, lợp ngói ta xếp lớp, có nhiều chi tiết trang trí cầu kỳ thì mái nhà Rông lại thuôn gọn và vút lên cao, lợp lá rừng bện tết thành mảng lớn, ít chi tiết trang trí, nếu có là những họa tiết rất đơn giản và mộc mạc.


Làng xóm của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ (Ảnh: Tạp chí Kiến trúc)


Bản làng vùng cao của người Dao ở Tây Bắc (Ảnh: Elitetour Vietnam)

Bối cảnh và sự chuyển đổi của văn hóa trong kiến trúc

1. Văn hóa ở truyền thống

Việt Nam là một quốc gia gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng đặc sắc và một phong cách kiến trúc độc đáo, đã được thẩm định theo thời gian, thể hiện sự thích ứng ở mức độ cao với điều kiện tự nhiên và bối cảnh xã hội, theo xu hướng phát triển ngày một hoàn thiện.

Văn hóa ở truyền thống do vậy cũng rất đa dạng, ngay cùng một dân tộc đã có sự khác biệt với những điều kiện sinh hoạt khác nhau theo vùng miền: sống trên vùng núi cao khác so với vùng trung du, cư trú riêng biệt khác so với cư trú xen kẽ các dân tộc khác, quần cư theo nhóm lớn khác quần cư theo nhóm nhỏ, cộng đồng thuần nông khác cộng đồng có thêm nghề thủ công…

Dân tộc Kinh chiếm số đông (khoảng 85% dân số) trong cộng đồng dân cư người Việt. Văn hóa ở người Kinh thể hiện ở tính quần cư làng xã vùng đồng bằng, gắn với nghề trồng lúa nước và dựa vào hệ thống sông ngòi và hồ ao dày đặc. Ngoài ra, người Kinh phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống, dựa trên thế mạnh riêng như nguyên vật liệu phong phú, khả năng thao tác và bề dày kinh nghiệm sản xuất được truyền lại qua nhiều đời. Người Kinh thường quần tụ theo họ hàng và tổ đội sản xuất nông nghiệp và/hoặc thủ công nghiệp thành từng cụm nhà trong làng. Cấu trúc làng xóm điển hình với lũy tre, cổng làng, giếng làng, đình làng, chợ làng, cây đa, bến nước, con đò, cầu ao,… đi cùng nhiều hoạt động văn hóa như hội làng, tục thờ cúng, cầu mưa thuận gió hòa. Văn hóa ở truyền thống của người Kinh còn thể hiện qua hương ước làng xóm, tục lệ do làng quy định (mạnh đến mức phép vua đôi khi cũng thua lệ làng), và nhiều tập quán phong tục khác. Về kiến trúc có thể thấy rõ văn hóa ở truyền thống của người Kinh tại thôn quê qua cách bài trí nội ngoại thất một căn nhà điển hình với hệ sinh thái khép kín vườn ao chuồng, tận dụng những yếu tố có lợi của điều kiện tự nhiên như đón gió mát mùa hè, cản gió lạnh mùa đông, việc đáp ứng các nhu cầu ở được chú trọng trong cả giải pháp xây dựng và tạo cảnh quan.

Ở thành thị, văn hóa ở truyền thống của người Kinh lại được xây dựng trên cơ sở phường hội sản xuất thủ công. Mỗi một căn nhà phố, dù diện tích không rộng, với chiều ngang hẹp và chiều dài lớn (nhà ống), được tổ chức hợp lý thành từng khối, có sân trong giãn cách, rất thích hợp với hoạt động sản xuất – kinh doanh theo hộ gia đình đồng thời đảm bảo đủ ánh sáng và thông thoáng cho căn nhà. Hoạt động sản xuất đi liền với không gian ở, các hộ sản xuất tập hợp thành các phường nghề, mỗi phường làm một nghề và có đền thờ ông/ bà tổ nghề.

Dân tộc Thái: Nhà của người Thái Đen khác nhà người Thái Trắng. Nhà của người Thái Đen có hình bát giác với hai cạnh dài ở hai mặt chính và sáu cạnh ngắn chia đôi hai đầu hồi, mỗi đầu hồi dạng nửa hình lục giác ghép sát vào gian nhà chính và không có lan can xung quanh, trong khi nhà người Thái Trắng có mặt bằng hình chữ nhật, có lan can xung quanh hoặc phía trước nhà. Ngoài ra, chi tiết khau cút bằng gỗ dạng chữ X được gắn trên nóc đầu hồi nhà giúp nhận biết nhà của người Thái Đen, vì chi tiết này không có trên mái của nhà Thái Trắng.

Dân tộc Ê-đê: Khác những dân tộc ở quần tụ quy mô vài gia đình trong một nhà với vài gian chiều dọc, người Ê-đê ở Tây Nguyên sinh sống tập trung với 20 – 30 gia đình trong họ tộc ở cùng một chỗ. Nhà của họ rất dài, cứ một gia đình mới hình thành sẽ ghép nối tiếp thêm một gian vào nhà chính (theo một hướng), cứ thế kéo dài mãi ra, có thể lên đến 30 gian, tạo thành hình thức kiến trúc nhà dài có một không hai.

2. Các yếu tố tác động đến văn hóa ở

Có bốn yếu tố cơ bản tác động đến văn hóa ở:

  • Điều kiện địa hình: Địa điểm xây dựng bằng phẳng (thuận lợi) hoặc không bằng phẳng (bất lợi);
  • Điều kiện khí hậu: Thời tiết nóng, lạnh, lượng mưa nhiều, ít theo mùa; ảnh hưởng của thiên tai: bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất,…
  • Đời sống văn hóa – tín ngưỡng: Quan niệm – nhận thức của con người về sự thịnh vượng, tốt đẹp, thuận tiện, thẩm mỹ, niềm tin gửi gắm vào các đấng tối cao;
  • Liên hệ xã hội: Tiếp xúc và đón nhận những kinh nghiệm của các dân tộc khác trong việc tổ chức không gian ở (xưa kia) và của các quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa (hiện tại và tương lai).

3. Văn hóa ở hiện đại – sự chuyển dịch theo chiều thẳng đứng và tiến tới đậm đặc hóa mật độ

Văn hóa ở hiện đại trong các đô thị trên thế giới cũng như tại Việt Nam được định hình và dẫn dắt bởi ba xung lực: 1. Toàn cầu hóa (Globalisation), 2. Hiện đại hóa (Modernisation) và 3. Đô thị hóa (Urbanisation). Xung lực thứ tư – Sinh thái hóa (Ecologicalisation) – được tiếp thêm bởi yêu cầu phát triển bền vững trong điều kiện hành tinh xanh ngày một dễ bị tổn thương và môi trường sống của nhân loại ngày một suy giảm về chất lượng.
Toàn cầu hóa đem lại những giá trị mới, có tính phổ quát, diễn ra trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày một sâu rộng, thẩm thấu vào đời sống kinh tế (vật chất), đời sống văn hóa (tinh thần) và ảnh hưởng nhất định đến văn hóa ở (vừa trên khía cạnh vật chất, vừa trên khía cạnh tinh thần).

Hiện đại hóa nảy sinh từ nhu cầu tự thân của xã hội, nâng cấp trình độ phát triển và khai thác có hiệu quả những tiềm năng để thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, trong đó chất lượng ở là hợp phần quan trọng nhất.

Đô thị hóa phản ánh trình độ phát triển của một quốc gia, vùng miền về kinh tế. Đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng, là đầu tàu thúc đẩy kinh tế của một vùng lãnh thổ, có sức hút đội ngũ lao động (cả lao động chân tay và trí óc) đến sinh cơ lập nghiệp. Dân số đô thị tăng nhanh ở tất cả các nhóm nước, từ các quốc gia tiên tiến nhất cho đến những quốc gia chậm phát triển.


Nhà cao tầng mọc lên ồ ạt trên tuyến đường Lê Văn Lương ở Hà Nội (Ảnh: Báo Lao động)

Sinh thái hóa có thể coi là yêu cầu bắt buộc và lựa chọn tất yếu của nhân loại khi biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là nguyên nhân trực tiếp của những cuộc khủng hoảng như khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nguồn nước… Sinh thái hóa đi đôi với phát triển bền vững đã được đưa vào vị trí trung tâm của các chiến lược phát triển cấp độ quốc gia đến cấp độ địa phương, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và các nguồn tài nguyên cũng như phát sinh chất thải thuộc hàng cao nhất.

Sự chuyển dịch theo phương thẳng đứng là một biểu hiện rõ nét nhất của văn hóa ở hiện đại dưới tác động của bốn xung lực trên, cộng đồng ngày một vươn lên cao khỏi mặt đất, khi các đô thị trở nên đông đúc và chật chội, dân số tăng nhanh hơn tốc độ mở rộng, vượt quá khả năng dung nạp. Ở Hà Nội, những năm 1990 và 2000, chung cư cao nhất chỉ 15 – 20 tầng, đến những năm 2010 là 30 – 40 tầng, và đến thời điểm cuối năm 2022 lên tới 60 – 70 tầng. Cuộc chạy đua về độ cao trong đô thị chưa có dấu hiệu suy giảm, các công trình được thiết kế sau thường phải cao hơn những tòa nhà được xây dựng trước đó. Ngoài vươn cao, các tòa nhà còn xây chen, khiến mật độ xây dựng, mật độ cư trú tăng nhiều lần, không gian xanh và hạ tầng thiếu thốn, môi trường đô thị ngột ngạt, ô nhiễm, mức độ ô nhiễm không khí hiện tại thường từ mức đỏ đến nâu và tím, rất nguy hại cho hệ hô hấp.

Thực tế nhiều cư dân chưa quen với việc sinh sống trong những tòa tháp thẳng đứng như vậy. Chiều cao lớn, mật độ dân cư dày đặc gây áp lực nặng nề lên các không gian sử dụng chung như sảnh tầng, thang máy, hệ thống đổ rác, khu vui chơi giải trí, vườn mái, trang thiết bị tiện ích, chỗ đỗ xe,… ảnh hưởng nghiêm trọng tiện nghi môi trường sống.

Hệ lụy của sự phát triển đậm đặc hóa và cao tầng hóa, ngoài chất lượng ở giảm sút còn gây nhiều quan ngại về sự quá tải đối với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị, tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích, là bài toán khó cần giải quyết.


Nhà vườn Huế là một tổng thể nghê thuật tổ chức không gian sống (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Thành phố Huế)


Phố cổ Hội An là ví dụ điển hình về bảo tồn không gian ở truyền thống trong lòng một xã hội hiện đại (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Những vấn đề đặt ra với văn hóa kiến trúc và nhiệm vụ của kiến trúc trong bối cảnh văn hóa ở đang biến đổi nhanh và mạnh trong các đô thị hiện nay

1. Những vấn đề tích cực và một số ví dụ điển hình

Phát triển kiến trúc và phát huy văn hóa kết hợp bản sắc và hiện đại cần dựa trên cơ sở cân bằng và hài hòa lợi ích của các bên liên quan, nhất là bên liên quan trực tiếp mà cụ thể là cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy nơi nào có sự kết hợp hài hòa lợi ích, nơi đó sẽ thành công và trở nên thịnh vượng.

Ví dụ ở Huế: Nhà vườn Huế là địa điểm rất thu hút khách du lịch quốc tế khi họ đến tham quan cố đô, bên cạnh hệ thống di sản cung điện lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn vẫn còn hiện diện và được bảo tồn bài bản và khoa học với sự giúp đỡ của chính phủ và chuyên gia Đức. Nhà vườn Huế là một tổng thể hài hòa giữa môi trường nhân tạo và môi trường thiên nhiên, thể hiện sự tinh tế và tỉ mỉ của người Huế trong xây dựng nhà ở và tổ chức cảnh quan, được nâng tầm thành một nghệ thuật, thể hiện triết lý sâu sắc của chủ nhà về thiên nhiên – vũ trụ – con người. Trồng những cây gì, vị trí ở đâu, kết hợp với nhau ra sao, bể cảnh hiện diện chỗ nào, được trang trí những gì, gắn kết với căn nhà theo trục, bố trí quanh nhà thành từng lớp,… đều được nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc chăm sóc cây cũng đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo cũng như kiên trì, bên cạnh kiến thức. Chính quyền hỗ trợ người dân gìn giữ những nét tinh túy của ngôi nhà qua nhiều thế hệ và người dân hợp tác với chính quyền đẩy mạnh du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Ví dụ ở Hội An: Khu phố Cổ Hội An với hàng trăm căn nhà còn nguyên vẹn từ thế kỷ 16 – 17 rất thu hút du khách cả trong và ngoài nước. Chính quyền và người dân địa phương hiểu rất rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn, gắn liền danh tiếng của đô thị và sinh kế của người dân, đã cùng với người dân xây dựng bản cam kết, theo đó người dân có trách nhiệm gìn giữ nhà cổ và không để các hoạt động kinh doanh hoặc phục vụ du lịch ảnh hưởng đến ngôi nhà còn chính quyền quản lý chặt chẽ các hoạt động sửa chữa nhà ở và tạo điều kiện thuận lợi nhất về chính sách để các hộ dân an tâm vì sinh kế được đảm bảo. Cả hai bên đều hiểu rằng nếu không giữ gìn di sản nhà cổ thì Hội An sẽ không còn là điểm đến của hàng chục vạn khách du lịch, phần lớn là du khách ngoại quốc, do đó kinh tế xã hội địa phương sẽ kém thịnh vượng và thu nhập cá nhân vì thế cũng giảm sút.

Văn hóa ở của một bộ phận người Việt vẫn lưu giữ được những giá trị tốt đẹp cơ bản của dân tộc, thể hiện qua cách bài trí không gian ở mang đậm dấu ấn truyền thống và những phong tục tập quán sinh hoạt được gìn giữ qua bao đời, chưa phai nhạt trong lòng xã hội hiện đại, góp phần bảo tồn văn hóa và kiến trúc bản địa. Bên cạnh đó, một bộ phận người Việt khác theo đuổi lối sống hiện đại văn minh và biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa cũng như phong cách kiến trúc mang tính thời đại của thế giới như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc hiệu quả năng lượng, kiến trúc thông minh,… làm phong phú bức tranh văn hóa và kiến trúc nước nhà. Điểm này cho thấy, sự cân bằng giữa văn hóa ở truyền thống và văn hóa ở hiện đại, là hai phạm trù cộng sinh chứ không loại trừ nhau, nếu như được phân tích kỹ lưỡng và đưa vào thiết kế một cách khéo léo.

2. Những vấn đề tiêu cực trong văn hóa ở và một số biểu hiện cụ thể

Nhìn lại sự phát triển của kiến trúc hiện tại trong hơn 20 năm qua, có thể thấy dường như những cấu trúc di truyền có căn tính tốt đã mất mát hao hụt đi rất nhiều, thay vào đó là nhiều biến dị bất lợi. Những vấn đề tiêu cực biểu hiện trong kiến trúc nông thôn, bảo tồn di sản đô thị, phát triển nhà ở đô thị, cảnh quan đô thị… Có thể dễ dàng nhận thấy yếu tố bản sắc – vốn được tích lũy bao năm, đã từng có vị trí và thành tựu đáng kể – chưa được phát huy trong xã hội hiện đại, thậm chí nảy sinh đứt gãy, biến dạng giữa truyền thống và hiện đại.

Một số đô thị nổi tiếng về cảnh quan thơ mộng và kiến trúc đẹp như Đà Lạt ở phía Nam và Sapa ở phía Bắc giờ đã bị bê tông hóa trên 80%. Mặt biển Quảng Ninh bị san lấp, quy hoạch phân lô, vây hãm các đảo đá vôi. Bờ biển ở Đà Nẵng và Nha Trang bị resort hóa, khách sạn hóa san sát, ngăn người dân từ phố bước ra dạo bước ven biển. Đó là sự phá hủy nhân danh phát triển, là thất bại rõ ràng của giới chuyên môn có tâm nhưng bất lực trước dã tâm của các chủ đầu tư đầy tiềm lực tài chính nhưng thiếu kiến thức, chỉ thấy lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích lâu dài của toàn thể cộng đồng. Khắc phục sửa chữa các sai lầm này mất rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí là không thể khôi phục những giá trị từng có.


Nhà “Tổ Ấm Ruộng” của Văn phòng Kiến trúc H&P Architects (Ảnh: Kiến Việt)

Bài học rút ra từ trường hợp Làng cổ Đường Lâm, người dân đồng loạt ký đơn kiến nghị trả lại danh hiệu di sản, trong khi nhiều nơi khác người dân ao ước nhận danh hiệu di sản nhưng vẫn chưa toại nguyện. Lý do cho hành động “khó hiểu” này là người dân được hưởng lợi rất ít từ các hoạt động khai thác giá trị di sản, đồng thời phải chịu nhiều bất tiện trong cuộc sống khi cả làng bị “đóng dấu di sản”, không thể sửa chữa nhà đã xuống cấp, không thể mở rộng xây mới khi con cái đến tuổi trưởng thành, hay kết hợp, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh của hộ gia đình. Đây là một bài học đáng giá về cân bằng lợi ích trong bảo tồn di sản.

Vấn đề đặt ra, ngoài lợi ích chưa hài hòa, là sự thiếu chuẩn mực trong văn hóa ở cũng như kiến trúc nhà ở, do chưa có những quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết của hiệp hội nghề nghiệp (ở đây vai trò của Hội KTS Việt Nam cần được nhấn mạnh). Các thiết kế đạt giải từ nhiều cuộc thi thiết kế mẫu nhà, kiến tạo không gian sống… bao năm qua vẫn chưa tìm được kênh tiếp cận thực tiễn nào đủ rộng để có thể triển khai trên quy mô mong muốn và trở thành một cuộc cách mạng trong thiết kế nhà ở, hướng tới môi trường sống – văn hóa sống thực sự lành mạnh.


Nhà “Ngói Space” của Văn phòng Kiến trúc H&P Architects (Ảnh: Archdaily)

3 Nhiệm vụ của kiến trúc ngày nay

Thời đại 4.0 đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa, hợp tác khoa học, công nghệ và lan tỏa kiến trúc, tuy nhiên, luôn đi kèm thách thức trong văn hóa nói chung và văn hóa ở – văn hóa kiến trúc nói riêng. Bản sắc văn hóa và kiến trúc bản địa không thể bị mai một, bị hòa tan hoặc biến mất. KTS và cộng đồng dân cư cần ý thức rõ về điều đó.

Văn hóa và kiến trúc gắn bó khăng khít với nhau, tạo nên hồn cốt cộng đồng và dân tộc. Truyền thống luôn là điểm tựa vững chắc cho văn hóa và kiến trúc trong quá trình tiếp thu những yếu tố mới để thích ứng với thời đại phát triển năng động.

Kiến trúc, mà cụ thể nhất, thiết thực nhất và gần gũi nhất là kiến trúc nhà ở, cần coi trọng chất lượng ở, không để chất lượng ở bị lấn át bởi thương mại và/hoặc các yếu tố khác, dựa trên việc nghiên cứu văn hóa ở cùng phân tích nhu cầu ở một cách kỹ lưỡng của từng nhóm cư dân với điểm đặc trưng khác nhau, khai thác những gì là bản sắc và lồng ghép với sinh thái, đưa sinh thái lấp đầy những khoảng trống được tạo ra một cách có chủ đích. Khi cần thiết KTS sử dụng công nghệ là công cụ hỗ trợ (chứ không phải là chiếc đũa thần) trong thiết kế. Giải pháp thiết kế sáng tạo, thông minh và tối ưu, trong mọi trường hợp, vẫn luôn là chìa khóa để tạo nên một không gian sống có chất lượng.

KTS. Hoàng Thúc Hào
Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
PGS.TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)

TOP