Việt Nam chi hơn 3,7 tỷ USD nhập khẩu sắt thép trong 4 tháng

Ngày đăng: 21/05/2021

Chia sẻ

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu sắt thép đạt 5,07 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 37%  về trị giá so với cùng kỳ 2020.

Tính riêng trong tháng 4/2021, sản lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 1,4 triệu tấn, giảm 2% và giá trị nhập khẩu tăng nhẹ 0,4%, đạt 1,08 tỷ USD so với tháng 3.

Trong quý 1/2021, lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt hơn 3,67 triệu tấn, trị giá hơn 2,64 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu sắt thép ước đạt 5,07 triệu tấn, tăng 14% với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2020.

Trong 4 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất của nước ta. Tính riêng trong quý 1/2021, thị trường này đã cung cấp hơn hơn 1,88 triệu tấn, trị giá hơn 1,27 tỷ USD, tăng lần lượt gấp đôi về lượng và tăng 2,2 lần trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường này chiếm 51,2% trong tổng lượng và chiếm 48,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản với hơn 508 nghìn tấn, trị giá hơn 369 triệu USD; Hàn Quốc với hơn 398 nghìn tấn, trị giá hơn 359 triệu USD;…

Lượng nhập khẩu sắt thép của nước ta tăng mạnh trong bối cảnh giá thép đang tăng phi mã. Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30 - 40% so với quý cuối năm 2020.

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo tình trạng leo thang của giá thép được dự báo tiếp diễn đến hết quý 3. Nguyên nhân là giá phôi thép đầu tháng 4/2021 ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020.

Giá thép cuộn cán nóng đầu tháng 4/2021 ở mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá 700 USD/tấn vào đầu tháng 12/2020. Thị trường thép cuộn cán nóng thế giới biến động mạnh khiến cho thị trường cuộn cán nóng trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng cuộn cán nóng làm nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, tình hình căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc làm giới hạn lượng nguyên liệu thô từ Australia xuất sang Trung Quốc cũng khiến giá thép thế giới tăng cao. Hơn nữa, Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu dùng trong sản xuất thép, làm cho việc xuất khẩu thép của các nhà xuất khẩu nước này trở nên tốn kém hơn. Hiện, Trung Quốc cũng đang cắt giảm lượng lớn sản lượng thép trong năm 2021 để giảm phát thải carbon 30-50% nhằm bảo vệ môi trường. Sản lượng thép này bao gồm cả thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng.

Châu An
Theo Cafeland

TOP