Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nếu bây giờ tăng vốn thì lại kêu gọi cổ đông hiện hữu. Thực tế hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân, muốn thành nhà đầu tư, tuy nhiên HĐQT thấy chưa vội.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, VDS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kết quả kinh doanh năm 2020 cũng như lên kế hoạch năm 2021.
Chưa cần vội tăng vốn, mục tiêu hàng đầu là hoàn thiên nền tảng hệ thống tốt
Một trong những nội dung được quan tâm là kế hoạch tăng vốn, đáp ứng sự tăng trưởng mạnh của TTCK nói chung và đảm bảo khả năng cạnh tranh giữa các đối thủ hiện nay như thế nào.
Chủ tịch là Nguyễn Miên Tuấn cho biết, về việc tăng vốn gần nhất thì có liên quan đến chi trả cổ tức 8% trong khi EPS 1.500. Theo kế hoạch, Rồng Việt sẽ phát hành thêm hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 1.001 tỷ đồng lên 1.051 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện trong năm 2021.
Xa hơn, nếu bây giờ tăng vốn thì lại kêu gọi cổ đông hiện hữu. Thực tế hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân, muốn thành nhà đầu tư của Rồng Việt, tuy nhiên HĐQT thấy chưa vội. Ngược lại, Rồng Việt ưu tiên phải xây dựng nền tảng hệ thống trên mức vốn hiện nay, sau đó khi thực hiện tăng vốn thì khả năng từ 2022 tăng mạnh từ lợi nhuận tích luỹ, đồng thời có thể tìm kiếm nhà đầu tư mới để đồng hành.
Hiện, quy mô vốn Rồng Việt 1.000 tỷ đồng, đứng thứ 26 trong các CTCK. Năm 2020, tính về lợi nhuận, Rồng Việt đứng thứ 18. Hiệu quả sinh lời ROE 13,58%, đứng thứ 11. Theo đà này, mục tiêu hàng đầu hiện nay của HĐQT là phải xây dựng được hệ thống, tạo hiệu quả sinh lời tốt, ROE hàng năm trên 20%.
Định hướng thời gian tới, Rồng Việt xác định 5 mảng tạo doanh thu là môi giới, cho vay margin (dịch vụ chứng khoán), đầu tư (tự doanh), IB và quản lý tài sản. Trong tháng 1/2021, HĐQT quyết định mua lại 51% cổ phần công ty quản lý quỹ Việt Long – trở thành công ty con của Rồng Việt. Hiện, Công ty đang tái cơ cấu lại, có thể bổ sung lại chức năng hoạt động, có phối kết hợp giữa Rồng Việt và Quản lý quỹ. Được biết, Việt Long có quy mô vốn 40 tỷ đồng, thì đạt lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng.
Chấp nhận giảm thị phần trong ngắn hạn, không chạy đua thị phần bằng mọi giá!
Tiếp tục câu chuyện cạnh tranh, tính đến hiện tại công ty vốn chủ sở hữu lớn nhất trên 10.000 là Chứng khoán SSI, theo sau là Mirae Asset (MAS). Nếu Rồng Việt cạnh tranh với các CTCK bạn mà dựa trên điểm mà Rồng Việt không mạnh bằng họ đó là năng lực tài chính, nguồn vốn giá rẻ, thì chưa cạnh tranh đã thua, đại diện thẳng thắn nhìn nhận. Việc này liên quan đến dịch vụ môi giới và cho vay.
Thực tế, cổ đông có thể giao dịch tại nhiều CTCK, trong đó nhiều công ty có các chương trình thu hút khách hàng với lãi suất cho vay thấp. Gần đây có công ty đưa mở tài khoản có lãi suất cho vay 6%, 7%... nếu VDSC cũng có chiến lược như thế này thì không thể cạnh tranh lại. Ngoài ra, nhiều CTCK không cần trả phí giao dịch hoặc rất thấp.
Với Rồng Việt, định hướng mảng kinh doanh môi giới và dịch vụ thì đi thị trường ngách, dựa trên thế mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, đa dạng sản phẩm.
"Rồng Việt chấp nhận giảm thị phần trong ngắn hạn, không cạnh tranh thị phần bằng mọi giá, năm 2019 là thị phần 2,9%, năm 2020 giảm còn 1,5% nhưng hiệu quả trong lĩnh vực môi giới và dịch vụ chứng khoán tốt. Trong giai đoạn hiện nay, không đánh đổi thị phần bằng mọi giá", ông Tuấn nói.
Còn tiền, thì còn cơ hội!
Thực tế, Rồng Việt đo lường bằng giá trị tài sản ròng của khách hàng, cuối 2020, giá trị tài sản ròng của khách hàng tại Công ty là 37.800 tỷ đồng, cuối quý 1/2021 là 46.800 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Con số này đâu đó trong đó thể hiện hiệu quả của Rồng Việt trong tư vấn khách hàng và giúp họ tìm kiếm lợi nhuận tốt, đại diện nhấn mạnh.
Về mảng tự doanh, nhiều cổ đông có e ngại rủi ro, theo ông Tuấn, cái này đúng, trong quá khứ Rồng Việt từng trải qua. Nhưng còn một góc độ khác, đó là các môi giới thắc mắc, tự doanh kinh doanh lỗ thì sao tư vấn cho khách hàng tốt được. Theo đó, trong cơ cấu thu nhập, Rồng Việt sẽ hài hoà các mảng.
"Rồng Việt không sợ mất cơ hội, chỉ sợ mất tiền. Còn tiền, thì còn cơ hội – đây là tinh thần cho mảng đầu tư của Rồng Việt", ông Tuấn nói trước cổ đông.
Hiện, mảng IB Rồng Việt đang tập trung vào công tác thu xếp vốn thông qua tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu quy mô lớn, kết hợp xây dựng hệ thống giữa đầu tư trái phiếu, phân phối lại trái phiếu cho khách hàng. Rồng Việt đã triển khai hệ thống này 8 tháng. Trong quý 1/2021, Rồng Việt đã tiến hành thu xếp và phân phối lại 800 tỷ đồng cho khách hàng, mang lại doanh thu tích cực. Ngoài ra, dự báo thị trường M&A tiếp tục sôi động, Rồng Việt cũng đã và đang đầu tư đội ngũ tư vấn IB.
Quý 1 thực hiện 68% kế hoạch lãi cả năm, đạt 123 tỷ đồng
Về kinh doanh, năm 2021, Rồng Việt đặt kế hoạch doanh thu riêng công ty mẹ năm 2021 là 528 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế 144 tỷ đồng, giảm nhẹ 4%. Kế hoạch trên đưa ra dựa trên giả định VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.000-1.300 điểm, thanh khoản bình quân khoảng 9.000 – 10.000 tỷ đồng/phiên.
Trong đó, cơ cấu doanh thu gồm mảng kinh doanh môi giới tăng 22% lên 130 tỷ đồng, dịch vụ chứng khoán tăng 20% lên 238 tỷ đồng, ngân hàng đầu tư tăng 170% lên 50 tỷ đồng, riêng hoạt động đầu tư giảm 30% xuống 90 tỷ đồng.
Riêng quý 1, Rồng Việt ước đạt lợi nhuận trước thuế 123 tỷ đồng, thực hiện 68% kế hoạch. Về cơ cấu doanh thu, mảng môi giới đạt doanh thu 52,5 tỷ đồng, thực hiện 40% kế hoạch cả năm. Mảng cho vay 60 tỷ đồng, thực hiện khoảng 25% kế hoạch. Mảng IB đạt đến 67% kế hoạch năm với 33,5 tỷ đồng.
Năm 2020, Rồng Việt ghi nhận kết quả khả quan, doanh thu tăng 36% đạt 466 tỷ đồng, lợi nhuận gấp 3,3 lần đạt 150 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư khi doanh thu tăng mạnh từ 17 tỷ lên 128 tỷ đồng.
Theo đó, Rồng Việt trình cổ đông chia cổ tức năm 2020 là 8% trong đó 3% tiền mặt đã tạm ứng tháng 1/2021 và và 5% còn lại chia bằng cổ phiếu.
Tại đại hội, cổ đông cũng tiến hành bầu bổ sung thành viên HDQT nhiệm kỳ 2017-2021 với bà Nguyễn Thị Thu Huyền trúng cử. Hiện bà Huyền cũng là Tổng Giám đốc Rồng Việt.
Tri Túc
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị