Phân tâm học và sáng tác kiến trúc

Ngày đăng: 16/03/2023

Chia sẻ

Trong tâm lý học, sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tác kiến trúc được xếp vào loại hình tư duy bậc cao nhất thang nhận thức Bloom, tư duy, nhu cầu Maslow. Quá trình sáng tác kiến trúc được hiểu là hoạt động sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo cảm xúc của KTS với sản phẩm là công trình kiến trúc. Vì thế, sáng tác kiến trúc có quan hệ mật thiết với Tâm lý học mà đặc biệt là Phân tâm học và Tâm lý học phân tích – vốn có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà tâm lý học và các phong trào nghệ thuật hiện đại.

Phân tâm học

Tổng quan về các học thuyết của Sigmund Freud và Carl Jung

Phân tâm học (Psychoanalysis) khởi đầu là Sigmund Freud (Sigismund Schlomo Freud) (1856-1939), tiếp đến là Carl Gustav Jung (1875-1961) với trường phái Tâm lý học phân tích (Analytical psychology) có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà tâm lý học và các phong trào hiện đại, trong số đó có họa sĩ nổi tiếng người Mỹ Jackson Pollock (1912-1956) với các tác phẩm chính về Chủ nghĩa trừu tượng sống động.

Khác biệt giữa Jung và Freud




Sigmund Freud (1856-1939) và Carl Gustav Jung (1875-1961). (Nguồn: Scroll.in)
Jackson Pollock (1912-1956)
(Nguồn: https://www.pinturayartistas.com/pintar-con-acrilicos/)


Học thuyết về dục năng1 – Theory of the Libido

Jung (1948) đã bất đồng với Freud về vai trò của bản năng tính dục. Ông tin rằng dục năng không chỉ là ham muốn tình dục, mà thay vào đó, nó còn là một nguồn năng lượng tinh thần rộng lớn hơn.

Theo Jung, mục đích của năng lượng tinh thần là để thúc đẩy chủ thể theo nhiều cách, bao gồm tâm linh, tâm trí, và óc sáng tạo. Nó cũng là nguồn động lực của chủ thể giúp họ tìm kiếm sự thỏa mãn và làm giảm xung đột.

Học thuyết về Tâm trí Vô thức1 – Theory of the Unconscious

Cũng như Freud (và Erikson), Jung mô tả tâm hồn được hình thành từ nhiều cấu phần tách biệt nhưng là một hệ thống tương tác lẫn nhau. Ba cấu phần chính ở đây theo ông, là bản ngã, vô thức cá nhân và vô thức tập thể.

Theo Jung, bản ngã đại diện cho tâm trí tỉnh thức vì nó bao gồm những suy nghĩ, ký ức và cảm xúc mà chủ thể nhận thức rõ ràng. Bản ngã phần lớn chịu trách nhiệm cho những cảm xúc thuộc về bản dạng và sự liên tục của tính cách.


Học thuyết về Tâm trí Vô thức1. Theory of the Unconscious
(Nguồn: Breakthrough Holistic Healing, Counselling and Therapy)

Cũng như Freud, Jung (1921, 1933) nhấn mạnh tầm quan trọng của vô thức lên tính cách. Tuy nhiên, ông lại cho rằng vô thức có hai tầng lớp.

  • Lớp đầu tiên gọi là vô thức cá nhân, về cơ bản là giống phiên bản vô thức của Freud. Vô thức cá nhân bao gồm những thông tin tạm thời bị quên lãng cũng như những ký ức bị đè nén. Jung (1933) mô tả một đặc điểm quan trọng của vô thức cá nhân gọi là những phức cảm. Phức cảm là một bộ sưu tập những suy nghĩ, cảm xúc, thái độ và ký ức tập trung vào một khái niệm đơn lẻ.
  • Tuy nhiên, cho tới nay, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Jung và Freud là quan niệm về vô thức tập thể (hay còn gọi là siêu cá nhân). Đây là đóng góp độc đáo và gây tranh cãi nhất của Jung vào học thuyết nhân cách con người.

Đây là tầng vô thức ta có chung với các thành viên khác trong nhân loại tạo nên các ký ức ẩn tàng từ tổ tiên và quá khứ tiến hóa. “Là một dạng thế giới mà chủ thể sinh ra từ đó và cũng vốn tồn tại sẵn trong chủ thể một cách bẩm sinh, như kiểu một ảo ảnh.” (Jung, 1953, p. 188)

Theo Jung, tâm trí con người có những đặc tính bẩm sinh “ghi khắc” vào như một kết quả của quá trình tiến hóa. Những bẩm chất chung này được khởi nguồn từ quá khứ của tổ tiên.


(Nguồn: www.slideshare.net)


(Nguồn: Verywell Mind)

Tuy nhiên, đây không hẳn là những khuynh hướng riêng lẻ, mà cái quan trọng ở đây là việc những khía cạnh của vô thức tập thể đã hình thành theo những nhánh hệ thống riêng của tính cách. Jung gọi những hình ảnh và ký ức của tổ tiên này là những “nguyên mẫu”.

Các nguyên mẫu trong học thuyết của Jung1. Jungian Archetypes

Những nguyên mẫu là những hình ảnh và suy nghĩ mang ý nghĩa phổ quát qua nhiều nền văn hóa, có thể xuất hiện trong những giấc mơ, trong văn học, nghệ thuật hay tôn giáo, (Jung, 1947).

Jung tin rằng những biểu tượng từ các nền văn hóa khác nhau thường khá tương đồng vì chúng đều xuất phát từ những nguyên mẫu chung của toàn bộ nhân loại, là một phần của vô thức tập thể ngoài kia.

Đối với Jung, quá khứ cổ xưa trở thành nền tảng của tâm hồn con người, định hướng và ảnh hưởng lên hành vi hiện tại. Jung tuyên bố rằng mình đã xác định được nhiều nguyên mẫu nhưng ông chú ý đặc biệt đến bốn nguyên mẫu cơ bản.

Jung gắn nhãn những nguyên mẫu này là Self (Bản ngã), Persona (Mặt Nạ), Bóng Tối (Shadow) và Tính Nữ (Anima)/ Tính Nam (Animus)


(Nguồn: Sandy Nathan’s YOUR SHELF LIFE)

Sáng tác kiến trúc

Kiến trúc

Kiến trúc là một trong bảy bộ môn nghệ thuật, xuất hiện sớm trong lịch sử, được biết đến như là nghệ thuật tổ chức không gian cư trú của con người ở các cấp độ quy mô khác nhau, từ đơn chiếc đến quần thể. Vì thế, tác phẩm kiến trúc là tác phẩm nghệ thuật và KTS là nghệ sỹ.

Cho tới nay, trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về kiến trúc, song cơ bản thống nhất với nhau về nội hàm: “Kiến trúc là nghệ thuật và kỹ thuật của thiết kế và xây dựng, được tách biệt khỏi với các kỹ năng khác của ngành xây dựng.” (Từ điển Bách khoa toàn thư Britannica của Anh).

“Kiến trúc là nghệ thuật xây dựng các công trình.” (Từ điển Larousse của Pháp, 2018)

Các định nghĩa đều khẳng định vai trò của nghệ thuật trong việc phân định tác phẩm kiến trúc với công trình xây dựng ở giá trị thẩm mỹ, đặc trưng mang lại cảm xúc thăng hoa đặc biệt cho công chúng thụ cảm. Phân tâm học nhìn nhận quá trình cảm thụ tác phẩm kiến trúc của công chúng là quá trình đồng bộ hóa giữa vô thức tập thể của công chúng thưởng thức với vô thức cá nhân của KTS thông qua tác phẩm kiến trúc.

Tác phẩm kiến trúc

Tác phẩm kiến trúc được Marcus Vitruvius Pollio (80-70 TCN – 15 TCN), một KTS người La Mã, mô tả trong cuốn sách nổi tiếng De architectura (tới nay, đây là tác phẩm lý thuyết kiến trúc cổ nhất được biết của loài người)2. Theo đó, ông đã đưa ra công trình kiến trúc được đặc trưng bởi ba thuộc tính nền tảng là Bền vững – Tiện ích – Thẩm mỹ (Firmitas-Ultilitas-Venustas). Trong đó (theo nhận thức hiện tại của NCT): 1) thuộc tính công năng tiện ích được thể hiện qua việc bố cục và kết nối giữa các khu vực chức năng tạo cho người dùng sự tiện nghi, thích dụng; 2) thuộc tính bền vững được đặc trưng bởi khả năng bền vững trong môi trường tự nhiên nhờ cấu trúc, kết cấu vật liệu và công nghệ xây dựng đương thời; bền vững với các tiêu chí của công trình xanh; bền vững với môi trường văn hóa nơi đặt công trình; 3) thuộc tính thẩm mỹ có vai trò đặc biệt giúp nhận biết tác phẩm kiến trúc với công trình xây dựng hoàn chỉnh. Công trình xây dựng hoàn chỉnh có thuộc tính công năng và bền vững (thẩm mỹ mờ nhạt, không tạo được ấn tượng) trong khi đó, tác phẩm kiến trúc sẽ hội đủ cả ba thuộc tính trên và thẩm mỹ đóng vai trò đem lại cảm xúc thăng hoa đặc biệt cho công chúng thưởng thức, có thể xem là “(I) Là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người”3 .

Tác phẩm kiến trúc được hiện thực hóa bởi công nghệ, kỹ thuật, vật liệu xây dựng đương thời. Công trình kiến trúc thực thụ được Le Corbusier (1887-1965) viết trong cuốn “Hướng tới một nền Kiến trúc mới” (Towards a New Architecture, xuất bản tại London, 1931) theo đó, công trình kiến trúc được xác định bởi đặc trưng về khả năng tạo ra cảm xúc thăng hoa đặc biệt cho người dùng, công chúng thông qua sức biểu cảm thẩm mỹ tự thân tác phẩm, phân biệt với các công trình xây dựng còn lại không phải là tác phẩm kiến trúc.

Kiến trúc sư

KTS với tư cách là nghệ sỹ – chủ thể sáng tạo nghệ thuật của tác phẩm kiến trúc. Người mã hóa cảm xúc thăng hoa đặc biệt vào tác phẩm kiến trúc qua các thủ pháp sáng tạo đặc trưng nghề nghiệp.

Sáng tác kiến trúc

Thực tế, nghệ sỹ ở mỗi lĩnh vực đều có phương tiện đặc thù để thể hiện bản thân – cái TÔI (EGO), khả năng sáng tạo thông qua tác phẩm nghệ thuật. Nhà điêu khắc đất, đá, gỗ với cây đục, dụng cụ cắt, gọt, mài…; Họa sỹ với màu sắc và bút, bay vẽ…; Nhạc sỹ với thanh âm, nốt nhạc, hòa âm phối khí, diễn sướng…; Với KTS Le Corbusier, “Kiến trúc là trò chơi thông minh, chính xác và tráng lệ của hình khối dưới ánh sáng”. KTS với phương tiện ngôn ngữ đặc thù như điểm, tuyến, diện, hình khối, ánh sáng, màu sắc, chất cảm… tùy theo công năng sử dụng của công trình mà biểu đạt thẩm mỹ phù hợp tạo ra ấn tượng, cảm xúc thăng hoa đặc biệt cho người dùng, người thưởng lãm. Sáng tác kiến trúc vì thế mà được xem là hoạt động mã hóa cảm xúc thăng hoa đặc biệt của KTS vào vẻ đẹp của công trình kiến trúc. Tiếp đó, tác phẩm kiến trúc tự thân truyền tải cảm xúc thăng hoa đặc biệt tới công chúng thưởng thức.

Phân tâm học và sáng tác kiến trúc

Nếu như ở nghệ thuật thi ca, Phân tâm học giải mã hoạt động sáng tác nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương qua sơ đồ “dồn nén > ẩn ức > thăng hoa” của sự giải phóng năng lượng tính dục qua các bài thơ thì hoạt động sáng tác kiến trúc của KTS được nuôi dưỡng bằng cái TÔI (EGO) khát vọng sáng tạo. Ban đầu khát vọng sáng tạo là nhận thức có ý thức nghề nghiệp, lâu dần bị dồn nén bởi yêu cầu về tính tiên phong, sáng tạo, thẩm mỹ của tác phẩm kiến trúc, nhu cầu khẳng định vị thế nghề nghiệp trước cộng đồng KTS và cộng đồng xã hội nó trở thành ẩn ức chìm vào vô thức cá nhân KTS với năng lượng tính dục libido dưới hình thức là năng lượng tinh thần ngày một lớn thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Dục năng này được giải tỏa qua sáng tác kiến trúc. Hoạt động sáng tác kiến trúc có thể được sơ đồ hóa (theo nhận thức của tác giả):

Khát vọng sáng tạo > dồn nén > ẩn ức > sáng tác kiến trúc > thăng hoa

Sáng tác kiến trúc của KTS thường bắt đầu từ một nhiệm vụ thiết kế được đặt hàng. KTS khi ấy đi tìm cảm hứng cho sáng tác của mình. Điều này rất khác so với số ngành nghệ thuật còn lại, nghệ sỹ tự sáng tác ra tác phẩm của mình theo thôi thúc của cái TÔI kiếm tìm thỏa mãn dục vọng cá nhân, ẩn ức – giải phóng năng lượng tinh thần – Libido tạo ra tác phẩm nghệ thuật.

Sáng tác kiến trúc là hoạt động đồng bộ hóa kết nối vô thức cá nhân KTS với vô thức tập thể cộng đồng sử dụng tác phẩm kiến trúc trong tương lai.

Ngay khi sáng tác bắt đầu, trong vô thức của KTS đã liên tục tìm kiếm, thiết lập các kết nối với các nguyên mẫu trong vô thức tập thể của cộng đồng sử dụng. Kết quả kết nối này dần hiện ra trên bề mặt ý thức của KTS tiến tới các phác thảo từ trừu tượng đến cụ thể về mô hình công trình kiến trúc, tiến tới sự hiện diện của công trình kiến trúc trên thực địa.

Hoạt động thần kinh vi tế này cũng giải thích căn nguyên của hoạt động sáng tác của KTS và cũng giải thích việc các sáng tác của KTS chỉ nằm trên giấy vì đã không kết nối được với vô thức tập thể của người sử dụng, đơn giản thiết kế đó chỉ là phóng chiếu một chiều từ vô thức cá nhân trước một nhiệm vụ thiết kế.

Nền tảng tích lũy trong vô thức KTS có vai trò đồng cảm khơi nguồn cảm hứng với một chuỗi dữ liệu về địa điểm đặt công trình, địa hình, cảnh quan, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, con người nơi đặt công trình.
Heydar Aliyev Center (2007-2012) được KTS Zaha Hadid khắc họa khát vọng mong muốn phục hưng văn hóa Azeri của Azerbaijan trong một tác phẩm kiến trúc ngay tại thủ đô Baku. Một ẩn ức trong vô thức tập thể người dân Azerbaijan bị chuẩn mực Chủ nghĩa hiện đại Xô Viết kiềm tỏa nay được trồi lên bề mặt ý thức và giải tỏa trong tác phẩm kiến trúc.




(Nguồn: https://www.archdaily.com)

Quá trình sáng tác nghệ thuật là quá trình mã hóa, truyền tải cảm xúc của nghệ sỹ vào tác phẩm nghệ thuật sau khi thiết lập được kết nối giữa vô thức cá nhân của KTS với nguyên mẫu trong vô thức tập thể của cộng đồng sử dụng công trình kiến trúc tương lai. Tới lượt công chúng đón nhận tác phẩm nghệ thuật, người thưởng thức bất chợt xuất hiện cảm xúc thăng hoa đặc biệt bởi có sự đồng cảm đặc biệt mà không cần bất cứ điều kiện nào để thăng hoa. Hoạt động tâm lý này được phân tâm học nhìn nhận đó là sự đồng điệu giữa vô thức cá nhân nghệ sỹ và vô thức tập thể của công chúng thưởng thức tác phẩm.

Kết luận

Mối quan hệ Con người và Kiến trúc được nhận diện như hai mặt của một vấn đề: 1) Con người – KTS làm ra tác phẩm kiến trúc; 2) Con người – cộng đồng thụ hưởng, sử dụng công trình kiến trúc trong đời sống sinh hoạt vật chất và văn hóa, tinh thần. Theo đó, liên hệ mật thiết giữa Phân tâm học và Sáng tác kiến trúc thể hiện qua nhận thức và thực hành. Điều này ở Việt Nam cho tới nay chưa được giới KTS quan tâm thỏa đáng.
Sáng tác kiến trúc là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù của KTS thể hiện khát vọng sáng tạo hướng tới di sản văn hóa.

Ẩn ức lớn lao của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc là cho tới nay cả nước có năm di sản văn hóa và một di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận nhưng không có di sản nào đạt được tiêu chuẩn số “(I) Là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người”3.

Nguyễn Công Thiện
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)

TOP