11 sai lầm người mua nhà lần đầu cần “né” ngay nếu không muốn hối hận cả đời

Ngày đăng: 10/11/2021

Chia sẻ

Với tâm lý hào hứng, chủ quan, lại thiếu kinh nghiệm nên những người mua nhà lần đầu thường tìm nhà theo cảm tính và dễ phạm phải những sai lầm cơ bản dưới đây.

1. Không ước tính khả năng tài chính

Khi không nắm rõ khả năng tài chính của bản thân hay số tiền mà mình có thể bỏ ra để mua nhà, người mua nhà thường mất thời gian sa đà vào những ngôi nhà mà mình chưa đủ khả năng hay thậm chí cả những ngôi nhà có giá thấp hơn khả năng chi trả của họ nhưng lại thiếu tiện nghi. Đối với người mua nhà lần đầu, ưu tiên hàng đầu là mua một ngôi nhà phù hợp với khả năng tài chính để tránh áp lực trả tiền gốc và lãi vay ngân hàng mỗi tháng. 

Người mua nhà lần đầu cần tính toán thật kỹ bài toán thu nhập của mình, khả năng trả lãi ngân hàng, từ đó biết được mức giá nào là phù hợp. Các chuyên gia tài chính cho rằng, sau khi trừ đi các khoản chi phí cho ăn uống, sinh hoạt, con cái… thì người mua nhà có thể dành ra khoảng 40% tổng thu nhập để trả tiền gốc và lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, người mua cũng sẽ cần chuẩn bị sẵn một khoản tiền, ít nhất là 30% giá trị ngôi nhà vì đa số các ngân hàng hiện nay chỉ cho vay tối đa 70% giá trị theo định giá, thậm chí mức định giá của ngân hàng đôi khi còn thấp hơn giá thị trường của ngôi nhà.

2. Không tìm hiểu cách tính lãi suất của ngân hàng

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất ưu đãi rất thấp trong khoảng thời gian đầu, có thể chỉ từ 6,5% nhưng sau 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, họ sẽ áp dụng mức lãi suất thả nổi, có thể lên tới 11-12%/năm. Trong trường hợp này, số tiền trả góp hàng tháng có thể tăng lên vượt qua số tiền người mua nhà dự tính ban đầu, làm thâm hụt các khoản tiết kiệm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của gia đình. Để tránh những rủi ro về tài chính, người mua nhà lần đầu cần tìm hiểu kỹ về cách tính lãi suất, biên độ lãi suất theo từng năm của ngân hàng mình định vay so sánh với tổng thu nhập của gia đình mình xem có đáp ứng được không. Nếu có thể, hãy đề nghị ngân hàng cung cấp thêm bảng dự báo lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định.

3. Không kiểm tra điểm tín dụng và cải thiện chỉ số tín dụng

Toàn bộ giao dịch trên tài khoản của khách hàng đi vay sẽ được Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) ghi nhận và cập nhật trong khoảng 3-5 năm. Trước khi cho vay, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ tìm hiểu thông tin của khách hàng trên hệ thống, dựa vào các dữ liệu sẵn có để đánh giá mức độ tín nhiệm của khách và xếp hạng điểm tín dụng, từ đó quyết định khách hàng có đủ điều kiện vay, mức lãi suất và mức tín dụng. Nếu khách vay có điểm tín dụng xấu thì sẽ gặp khó khăn khi vay tiền mua nhà, khi đó, cần có phương án cải thiện sớm nhất có thể.

Để cải thiện điểm tín dụng xấu, người mua nhà có thể cân nhắc thực hiện các hướng dẫn sau:

  • Thanh toán hết các khoản nợ hiện có và đúng hạn

  • Chỉ vay mới khi thu nhập đủ để chi tiêu và trả nợ

  • Nắm rõ các điều khoản khi sử dụng thẻ tín dụng và hạn chế tối đa mất phí, mang nợ ngân hàng

  • Kiểm tra điểm tín dụng định kỳ để đảm bảo khoản vay diễn ra thuận lợi, đồng thời đưa ra phương án cải thiện điểm tín dụng xấu kịp thời

  • Không mở nhiều thẻ tín dụng vì việc sở hữu đồng thời nhiều thẻ tín dụng có nghĩa là các khoản nợ bạn phải thanh toán càng cao, khả năng trả nợ đúng hạn thấp

  • Suy nghĩ kỹ trước khi hủy thẻ khi thời hạn sử dụng dưới 6 tháng vì việc này có thể khiến bạn bị giảm điểm tín dụng

4. Không dự trù hết chi phí phát sinh

Nhiều người mua nhà lầm tưởng rằng chỉ cần chồng đủ tiền nhà là có thể bắt đầu an cư trong một môi trường mới. Tuy nhiên, để dọn vào nơi ở mới, nhất là nhà đã qua sử dụng thì bạn còn cần chi một khoản phí để tân trang, sửa chữa, vận chuyển đồ đạc…


Người mua nhà có thể phải chi một khoản tiền nhất định để có thể dọn vào nơi ở mới

Những người mua căn hộ chung cư thì cần thích nghi với các khoản phí khi ở chung cư để duy trì hoạt động chung của cộng đồng cư dân như phí bảo trì, phí dịch vụ… Một số trường hợp mua nhà qua môi giới có thể sẽ cần chi một phần nhỏ phí hoa hồng. Vì thế, nếu người mua nhà lần đầu không dự trừ trước những khoản phí này thì có thể gặp vài khó khăn về tài chính vì bắt đầu về nhà mới.

5. Chỉ cần được giá là mua

Do thiếu kinh nghiệm mà nhiều người mua nhà chỉ quan tâm đến vấn đề giá cả. Sau khi đi xem một lượt, cuối cùng chọn căn nhà có giá rẻ nhất mà bỏ qua các yếu tố về vị trí, an ninh, chất lượng không gian sống hay các tiện ích xung quanh. Mua một căn nhà giá rẻ có thể cho phép bạn tiết kiệm chi phí trước mắt nhưng về lâu về dài, bạn sẽ tốn thời gian gấp 2, gấp 3 lần để di chuyển từ chỗ làm về nhà hoặc mua nhà giá rẻ nhưng không gian sống thiếu tiện ích, an ninh không đảm bảo khiến bạn cảm thấy bất an.

6. Không tính đến nhu cầu dài hạn

Nhà đất là tài sản lớn, có thể được đánh đổi bằng 5 năm, 10 năm hay thậm chí cả đời tích lũy. Vì thế, khi mua nhà, hãy cân nhắc kỹ nhu cầu của bản thân và các thành viên trong gia đình ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai, tránh tình trạng phải đổi chỗ ở về sau. Nhiều cặp vợ chồng trẻ khi mua nhà không tính đến trường hợp phát sinh thêm thành viên “nhí” sau này mà chỉ chọn căn hộ có diện tích, số phòng đáp ứng nhu cầu hiện tại. Hậu quả là phải bán căn nhà đang ở để mua nhà mới nhiều phòng hơn và chấp nhận lỗ một khoản tiền.

7. Mua sắm toàn bộ nội thất mới

Nhiều người khi chuyển đến nhà mới thì cũng muốn trang bị đầy đủ 100% nội thất mới cho ngôi nhà. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người đi trước thì đây là việc làm không thực sự cần thiết, nhất là với những cặp đôi trẻ chưa dư dả về tiền bạc. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể tận dụng lại những món nội thất cũ nhưng còn tốt và dành tiền cho những khoản khác cần thiết hơn. Sau khi sống ở ngôi nhà mới được một thời gian, bạn sẽ từ từ nhận ra những thứ gì thực sự cần trang bị thêm.

8. Thiếu hoặc không có khoản dự phòng

Nhiều người trẻ vì nóng lòng mua nhà mà dồn hết thu nhập vào các nghĩa vụ thanh toán cho nhà cửa. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mọi sự cố không lường trước đều có thể xảy đến như ốm đau, giảm sút thu nhập, thất nghiệp.Trước, trong và sau khi nhà, bạn luôn duy trì một quỹ dự phòng khẩn cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, quỹ dự phòng này sẽ là cứu cánh cho bạn mỗi khi có sự cố xảy ra, chẳng hạn như ốm đau, tai nạn, hay giảm thu nhập. Thông thường, quỹ dự phòng khẩn cấp phải đảm bảo chi phí sinh hoạt bình thường cho gia đình bạn trong khoảng 6 tháng, tốt nhất là từ 8-10 tháng. Hãy chi tiêu hợp lý và “làm đầy” quỹ dự phòng càng nhanh càng tốt.

9. Không kiểm tra pháp lý khi mua nhà lần đầu

Thiếu kiến thức pháp lý là một trong những bất lợi của người mua nhà lần đầu. Nếu gặp phải người bán hay môi giới không ngay thẳng, người mua rất có thể sẽ mua phải căn nhà vướng quy hoạch, không thể ra sổ… Vì thế, người mua nhà lần đầu nên tham khảo ý kiến của những người đã có kinh nghiệm mua nhà, tìm hiểu thêm kiến thức liên quan đến pháp lý bất động sản và liên hệ với sàn môi giới uy tín để đảm bảo an toàn khi giao dịch.

10. Mua theo đám đông

Những người mua nhà lần đầu với vốn kinh nghiệm ít ỏi nên thường chạy theo xu hướng đám đông mà không tìm hiểu thông tin, dành thời gian khảo sát thực tế. Hậu quả là họ có thể mua phải nhà đất của dự án “ma”, hoặc nhà đã hiện hữu nhưng chất lượng không tương xứng với giá tiền, không phù hợp với nhu cầu của bản thân.

11. Không kiểm tra trước khi nhận bàn giao

Việc kiểm tra nhà khi nhận bàn giao là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà. Các hạng mục như tường chịu lực, chống thấm, trần thạch cao, len tường… thường gặp phải các vấn đề về chất lượng nên cần được kiểm tra kỹ.

Theo ThanhnienViet

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP