Dinh tỉnh trưởng nâng cao khó bảo toàn nguyên vẹn công trình, đồng thời sẽ lạc lõng với cảnh quan khách sạn hiện đại bên dưới.
Kiến trúc sư Hoàng Văn Hào chia sẻ quan điểm về đề xuất nâng Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt lên cao 28 m.
Ngày trước, trên đường Lý Thường Kiệt ở thành phố Huế quê tôi có một ngôi biệt thự hai tầng kiểu Pháp rất đẹp và duyên dáng. Tuy nhiên, sau này, người ta xây ở đằng sau một cái khách sạn rất lớn với hình khối và kiểu dáng kiến trúc hoàn toàn xa lạ và rất "chỏi" với ngôi biệt thự này.
Trước đây nó là chủ thể chính, đẹp cũng nhờ thoáng với khuôn viên cảnh quan nhiều cây xanh xung quanh. Nay cảnh quan không còn, lại đứng trước một công trình "hậu thế" quá cao lớn nên nó trở nên lép vế, lạc lõng, nhỏ bé đến tội nghiệp.
Trước đây căn biệt thự quan trọng và giá trị bao nhiêu thì nay trở thành "kỳ đà cản mũi" che chắn bớt tầm nhìn và gây khó cho tham vọng mở rộng quy mô của công trình khách sạn phía sau.
Giới kiến trúc sư dự đoán rằng ngôi biệt thự này khó mà sống lâu được. Những căn nhà cao tầng xung quanh thì chẳng khác gì "bức tử" công trình, dẫu có tồn tại cũng trở nên thừa thãi.
Và điều gì đến cũng phải đến, tháng 11/ 2017, ngôi biệt thự cổ kính hơn 100 năm tuổi này đã bị phá hủy trong sự ngỡ ngàng và tiếc nuối của người dân xứ Huế.
Trở lại câu chuyện của Đà Lạt. Tôi nghe tin chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang có ý định nâng Dinh tỉnh trưởng lên cao 28m (bằng 8 tầng lầu nhà phố) so với vị trí cũ để xây tổ hợp khách sạn cao tầng bên dưới. Tôi thật sự khó hiểu và băn khoăn vô cùng. Hiện tại Dinh tỉnh trưởng đã cao chót vót trên đồi, có đáng để đưa lên cao thêm nữa hay không và điều quan trọng là nâng lên bằng cách nào, sử dụng giải pháp kỹ thuật như thế nào để nâng bổng nó lên?
Đó là điều tôi rất thắc mắc và nói như tiến sĩ KTS Ngô Viết Nam Sơn thì tòa dinh này không phải như một cái nhà rường bằng gỗ để có thể dễ dàng tháo ra, lắp ráp lại để đưa lên cao. Nó là một công trình cổ xưa được xây bằng gạch (gạch đặc) cao lớn và rất nặng nề cùng với hệ thống móng được làm rất phức tạp bám sâu vào lòng đất từ thời Pháp thuộc, đưa lên cao 28m không phải là điều dễ dàng như công trình bằng gỗ, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới.
Đưa nó lên cao liệu có bảo toàn trọn vẹn công trình xưa hay không hay là nâng nửa chừng thì nó đã "trầy vi tróc vảy", vỡ toác buộc phải đập đi và xây mới lại công trình, khi đó thì sự đã rồi, thật khó mà sửa sai được.
Tôi từng chứng kiến từ đầu đến cuối việc di dời một ngôi biệt thự hai tầng (công trình hiện đại đúc bê tông cốt thép toàn khối rất chắc) ở Bình Dương do công ty của ông "thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy đảm trách. Nói thật chỉ việc di dời theo phương ngang cách vị trí cũ khoảng 15m thôi mà quả là một kỳ công, không phải ai cũng có thể làm được và tốn kém cũng không ít. Tuy nhiên khi công trình đã đến vị trí mới rồi thì nó vẫn có nứt nẻ và lún sụt nền, việc ở cũng khó đảm bảo sự thoải mái và an toàn, không được như lúc trước.
Tôi nghĩ, nếu mình là chủ nhà thì tôi thà sẽ đập đi xây mới còn hơn, cực chẳng đã mới nhất quyết di dời theo kiểu đó. Nó giống như một cái cây đã trưởng thành cao lớn xanh tươi bỗng dưng đào và chặt gần hết bộ rễ xung quanh, di dời và đem đi trồng ở một nơi khác, tuy nó cũng vẫn sống được nhưng lại thiếu sức sống, không còn sum xuê như trước nữa.
Đó là việc dời theo phương ngang, nâng lên theo phương thẳng đứng thì công việc khó hơn gấp nhiều lần. Theo tôi, không nên nâng Dinh tỉnh trưởng này lên cao để xây tổ hợp khách sạn cao tầng bên dưới. Như thế là phá nguyên quả đồi tự nhiên cùng với di sản kiến trúc Pháp, phá những gốc cây cổ thụ và môi trường cảnh quan để bê tông hóa mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của Đà Lạt.
Việc nâng dinh lên cao cũng chỉ là cái cách để thể hiện rằng cái dinh đó vẫn còn chứ có mất mát đi đâu. Nhưng thực sự giải pháp này không ổn chút nào cả, rất gượng gạo và khó có thể khả thi. Điều đó giống như một cái cây cổ thụ mà đem bứng gốc và đưa lên sân thượng hay nóc nhà, cho sống trong một môi trường thiếu đất đai, chông chênh và xa lạ thì liệu cái cây ấy có tồn tại an toàn và bền vững hay không?
Tôi yêu thành phố ngàn hoa không chỉ bởi khí hậu mát mẽ trong lành, hoa dại, sương mù, cảnh quan thiên nhiên nên thơ mà còn bởi di sản kiến trúc Pháp rất độc đáo. Tôi hay lên xứ này cũng bởi tôi có rất nhiều bà con thân thuộc đang sinh sống ở đây.
Tuy nhiên gần đây, tôi thật chạnh lòng khi thấy Đà Lạt ngày càng bị bê tông hóa nhiều quá, cảnh quan thiên nhiên ngày càng thu hẹp lại, những ngôi nhà gỗ xinh xắn nép mình bên sườn đồi ngày một biến mất và Đà Lạt đang nóng dần.
Đã nhiều lần đến Dinh tỉnh trưởng, tôi thấy việc khai thác công trình này cùng với khuôn viên xung quanh vẫn chưa thực sự hiệu quả, rất cần thiết phải đầu tư nhiều để thu hút du khách.
Nhưng nên tìm một giải pháp khác thật sự thông minh và hiệu quả chứ không nên chọn giải pháp "nâng dinh tỉnh trưởng lên 28m để xây khách sạn". Chúng ta sẽ đánh đổi quá nhiều về mặt di sản kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, những thứ làm nên hồn cốt của thành phố cao nguyên xinh đẹp này. Nếu quyết định không phù hợp thì chúng ta sẽ gánh hậu quả rất lâu dài về sau.