ThS Ngô Thanh Long
ThS Ngô Thanh Long: Thiết kế đồ hoạ (Graphic design) là ngành nghệ thuật kết hợp các yếu tố như typography – kiểu chữ, màu sắc, hình ảnh, bố cục thành một tác phẩm để truyền tải các thông điệp mang tính đại diện qua con đường thị giác.
Hoàn Kiếm là quận trung tâm, có thể nói là “trái tim” của Thủ đô, cả về bản sắc lẫn tinh thần. Đối với cuộc thi thiết kế logo – biểu trưng quận Hoàn Kiếm, theo tôi đó là cách tiếp cận chính xác. Bởi lẽ, trong quá trình hội nhập, quận Hoàn Kiếm đã nhận rõ yêu cầu về việc nhận diện “thương hiệu” của mình đối với bạn bè quốc tế, muốn quảng bá, lưu truyền cho thế hệ sau những nét văn hoá đặc thù, cá tính của quận Hoàn Kiếm trong bối cảnh phát triển chung của Hà Nội và Việt Nam. Cũng phải nói rằng, bản thân chữ “Quận Hoàn Kiếm” đã mang một nét đặc trưng rất riêng, có điều khó ở đây chính là sự diễn đạt về hình ảnh, lựa chọn những tầng bậc ngữ nghĩa của đường nét biểu trưng của quận Hoàn Kiếm.
Nhìn nhận được những điều này sẽ giúp cho quận có được đề bài rõ ràng, nhận rõ được yếu tố bản sắc cũng như lựa chọn được phong cách cho biểu trưng – logo của quận.
Phóng viên (P/v): Xung quanh chủ đề thiết kế logo quận Hoàn Kiếm có khá nhiều ý kiến về các hình ảnh biểu trưng, phong cách thiết kế… Là một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ, anh có thể cho biết ý kiến của mình?
ThS Ngô Thanh Long: Như tôi đã nói ở trên, đây đã thể hiện một cách nhìn hợp lý của quận Hoàn Kiếm. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều khi có một chiến lược và cách làm rộng rãi, với sự phối hợp của nhiều ngành nghề khác nhau, cả về thiết kế và truyền thông cho lĩnh vực này.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng: Thiết kế logo không khó, chi phí cũng không cao, phần đắt đỏ là chi phí nhận diện nó, vận hành nó trong cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, logo quận Hoàn Kiếm cần có những cách biểu đạt mới, có môi trường nhận diện đa dạng: In trên mũ, áo, khắc trên sản phẩm lưu niệm, trình diễn trên màn hình, video mapping… Nó cần được đặt trong “hệ sinh thái” của cuộc sống hiện đại….
P/v: Nhiều ý kiến cho rằng, logo quận Hoàn Kiếm cần mang biểu tượng của cơ quan hành chính, cần đường nét mạnh mẽ, màu sắc tương phản… Anh nghĩ thế nào về điều này?
ThS Ngô Thanh Long: Tôi cho rằng, về điều này thì quận Hoàn Kiếm cần phải chọn lựa, logo sẽ hướng đến mục tiêu là gì, đại diện cho chính quyền về mặt hành chính, hay hệ thống nhận diện, quảng bá hình ảnh, phổ cập để quảng bá du lịch. Điều này cũng phần nào thể hiện thái độ của đại diện quận đối với các đối tác.
Rõ ràng, định hướng phát triển thương mại du lịch sẽ khiến cho quận Hoàn Kiếm đưa ra lựa chọn phù hợp. Logo sẽ có nhiều cách biểu đạt: Trên vải, trên giấy, trên màn hình lớn, trên vải, trên gỗ, kích thước và tỷ lệ… và người thiết kế cần phải trình bày hết tất cả những biểu hiện đó cho quận dễ dàng hình dung và lựa chọn. Mặt khác, Quận Hoàn Kiếm cũng nên yêu cầu điều này đối với các nhà thiết kế, khi nhận được thì lập tức thử nghiệm các hình thức vận hành của nó.
Việc thử nghiệm này rất quan trọng để khẳng định sự tồn tại của logo với yếu tố ứng dụng trong các hình thức biểu hiện mới: Phóng to, thu nhỏ, thể hiện trên các chất liệu mới, công nghệ mới, trình chiếu, chuyển động mà vẫn được nhận diện đúng là biểu trưng quận Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, cũng cần có thời gian để kiểm định giá trị của biểu tượng. Đây cũng là cách để tạo ra những dấu ấn khá đặc biệt cho sự phát triển của quận trong thời đại mới.
ThS Ngô Thanh Long: Thiết kế đồ hoạ – Graphic designer
Bích Vượng – TCKT.VN
Ảnh: Hải Thanh
© Tạp chí Kiến trúc