Rất dễ xảy ra “sốt đất” nếu thông tin quy hoạch không được công khai

Ngày đăng: 31/10/2021

Chia sẻ

Minh bạch trong quy hoạch được coi là giải pháp ngăn chặn “sốt đất”, tuy nhiên việc đăng tải công khai các đồ án quy hoạch ở các tỉnh còn hạn chế. Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản đốc thúc các địa phương thực hiện quyết liệt hơn.

Cần quyết liệt trong việc công khai thông tin quy hoạch

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện đăng tải các thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên cổng thông tin điện tử.

Trước đó, ngày 2/3/2021, Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương đăng tải thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin điện tử (tên miền http://quyhoach.xaydung.gov.vn/) về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Nhưng chỉ còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.

Cụ thể, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Đồng thời, có 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải.

Một số địa phương như Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam, Bình Thuận, Gia Lai, Hậu Giang, Sóc Trăng,... chưa thực hiện việc đăng tải công khai thông tin.

Trong khi đó, nhiều địa phương đăng tải với số lượng rất hạn chế chỉ 1 đồ án quy hoạch như An Giang, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bến Tre, Cao Bằng, Nghệ An, Sơn La,…

Cò đất “thổi” giá theo quy hoạch

Thực tế, trước nay chỉ cần những động thái của Nhà nước hay các địa phương quy hoạch, đầu tư hạ tầng,... lập tức đều bị giới đầu cơ, “cò” đất lợi dụng để tung tin, thổi giá tạo sốt ảo.

Điển hình trong số này phải kể đến việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, Cần Giờ, Phú Quốc. Mỗi lần địa phương đề xuất điều chỉnh và được Chính phủ phê duyệt thì bất động sản các khu vực này cũng điều chỉnh giá bán theo chiều hướng tăng cao hơn. Hay từ đầu năm 2021, Hà Nội dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng vào tháng 6/2021 nhưng ngay lập tức giá đất tại các khu vực liên quan tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Trong khi đó, quy hoạch này đã được đề xuất từ rất 20 năm trước, sau mỗi lần điều chỉnh thì giá đất cũng điều chỉnh theo chiều hướng “dựng đứng”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, không thể phủ nhận rằng, những khu vực có quy hoạch trung dài hạn thì sốt đất xảy ra là do sự kỳ vọng của nhà đầu tư giá đất tăng theo cơ sở hạ tầng là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi quy hoạch chưa công bố rõ ràng, cùng với sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch liên tục thì đó là cơ sở để giới đầu cơ tạo ra các cơn sốt ảo.

KTS. Phạm Thanh Tùng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, nhiều trường hợp như quy hoạch sân bay chỉ là dự kiến hoặc nằm trên bản thảo, khi quy hoạch chưa được công khai hoặc mới chỉ rò rỉ thông tin bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đầu tư lừa đảo, căng biển, rao bán ngay cả trên đất không phải của mình.

Ông Tùng cũng dự báo, không chỉ đến đầu năm 2021 mà ngay cả trong những năm tới, nếu các thông tin quy hoạch dự án vẫn không được minh bạch, rõ ràng thì tình các cơn sốt đất sẽ còn tiếp tục lặp lại trong những năm tới.

“Những thông tin mập mờ sẽ vô tình tạo điều kiện cho một số người đầu cơ, thổi giá nhằm kiếm lợi. Tình trạng này sẽ khó chấm dứt nếu như không có sự kiểm soát từ chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước", ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá là “cú đấm” tác động mạnh nhất tới thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay.

Tuy vậy, thị trường vẫn còn rất nhiều dự án ma và tình trạng "sốt đất” vẫn diễn ra do hệ thống thông tin không đầy đủ, nhà đầu tư xuống tiền do phong trào chứ không có sự tính toán kỹ lưỡng.

Tuấn Minh

Theo Nhịp sống kinh tế

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP