Xu hướng giảm không nằm ngoài dự đoán của thị trường, khi giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép hạ nhiệt, trong khi bức tranh tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong ngày 5/7, giá thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu thép Hòa Phát giảm 100.000 đồng/tấn xuống còn 14,38 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép cuộn CB240 tạm thời được giữ nguyên mức giá 14,04 triệu đồng/tấn.
Các thương hiệu như Việt Ý, Việt Đức, Pomina, Thép Miền Nam, Việt Nhật, Thép Thái Nguyên… cũng áp dụng mức giảm giá tương tự đối với chủng loại D10 CB300 vào sáng nay. Như vậy, giá thép đã hạ 13 lần liên tiếp tính từ đầu tháng 4 đến nay với mức giảm lũy kế gần 2 triệu đồng.
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nhu cầu trong nước yếu nên các nhà máy đã liên tục điều chỉnh giá để tăng tính cạnh tranh. Song, việc hạ giá này đã phần nào giúp cải thiện tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thị trường.
Nhìn chung, nhu cầu thép trong nửa đầu năm 2023 vẫn chưa có tín hiệu hồi phục bền vững. Tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây. Cụ thể, tiêu thụ thép thô từ sau 6 tháng đầu năm đạt dưới 10 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thách thức đối với ngành thép trong quý 3/2023 vẫn còn tiềm ẩn, đặc biệt khi đây là mùa mưa, hay mùa xây dựng thấp điểm rơi vào khoảng tháng 8, tháng 9 có thể hạn chế sức tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, MXV kỳ vọng sức ép sẽ giảm bớt trong giai đoạn quý 4 năm nay, bởi đây là thời điểm các dự án gấp rút hoàn thành tiến độ cộng với nhu cầu sửa chữa, làm mới nhà cửa của người dân tăng cao, các dự án đầu tư công cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hữu Việt
Theo cafeland