Ngành Xi măng: Áp lực có tạo ra “kim cương”?

Ngày đăng: 08/11/2021

Chia sẻ

Ngành Xi măng đang đối diện với rất nhiều áp lực, buộc các DN phải thay đổi toàn diện, nếu muốn tồn tại và phát triển. Vậy áp lực ấy có tạo ra những “viên kim cương” trong một ngành sản xuất vốn cạnh tranh khốc liệt và dư cung rất cao này?


VICEM đang ứng dụng triển khai đề án để phát triển xanh, bền vững.

Áp lực “bủa vây”

Trong các ngành sản xuất VLXD thì ngành XM đang có công suất cao, cung lớn hơn cầu ở thị trường nội địa, gây áp lực lên các nhà sản xuất. Từ 2020 đến nay, có thêm 2 dây chuyền mới đi vào vận hành: dự án Xi măng Tân Thắng (Nghệ An); và dự án Xi măng Long Sơn - dây chuyền 3 tại Thanh Hóa. Hiện cả nước có 90 dây chuyền với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm, nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm.

Theo Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong giai đoạn 2021 - 2030, chỉ đầu tư thêm các nhà máy xi có công suất từ 5.000 tấn clinker/ngày trở lên (hiện nay công suất trung bình một dự án là dưới 2.500 tấn clinker/ngày). Đến năm 2025, nhà máy xi măng công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clinker/ngày bắt buộc phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng cũng phải giảm xuống.

Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư các dây chuyền sản xuất xi măng tính đến năm 2030 là 24 dây chuyền, với tổng công suất 36,31 triệu tấn, đưa tổng công suất dự kiến của cả nước lên 140,35 triệu tấn/năm với tổng 109 dây chuyền sản xuất xi măng.

Bên cạnh áp lực dư cung, ngành Xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất đầu như than, điện, xăng dầu, vỏ bao... đều tăng. Than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng nhưng giá than đã tăng thêm 20% (do Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư nhà máy nhiệt điện, mua hết than của các quốc gia xuất khẩu than). Việc tăng giá bán đã được DN xi măng tính đến nhưng trên thực tế DN chỉ dám tăng “rón rén”, từ 30.000 - 50.000 đ/tấn, do lo ngại xi măng nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa, nếu giá bán trong nước cao.

Tiêu thụ nội địa gặp khó do dịch

Về sản lượng tiêu thụ xi măng trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 56,44 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ nội địa 6 tháng đầu năm khá tốt. Nhưng bước sang tháng 7 - 8/2021 và dự kiến tháng 9/2021, tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch. Hai thị trường lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều công trình phải tạm dừng thi công (chỉ một số ít công trường được cho phép thi công).


Xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tăng thuế xuất.

Hiện một số nhà máy đang tận dụng thời gian này để bước vào giai đoạn sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị định kỳ. Nhưng nếu dịch tiếp tục kéo dài thì khó khăn này sẽ không biết sẽ đẩy cao đến đâu và bản thân DN có chịu được nếu dịch còn kéo dài? Bởi đặc thù ngành Xi măng là xi măng có thời hạn sử dụng ngắn, nếu đắp chiếu nằm trong kho quá lâu thì sản phẩm hỏng hết, không sử dụng được.

Xuất khẩu - “cánh cửa” hy vọng có mở?

Ngành Xi măng đứng trước áp lực dư cung lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, tiêu thụ ở thị trường trong nước thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4.

Một “cánh cửa” hy vọng được mở ra cho ngành là xuất khẩu và thực tế con số xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã trở thành bằng chứng thuyết phục về “chiếc phao cứu sinh” cho nhiều DN. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/7, xuất khẩu xi măng và clinker đạt hơn 22.600 tấn, trị giá hơn 878,6 triệu USD, tăng lần lượt 26% về lượng và hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 38,8 USD/tấn, tăng nhẹ 3,4% trong khi cùng kỳ 2020 là 37,5 USD/tấn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam với 10,3 triệu tấn, trị giá hơn 368,6 triệu USD, chiếm 49,4% về lượng và 45,6% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước. Ngoài ra, thị phần xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng tốt, ngoại trừ Đài Loan (giảm gần 80% về cả lượng và giá trị).

Nhưng sang tháng 7 - 8/2021, làn sóng dịch bệnh bao vây nhiều quốc gia trên thế giới, hoành hành khắp Đông Nam Á khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Do các cảng biển trên thế giới giảm tải vì dịch bệnh Covid-19, đồng thời chi phí vận tải tăng đã khiến sản lượng xuất khẩu của ngành xi măng giảm đáng kể.

Đề xuất tăng thuế xuất clinker

Với mục tiêu hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, Bộ Tài chính mới đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu đối với clinker từ mức hiện tại 5% lên 10%. Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất hai mặt hàng này chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, đặc biệt là sử dụng điện với giá thấp. Điều này đi ngược lại với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam với ưu tiên hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoảng sản không tái tạo, trong đó, riêng clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế trong giai đoạn 2021 - 2030.

Nếu tăng thuế xuất khẩu clinker thêm 5%, thì DN chắc chắn gặp thêm khó khăn. Việc tăng thuế xuất clinker là cần thiết để hạn chế xuất khẩu clinker nhưng trong bối cảnh dịch bệnh và thị trường xi măng nội địa dư cung thì áp lực tăng thuế này sẽ đè nặng lên vai các DN.

Một thực tế cần phải nhấn mạnh rằng: Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu xi măng của nước ta đều đạt trên 30 triệu tấn/năm, riêng năm 2020 đạt kỷ lục với 38 triệu tấn. Trong lúc nguồn cung cao khiến thị trường dư cung thì xuất khẩu đã giúp ngành Xi măng giải quyết được sản lượng không thể bán ở thị trường nội địa. Và nếu chính sách tăng thuế xuất khẩu clinker được thông qua thì sẽ khiến “cánh cửa” xuất khẩu của Việt Nam hẹp lại.

Một vấn đề nữa cũng cần các DN xi măng cân nhắc, tính toán đó là: Đến năm 2023, xi măng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển cần đáp ứng yêu cầu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng ở mức thấp. Nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, DN sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.

Sau áp lực là “kim cương”?

Một cuộc cạnh tranh gay gắt, mang tính sàng lọc đang diễn biến mạnh mẽ trong thị trường xi măng. Bởi những DN nhỏ, công nghệ lạc hậu, có chi phí sản xuất cao cộng độ phủ thương hiệu kém sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, thậm chí khó tồn tại.

Tái cấu trúc toàn diện, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt các DN xi măng cần giảm hàm lượng CO2 trong sản xuất, quan tâm nhiều đến môi trường... Sau cuộc cạnh tranh đầy áp lực, DN nào tồn tại, phát triển được chính là những “viên kim cương” sáng giá. Sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành Xi măng, là con đường buộc các DN bước tới nếu muốn tồn tại, phát triển trong kỷ nguyên mới.

Đi trước, đón đầu, xác định trọng tâm phát triển, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã và đang triển khai các đề án để hướng tới phát triển xanh, bền vững, trong đó VICEM hợp tác cùng Tập đoàn FLSmidth (Ðan Mạch) ra tuyên bố chung về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành Xi măng "Zero emission - natural cycle" (Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên).

Mục tiêu, sứ mệnh hướng tới là không phát thải các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường và luân chuyển, tuần hoàn khí theo quy luật của tự nhiên, quy luật của môi trường sống, giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hàng ngày của xã hội như rác thải, bùn thải, tro xỉ, phế thải vật liệu xây dựng… Đồng thời, ứng dụng các thuật toán trong lĩnh vực điện toán để thiết lập hệ điều khiển thông minh đáp ứng việc luân chuyển tuần hoàn khí, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, xử lý rác thải, nâng cao hiệu suất sử dụng và phát điện.

Thảo Nguyên (Xây dựng)

TOP