Bản đồ quy hoạch huyện Đan Phượng (Hà Nội) đến năm 2030

Ngày đăng: 18/02/2022

Chia sẻ

Bản đồ quy hoạch huyện Đan Phượng (Hà Nội) đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 2843/QĐ-UBND.

Đan Phượng là một huyện thuộc thành phố Hà Nội, phía Đông giáp huyện Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm, phía Nam giáp huyện Hoài Đức, phía Tây giáp huyện Phúc Thọ, phía Bắc giáp huyện Mê Linh. Hiện Đan Phượng có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Phùng (huyện lỵ) và 15 xã. Cuối năm 2019, chủ tịch UBND Hà Nội đã phê duyệt đề án 5 huyện lên quận, trong đó có Đan Phượng. Trước thông tin này, Đan Phượng đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư bất động sản và bản đồ quy hoạch huyện Đan Phượng càng nhận được sự quan tâm.

Theo bản đồ quy hoạch huyện Đan Phượng Hà Nội đến năm 2030, huyện Đan Phượng gồm 1 thị trấn và 15 xã, tổng diện tích tự nhiên là 7735,48 ha. Trong đó, khu vực phát triển đô thị có quy mô 3102,04 ha, khu vực nông thôn có quy mô 4633,44 ha. Hiện nay, các khu vực thuộc ranh giới quản lý hành chính của Đan Phượng nằm trong ranh giới Quy hoạch phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng thì sẽ áp dụng theo đồ án “Quy hoạch phân khu đô thị S1, S2, GS và sông Hồng tỷ lệ 1/5.000, Quy hoạch chung thị trấn Phùng đến năm 2030, tỷ lệ 1/5.000” để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.

Bản đồ quy hoạch huyện Đan Phượng (Hà Nội) về phát triển đô thị

Định hướng phát triển đô thị gồm một phần phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng

Đan Phượng sẽ hình thành các trung tâm mới về thương mại, dịch vụ đô thị. Tạo dựng đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của đô thị trung tâm. Tổ chức không gian cảnh quan của phân khu đô thị S1, S2 kết nối với không gian xanh của khu vực phân khu GS và không gian cảnh quan sinh thái của phân khu sông Hồng, tạo hướng không gian kiến trúc hiện đại. Trên địa bàn huyện sẽ hình thành các trục đô thị, trục cảnh quan và các không gian điểm nhấn trọng tâm, đảm bảo sự liên kết hài hòa với không gian xung quanh.


Bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Đan Phượng tầm nhìn đến năm 2030.

Thị trấn Phùng và vùng phụ cận

Ở khu vực này sẽ hình thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao của huyện Đan Phượng. Phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng về phía Đông Bắc và Tây Nam, bao gồm phần đất của xã Song Phượng, Đan Phượng, Tân Hội, Thượng Mỗ, kết nối với tuyến đường Tây Thăng Long. Cùng với đó, duy trì cấu trúc truyền thống của khu dân cư hiện có, xác định các khu phát triển mới nhằm giãn dân, di dân từ các khu vực làng xóm, bổ sung quỹ đất dành cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cư dân.

Bản đồ quy hoạch huyện Đan Phượng (Hà Nội) về hạ tầng giao thông

Giao thông đối ngoại

- Đường bộ

Đường vành đai 4: quy mô mặt cắt ngang rộng B=120m, gồm 6 làn xe cao tốc, 2 đường song hành 2 bên (2x3 làn xe) và hành lang cho cây xanh, hạ tầng kỹ thuật.

Quốc lộ 32: Đoạn qua thị trấn Phùng là trục đường chính, quy mô mặt cắt ngang rộng B=35m (4 làn xe cơ giới), gồm 2 dải lòng đường xe chạy mỗi bên rộng 10,5m, dải phân cách giữa rộng 3,0m, hè đường rộng 5,5m mỗi bên. Mở rộng mặt cắt ngang tại khu vực nút giao quốc lộ 32 với đường vành đai 4 từ B=35m lên B=50m để xây dựng cầu vượt, nút giao khác mức với đường vành đai 4.

Đường trục Tây Thăng Long: Đường vành đai 4 (đường chính đô thị) có quy mô mặt cắt rộng 60,5m (10 làn xe), đoạn phía Tây đường Vành đai 4 có quy mô mặt cắt ngang rộng 40m (6 làn xe, đường cấp I đồng bằng).

- Đường sắt

Tuyến đường sắt quốc gia và vành đai phía Tây chạy dọc theo đường vành đai 4 (thuộc địa phận huyện Đan Phượng), xây dựng ga Phùng gần thị trấn Phùng, phía Bắc trục đường Tây Thăng Long.

Tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ sinh dự kiến đi trên cao tại dải phân cách giữa của quốc lộ 32. Đoạn qua huyện Đan Phượng dự kiến bố trí 2 ga đường sắt tại thị trấn Phùng tại các khu vực đông dân cư, trung tâm thị trấn và có nhiều tiềm năng phát triển theo mô hình TOD.

Các tuyến đường tỉnh

Đường tỉnh 417: Cải tạo, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III (2, 4 làn xe), đoạn từ đê Hữu Hồng về phía trục đường Tây Thăng Long được kéo dài theo hướng Bắc – Nam để kết nối với đường tỉnh 421.

Đường tỉnh 419: Tạo thêm trục kết nối theo hướng Bắc – Nam, kết nối Đan Phượng với Sơn Tây, Phúc Thọ.

Đường tỉnh 422: Cải tạo, xây dựng đoạn thuộc phân khu đô thị S1, S2, GS theo tiêu chuẩn đường đô thị.

Các tuyến đường huyện (liên xã)

Cải tạo, nâng cấp, xây mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, IV (2, 4 làn xe) kết hợp với hệ thống đường tỉnh tạo thành khung giao thông chính trong huyện, liên kết các khu vực nông thôn với các thị trấn, trung tâm cụm xã và các khu du lịch, dịch vụ.

Các tuyến đường trong khu vực thị trấn Phùng và khu vực đô thị trung tâm phía Đông đường vành đai 4 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị và được thực hiện theo các đồ án quy hoạch chung, phân khu đô thị đã được duyệt.

Khánh An (tổng hợp)
Theo Cafeland

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP