Cổ nhân ta có câu “An cư lạc nghiệp”, bởi nơi ăn chốn ở luôn là cái gốc cơ bản của mỗi con người, mỗi gia đình để từ đó cấu thành xã hội, rộng hơn là thể hiện mức độ phát triển và văn hoá một quốc gia. Đã đi qua nửa năm 2021 với những dấu ấn biến động sâu sắc, đặc biệt là các ảnh hưởng về đời sống kinh tế do dịch Covid gây ra. Khi mọi người ở nhà nhiều hơn, các bất cập của không gian sống (nhất là mô hình nhà mặt phố trong đô thị cũ) lại bộc lộ rõ nét, cho dù mô hình nhà ở này đã có trên thế giới vài trăm năm nay. Nhìn lại để đánh giá đúng hơn trên cơ sở quan sát kinh nghiệm các quốc gia khác, nhìn lại để đi tiếp nhằm chỉnh trang tốt hơn cho bước hồi phục đất nước hậu đại dịch, là điều giới chuyên môn tại nhiều nơi trên thế giới luôn tiến hành liên tục, với tinh thần “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”.
Nếu bắt đầu từ Paris, một trong những thành phố được xây dựng từ nền tảng của những giá trị xưa cũ và phát triển ổn định đến hiện tại, có thể thấy những ví dụ khá thành công trong việc tạo lập sự đa dạng các mô hình nhà ở khác nhau, trong đó có mô hình nhà ở mặt phố liền kề. Hơn nữa, nước Pháp “tuy xa mà gần” với lịch sử kiến tạo đô thị Việt, bởi ở “kinh đô ánh sáng” có nhiều điểm tương đồng và các bài toán thuở ban đầu trong phát triển không gian kiến trúc đô thị Việt hiện tại và tương lai.
Trước 1850, Paris vẫn là một thành phố chưa ổn định về quy hoạch với ngổn ngang nhiều vấn đề tồn đọng. Việc thiếu hẳn hệ thống cấp thoát nước tương ứng quy mô cư trú dẫn đến thoát nước thải trực tiếp ra các con mương nhỏ giữa lòng đường gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh rất cao, như vào năm 1832 bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng 25.000 người Paris(1). Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh từ cuộc cách mạng công nghiệp, dẫn đến dân nhập cư từ nhiều vùng miền đổ về mảnh đất thủ đô. Dân số Paris lúc bấy giờ đạt đến 950.000 người, sự thiếu hụt về không gian ở trở thành hệ quả tất yếu(2) cũng tương tự các vấn đề mà Hà Nội và TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt (ô nhiễm, hạ tầng, nhà ở, thoát nước,…).
Mọi chuyện dần thay đổi sau thời kỳ Napoléon III, khi giao thông vận tải được phát triển mạnh, trong đó tổng số chiều dài đường sắt từ 3.000km năm 1851 thì đến năm 1869 phát triển đến hơn 16.000km. Paris dần trở thành một trong những đầu mối giao thông lớn nhất trên thế giới. Ranh giới thành phố cũng mở rộng từ 12 thành 20 quận, một số vùng ven như Bercy, Montmartre… sáp nhập vào nội đô. Từ đó, diện tích Paris tăng từ 3.000ha lên 6.000ha, dân số tăng lên 2 triệu người(3). Việc xây dựng các công trình văn hóa và kinh tế tại Paris trở thành nội dung phát triển chính yếu, trong đó đồ sộ nhất là dự án tái quy hoạch thành phố Paris.
Sau năm 1850, quy hoạch chỉnh trang lại toàn bộ bề mặt đô thị, mở rộng và kéo dài hệ thống cơ sở hạ tầng đi cùng sự xuất hiện bùng nổ về số lượng sử dụng các phương tiện giao thông hiện đại như metro, xe hơi. Từ đó, việc tái quy hoạch thành phố bắt buộc phải đón đầu được vấn đề về bãi đỗ xe cũng như đảm bảo sư lưu thông thuận lợi cho các phương tiện khác nhau. Với dân số đứng thứ 5 thế giới(4), nhu cầu tạo ra một cơ cấu nhà ở với mật độ dân số cao, một số tầng hạn chế (không quá 10 tầng), phát triển tốt về các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường lúc bấy giờ là rất cấp thiết. Nhà ở Haussmann ra đời và vận hành hiệu quả cho đến hiện tại không chỉ nằm ở mặt kiến trúc, mà do tính tương hợp về quy hoạch và thiết kế đô thị. Giá trị yếu tố then chốt của nhà ở Haussmann nằm ở sự phát triển song hành hệ thống cơ sở hạ tầng và không gian công cộng, từ đó, hoạch định hợp lý hệ thống các bãi đỗ xe từ nổi đến ngầm, đáp ứng tốt cho định hướng phát triển một thành phố hạn chế cơ giới, đô thị đi bộ trong tương lai. Về cơ cấu, mô hình Haussmann cũng được đánh giá cao về sự gắn kết cư dân với các hoạt động khác nhau trong đô thị, là kiểu hình nhà ở giúp tạo nên sự đa dạng xã hội, cũng như hoạt động văn hóa trong thành phố mà ít gây nên các xung đột trong quá trình chuyển đổi chức năng.
Sự biến đổi sinh động của nhà ô phố Haussmann dưới thời kì Art Nouveau và Art Deco, dù cho mặt đứng được trang trí dày đặc, nhưng các thành phần cơ bản được xây dựng trên cái nền của mô hình nhà Haussmann.
Dự án “Paris embelli, agrandi, assaini” thời Napoleon III do Haussmann chủ trì chỉ trong vỏn vẹn 20 năm kể từ 1853, nhưng đến thời điểm hiện tại, số liệu thống kê chỉ ra hơn 60% trong tổng số các loại hình nhà ở khác nhau ở Paris hiện nay đều được hình thành từ dự án này. Đâu là những giá trị dường như “bất biến” theo thời gian làm nên thương hiệu của loại hình nhà ở mặt phố đặc trưng nơi “kinh đô ánh sáng”? Có thể điểm lại và so sánh giữa 3 thời kì với hai mốc thời gian, trước năm 1850 (tiền Haussmann), giai đoạn từ 1850-1870 (Haussmann) và sau 1870 (hậu Haussmann).
Trước năm 1850, quy hoạch Paris sơ sài, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông chưa có sự thay đổi như bây giờ. Người ta chủ yếu đi bộ, đi xe ngựa. Do đó, các vấn đề về lưu thông di chuyển vẫn còn rất hạn chế về số lượng, cũng như bán kính di chuyển giữa các vùng khác nhau và vấn đề về bãi đỗ xe cũng chưa cấp thiết như bây giờ. Thời kì này, các khu ở chủ yếu là dạng nhà ở thương nhân (maison de boutique) bao gồm tầng trệt là các cửa hàng thương mại nhỏ, tầng một là khu ở của chủ nhà, các tầng trên cho thuê. Các căn nhà biệt lập cũng có, nhưng khá ít ỏi. Đồng thời, khái niệm về nhà chung cư đã xuất hiện từ thời vua Louis XIV với tên gọi Maison à Loyer nhưng chưa được nhân rộng phổ biến.
Dĩ nhiên, mô hình nhà ở gắn liền với thương mại này không chỉ thuộc về các đất nước phương Tây, bởi các đô thị cổ Trung Quốc, Nhật Bản cũng có từ xưa những dãy phố vừa ở vừa buôn bán, lối xe ngựa và đi bộ san sát, nhà cũng là sạp hàng của chợ, phía trên để ở, làm dịch quán hay cho thuê, làm trà lầu, tửu quán cho khách thập phương. Mô hình nhà ở thương mại này cho đến nay vẫn chiếm tỷ lệ đa số ở các thành phố với quy mô khác nhau trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, mà phố cổ Hà Nội và Hội An từ thế kỷ 16- 17 đã nhộn nhịp sầm uất, là tiêu biểu. Rõ ràng là việc sinh sống của một cụm cư dân không thể tách rời khỏi yếu tố thương mại, dịch vụ, hợp với nhu cầu tất yếu của con người. Và khi hoạt động kinh tế nông nghiệp ngày càng giảm theo dòng gia tăng phát triển giao thương, thủ công nghiệp và công nghiệp, thì mô hình nhà ở có “tích hợp” dịch vụ- thương mại ngày càng nở rộ.
Khả năng biến đổi về kiến trúc nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi (về tổng thể, giao thông, cấu trúc…) khiến thể loại nhà này khi vào giai đoạn hậu Haussmann sau 1870 dù nở rộ nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như Art Deco, Art Nouveau,… nhưng chỉ khác đi về chi tiết hoặc kiểu cách, còn không gian vẫn đảm bảo sử dụng hiệu quả các giá trị ban đầu của toà nhà. Cùng với đó là giá trị về bất động sản không ngừng gia tăng, thậm chí có những khu nhà hiện là Di sản của Paris, dù có qua nhiều giai đoạn biến động chủ sở hữu và cả thay đổi công năng.
Dù trượt mốc thời gian phát triển theo thời gian và quy hoạch của người Pháp thời kỳ khai thác thuộc địa vẫn có nhiều bất cập, chưa thể so sánh với châu Âu, nhưng mô hình nhà ở truyền thống của người VN cũ bắt đầu có sự thay đổi mang tính quy luật mà Paris đã từng trải qua. Cụ thể sau năm 1859, dân cư Hà Nội và Sài Gòn bắt đầu đông đúc đột biến, xe cộ gia tăng đi cùng mô hình nhà ở kết hợp thương mại nở rộ. Những khu nhà mang “chất Haussmann” như kiểu nhà phố liền kề thương mại (tập trung quanh các khu chợ sầm uất) kèm theo là quá trình tái quy hoạch toàn bộ thành phố với các hệ thống đường sá, xe lửa, cảng tàu… dù quy mô nhỏ hơn Paris nhiều lần.
Có thể thấy kiểu nhà này có sự tương đồng với mô hình nhà ở ô phố thương mại- dịch vụ trong các đô thị Việt Nam đầu thế kỷ 20, và vẫn thịnh hành đến hôm nay, dù đã qua hai thập niên đầu thế kỷ 21. Một số vấn đề về đô thị liên quan đến mô hình nhà ở mặt phố như trường hợp của Paris hiện vẫn đang được nghiên cứu với sự liên kết đa ngành, mở ra các hướng ứng dụng trong bảo tồn di sản quá khứ cũng như phát triển nhà ở mặt phố tương lai.
Ảnh trái: Hình ảnh nhà khu đại lộ Nguyễn Huệ ngày xưa, với thương xá Tax, các khu cư xá thương mại chạy dọc theo đại lộ gợi nên sự tương đồng với Paris thời Haussmann (ảnh TommyTruong Flickr) / Ảnh phải: Hẻm Sourdis là một ví dụ điển hình cho tình trạng khu nhà ở Paris thời kì cũ, chật chội và thoát nước trực tiếp ở giữa lòng đường
Bản đồ về phân loại các loại trục chính phụ ở Paris và mối liên hệ giữa các hệ trục chính với KGCC và trục giao thông ngầm metro, sách Haussmann của LAN Architectes.
Theo KTS Lê Khánh Vân (Tạp chí Kiến trúc & Đời sống)
ảnh: Vân Lê, Huân Tú & tư liệu
Tài liệu tham khảo:
Chú dẫn:
(1),(2) Paris avant le Second Empire
(3) Paris phong cách Haussmann, đăng ngày 23/2/2018: Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III
(4) Haussmann, Lan Architectes, page 11: “… Paris est la ville la plus dense d’Europe en termes de population et de densite humaine … et top 5 des villes les plus denses au monde”