Từ đề cương văn hóa Việt Nam – Nghĩ về bản sắc kiến trúc

Ngày đăng: 10/07/2023

Chia sẻ

Cách đây gần 30 năm, trên nhiều diễn đàn của hệ thống truyền thông cũng như các ý kiến của nhà “chuyên môn” về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, người ta sợ với sự phát triển về các công trình kiến trúc cao tầng thì Hà Nội, Sài Gòn – TP HCM sẽ trở thành Hồng Kông, Bangkok, Singapore – Lúc đó Sài Gòn – TP HCM mới có vài tòa nhà cao tầng như Tòa nhà Landmark cao 18 tầng, Saigon Trade center cao 34 tầng,… có lẽ Hà Nội còn ít hơn.


Nhìn lại bối cảnh năm 1943, khi đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, lúc đó đất nước ta về mặt chính trị là một nước phong kiến với triều đại vua, quan bù nhìn nhà Nguyễn, là một nước thuộc địa của thực dân Pháp và sự xuất hiện của phát xít Nhật đã bóc lột nhân dân ta đến cùng cực; còn nền kinh tế thì hoàn toàn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu.

Lúc đó, các công trình kiến trúc ở nước ta tiêu biểu có lẽ là khu cung điện triều đình nhà Nguyễn ở Huế hay một số các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp được xây dựng nhằm tạo ra một hệ thống công trình phục vụ cho bộ máy đô hộ của thực dân Pháp như công trình nhà toàn quyền, các trụ sở hành chính, quân sự cũng như hệ thống nhà hát, trường học phục vụ cho nhu cầu của thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn, ngoài ra còn có các công trình tôn giáo,… ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn và một số tỉnh.

Còn kiến trúc bản địa ngoài các hệ thống chùa chiền, đình làng ở đồng bằng Bắc bộ,… để dễ hình dung hơn, ta có thể lấy công trình nhà ở của địa chủ Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao được xây dựng năm 1904 ở làng Vũ Đại, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Lúc đó, khi đọc tác phẩm ai cũng nghĩ đây là một cơ ngơi hoành tránh trong trí tưởng tượng, nhưng nhìn lại công trình nhà Bá Kiến để cho khách thập phương tham quan thì nó chỉ là một căn nhà 3 gian được thiết kế và xây dựng theo đúng phong cách ngôi nhà truyền thống của người dân Bắc Bộ.

Từ nhà Bá Kiến đến đề cương văn hóa và ngày hôm nay, chúng ta đang ước mơ Việt Nam trở thành “con hổ”, “con rồng” châu Á. Vậy bản sắc văn hóa nói chung và bản sắc kiến trúc nói riêng của Việt Nam sẽ như thế nào?

Bản sắc văn hóa và kiến trúc vùng miền

Ở mọi nơi, chỗ nào có con người sinh sống, ở đó đều có những bài ca, điệu hò rất hay về vẻ đẹp thiên nhiên và con người in đậm bản sắc… làm nhớ mãi!

Có người nói rằng Sài Gòn – TP HCM có ít bài hát hay về mình!? Nếu một lúc nào đó bỗng nhớ “Sài Gòn – TP HCM”, đi tìm những bài hát có từ khóa: Sài Gòn – TP HCM, ta thấy con số bài hát rất khiêm tốn so với Hà Nội, Huế, Đà Lạt,.. Hà Nội có rất nhiều bài hát hay về mình! Sài Gòn – TP HCM cũng có mùa mưa, mùa nắng, có sông Sài Gòn, có hệ thống kênh rạch chằng chịt… sao lại ít bài hát hay? Hay TP chưa đủ “bản sắc” để trầm tư, thơ mộng, xao xuyến, rung cảm?

Mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên – con người, văn hóa, kiến trúc với đề cương văn hóa

Chúng ta đều biết, cuộc sống của con người chịu ảnh hưởng của môi trường tự nhiên. Mà các điều kiện tự nhiên luôn có trước con người. Khi nó có trước, nó là quy luật tất yếu, nó sẽ ảnh hưởng và tác động đến cuộc sống của con người. Vì thế môi trường tự nhiên khác nhau sẽ tạo ra môi trường sống khác nhau.

Ví dụ như với một hình thức vật chất phổ biến và điển hình của văn hóa là kiến trúc nhà ở, nơi trú ngụ của con người. Ngôi nhà ở vùng ôn đới, nhiệt đới và vùng sa mạc khác nhau về cấu trúc, vật liệu, cách xây dựng và cả hình thức, điều này ảnh hưởng và tạo nên bản sắc khác nhau của con người và kiến trúc. Thiên nhiên tác động đến con người, con người tạo ra văn hóa, văn hóa hình thành kiến trúc!

Trong xã hội hiện nay, thực tế cho chúng ta thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa điều kiện tự nhiên – con người – sự phát triển kinh tế, xã hội – với văn hóa. Bốn phạm trù này tương tác với nhau một cách hữu cơ.

Trong đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, trong cách đặt vấn đề ở mục 2 có khẳng định: “Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)”. Với cách đặt vấn đề của đề cương văn hóa ta thấy rõ sự quan hệ của văn hóa với kinh tế, chính trị.


Lotte Center Hà Nội

Đi tìm nét bản sắc văn hóa của vùng miền

Nhìn nhận về nội hàm của các khái niệm: “Văn hóa”, “Văn vật”, “Văn hiến” và “Văn minh”. Chỉ cần mở từ điển tiếng Việt ta có thể thấy rõ nghĩa của những từ này. Trong đó:

Nội hàm của khái niệm “văn hóa” bao gồm có cả giá trị vật chất và tinh thần, cả vật thể và phi vật thể. Khái niệm “văn hiến” chỉ có giá trị tinh thần còn “văn vật” thì nói về vật chất. Ba khái niệm trên thường gắn với bề dày lịch sử và có bản sắc, thường tồn tại ở những vùng sản xuất nông nghiệp, nông thôn hay như các đô thị có bề dày thời gian và lịch sử, nó là nơi các chế độ phong kiến của nhiều triều đại đóng đô… như Hà Nội, Huế… Còn khái niệm “văn minh” thì thiên về vật chất, kỹ thuật về phát triển, có tính hội nhập. Văn minh thường phát triển ở vùng sản xuất công nghiệp, đô thị mới hình thành như Sài Gòn – TP HCM.

Sài Gòn – TP HCM có những nét đặc thù riêng. Nét đặc thù đó là gì? Với cái nhìn của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng thì: “TP HCM là một đô thị ven sông không sống bằng phù sa châu thổ, mà bằng sự dung hòa của rất nhiều ảnh hưởng văn hóa và kinh tế, chính trị đa dạng…”.


Saigon Centre

Vì vậy, kiến trúc của TP cũng mang tính hiện đại – kiến trúc của Sài Gòn từ khoảng thời gian 1955 – 2000 với kiến trúc hiện đại mang tính nhiệt đới, đã được thế giới công nhận Sài Gòn là một trung tâm kiến trúc hiện đại của thế giới. Trong thời gian đó, Sài Gòn có những công trình tiêu biểu như: Dinh Độc lập, Thư viện Quốc gia, Bệnh viện Vì Dân… Cũng trong thời gian đó, Hà Nội cũng có một số công trình tiêu biểu được phát triển trên nguyên tắc của kiến trúc hiện đại phù hợp với điều kiện của đất nước như: Hội trường Ba Đình, Tổng cục thống kê, Bảo tàng Việt Bắc, Cung Thiếu nhi Hà Nội,…

Ngày nay, mỗi buổi chiều tối nếu đi trên đường của Sài Gòn – TP HCM, quan sát các biển số xe gắn máy, ta thấy biển số xe của các tỉnh trên cả nước rất nhiều so với biển số xe của TP HCM. Chủ nhân của những chiếc xe đó là những người từ các tỉnh thành khác đang làm việc, học tập và sinh sống tại TP. Có những người quê ở Hà Nội, vùng Quan họ Bắc Ninh, cố đô Huế, Đà Nẵng, Bình Định,… hay những người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng nay họ đã là “công dân” Sài Gòn – TP HCM.

Sài Gòn bây giờ cũng có bún đậu mắm tôm, mì Quảng, cao lầu, bún cá Hải Phòng, khâu nhục, thắng cố,… Sài Gòn cũng có nhiều nơi biểu diễn múa rối… Hà Nội cũng vậy! Từ lúc mở rộng Hà Nội ra toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ) và một phần tỉnh Vĩnh Phúc,… người Hà Nội “gốc” cũng chiếm tỉ lệ dân số rất khiêm tốn so với toàn bộ dân số Hà Nội.

Nhưng với “văn hóa” Sài Gòn – TP HCM hay Hà Nội họ đã trở thành người TP “Hồ Chí Minh”, “Hà Nội”, kể cả khi họ về thăm quê thì họ vẫn sống và thể hiện văn hóa “Sài Gòn – Hà Nội”. Cái “văn hóa” ứng xử và quan hệ, một “văn hóa” công nghiệp, văn minh.

Trong Hội nghị về văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/2021 tại Hà Nội, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dẫn hai câu thơ trong bài thơ “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính:

“Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

Phải chăng những công dân của các vùng miền đang sống và làm việc ở Hà Nội hay TP HCM có ảnh hưởng về văn minh của TP nên khi về quê nhà họ cũng bay đi ít nhiều cái “bản sắc” vùng quê và họ cũng để lại cho TP nhiều bản sắc vùng miền khác, góp phần cho TP trở thành trung tâm văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái.

Phở – Nhà cao tầng và Metro

Trong chiến tranh gian khổ, có nhiều sự mất mát hy sinh. Nhưng vẫn có một người Hà Nội nhớ đến, “phở”! lúc đó trên diễn đàn văn chương. Cùng với các bản anh hùng ca: “Hà Nội ta diệt B52”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” và “Hà Nội ta lại đánh Mỹ”…. của nhà văn Nguyễn Tuân. Chúng ta lại còn có “giò lụa – cốm – phở” của bác Nguyễn. “Chiến tranh” và “phở” không phải là một cặp phạm trù, vậy mà nó vẫn được bác Nguyễn Tuân sắp đặt cạnh nhau. Vì bác Nguyễn sợ rằng, chiến tranh làm cho nhà tan, cửa nát … Và chiến tranh lâu ngày, cũng sẽ làm mất đi cái “văn hóa ẩm thực”, đã trở thành bản sắc của dân tộc mình. Mất cái bản sắc của phở.

Hà Nội, TP HCM và nhiều TP khác ở Việt Nam, những năm gần đây đã xuất hiện nhà cao tầng. Một phần nào đó nó cũng góp phần làm thay đổi diện mạo mới, về không gian kiến trúc của TP. Nó phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cũng như sự hội nhập về cuộc sống, với thế giới bên ngoài. Việc xây dựng nhà cao tầng ở các khu trung tâm trong TP hiện nay, có nhiều cái được và chưa được. Nhưng hình như việc xây nhà cao tầng ở khu trung tâm TP hiện nay, do chưa có thiết kế đô thị (?) nên nhiều lúc làm chúng ta có cảm nhận sợ nhà cao tầng – Như sợ “chiến tranh”. Vì nhà cao tầng cũng “phá đi” cái bản sắc, cái hồn đô thị của chúng ta!?

Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng: Nhà cao tầng là xu thế tất yếu của một TP hiện đại, văn minh! Cái hay, cái được của nhà cao tầng cần được phát huy mạnh hơn nữa. Cái chưa được thì cần nghiên cứu thêm, trên cơ sở khoa học của quy hoạch và thiết kế đô thị, để từ đó định hướng và hoàn thiện dần cho việc xây dựng nhà cao tầng trong các khu vực trung tâm. Trên thế giới, nhiều TP khi mở rộng thêm các khu trung tâm đô thị mới, người ta vẫn cho chỉnh trang xây dựng và phát triển ở các khu trung tâm đô thị cũ. Một thực tế cho thấy, việc chỉnh trang khu trung tâm đô thị cũ, nếu được nghiên cứu kết hợp không gian, giữa kiến trúc hiện hữu với các kiến trúc cao tầng hiện đại một cách hài hòa, thì bao giờ ở những khu này về không gian kiến trúc, nó cũng đẹp hơn ở một khu trung tâm hoàn toàn mới. Vì ở đó không gian có sự tương phản về kiến trúc và lịch sử, ở đấy không gian kiến trúc có màu thời gian.

Hà Nội đã có tuyến metro đầu tiên đi vào hoạt động, TP HCM đang hoàn thành tuyến metro số 1 của chúng ta, cố gắng phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Sự phát triển hệ thống giao thông công cộng là điều tất yếu của một đô thị lớn. Nhưng các hệ thống giao thông này, nó cũng có quy luật riêng của nó. Mỗi trạm xe bus, mỗi nhà ga của tuyến Metro, cũng phải có khoảng cách về quãng đường, khoảng thời gian đi và đến giữa 2 nhà ga cũng phải theo quy định. Mặt khác, cái điểm của một bến, một nhà ga, bắt buộc phải là một khu trung tâm gì đó. Để từ đầu mối nhà ga đó, chúng ta tính được số lượng bao nhiêu hành khách sử dụng Metro trong các khoảng thời gian khác nhau. Quãng đường từ nhà ga tới nơi cần đến (nhà làm việc, nhà ở…) là bao nhiêu thì phù hợp với người đi bộ. Vậy, nếu ở TP ta xây nhà thấp tầng, trải đều, thì việc xây dựng hệ thống Metro là không hiệu quả, không có tính khả thi. Vì không lẽ xây một nhà ga trên tuyến Metro, chỉ phục vụ cho vài trăm căn nhà phố?

Hiện nay, ở các khu trung tâm cũ của TP HCM hay Hà Nội chủ yếu là nhà thấp tầng, kiến trúc cũng tạp nham, mật độ xây dựng quá cao (khoảng 80%), mật độ cây xanh gần như không có. Trong công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, chúng ta nên cho xây dựng nhà cao tầng, tập trung thành từng cụm, tạo thành lõi trung tâm. Ở các khu vực này. Thiết kế đô thị, được thiết kế với mật độ xây dựng công trình thấp, hệ số sử dụng đất cao, để có được mật độ cây xanh lý tưởng. Đó là cách mà các đô thị trên thế giới, hiện nay người ta đang làm. Nhà cao tầng xây dựng thành những khu tập trung, kết hợp với hệ thống Metro, là một cặp “phạm trù” không thể thiếu được, ở các đô thị lớn hiện đại, văn minh!

Từ nhà Bá Kiến ở làng Vũ Đại đến đề cương văn hóa Việt Nam, để đất nước ta trở thành “hổ”, thành “rồng” thì kiến trúc nhà cao tầng với metro là điều tất yếu. Tôi đã tưởng tượng một ngày gần đây Hà Nội, TP HCM giữa các khu nhà cao tầng, hiện đại, phù hợp với sự phát triển để cho dân giàu, nước mạnh. Chúng ta vẫn nhìn thấy thấp lấp lánh sau những bức tường đá granit, mảng kính lớn bóng loáng là một tà áo dài, một gánh chè, một xe phở, một cái hồn thơ của người Hà Nội hay Sài Gòn để tạo ra cái “bản sắc” riêng cho hai TP khác nhau. Thế là những cái bản sắc của Hà Nội, TP HCM cũng đủ nhận ra rằng: Hà Nội, Sài Gòn – TP HCM có bản sắc chứ không phải Hồng Kông, Bangkok hay Singapore.


Dinh Độc lập


Hội trường Ba Đình


Thư viện Khoa học Tổng hợp

 

Lời kết:

KTS Frank Lloyd wright, người Mỹ một trong những bậc thầy của KTS ở thế kỷ 20 có nói: “Các KTS phải là một nhà tiên tri. Một nhà tiên tri theo đúng nghĩa đen nếu anh ta không thể nhìn thấy tương lai ít nhất là mười năm tới, thì không thể gọi anh ta là KTS”.

Câu hỏi đặt ra: Vậy, chúng ta đã chuẩn bị gì cho sự biến chuyển về văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng cho tương lai mà vẫn giữ được bản sắc?.

KTS Nguyễn Trường Lưu
Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Chủ tịch Hội KTS TP HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2023)

TOP