Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh: Những chân dung kiến trúc

Ngày đăng: 16/03/2023

Chia sẻ

Như một bảo tàng của thời gian, bức tranh kiến trúc đa dạng tại Sài Gòn -TPHCM phản chiếu sắc nét quá trình phát triển hơn ba trăm năm của TP này dưới các tác động tự nhiên và văn hóa đặc thù.

TP khởi sinh như một tặng vật từ sông nước, nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông thủy bộ năng động. Trong điều kiện tự nhiên ôn hòa, vùng đất phương Nam “đất lành chim đậu” này trở thành nơi hội tụ của những đợt di dân liên tục từ xa đến, cả trong và ngoài nước, cả phương Đông lẫn phương Tây, mang theo trong dòng chảy đó tiềm năng của nhiều vùng văn hoá đã có bề dày phát triển cả ngàn năm.

Tính chất đa tộc người cùng với mối quan hệ thân thiện giữa các cộng đồng là một tài sản vô giá mà không phải TP nào cũng có được. Sài Gòn vì vậy đã trở thành một cửa ngõ, nơi tiếp nhận và thúc đẩy tiến trình đa văn hoá. Tính đa dạng kiến trúc tại Sài Gòn xưa, TPHCM hôm nay là sự đơm hoa kết trái từ quá trình tiếp xúc văn hóa sinh động đó.

Nếu xếp đặt các công trình kiến trúc tiêu biểu của mỗi một thời kỳ phát triển tại TP này vào chung trong một bức chân dung, thì ta có thể gọi tên tất cả các bức chân dung kiến trúc đó, một cách thật khái quát, theo trình tự thời gian là: “Sài Gòn phương Đông”, “Sài Gòn phương Tây”, “Sài Gòn Quốc tế”, “Sài Gòn đương đại”.


Hình 1. Chân dung Sài Gòn phương Đông
Tinh thần và ngoại hiện của nó thể hiện qua sắc màu rộn ràng của thị phố, những cung đường “trên bến dưới thuyền” hơn là qua những tòa đô thành thâm nghiêm.
Nguồn: https://www.cuocthianh.com/

Sài Gòn Phương Đông

“Sài Gòn phương Đông” là bức chân dung kiến trúc đầu tiên. Được hình thành trong buổi bình minh của cuộc hành trình khẩn hoang Nam bộ, kiến trúc là một trong những thành tố của lối sống người đi mở đất đầy phóng khoáng.

Ra đi gặp vịt cũng lùa
Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu [3]

Trong buổi đầu mưu sinh khắc nghiệt, cộng đồng lưu dân luôn phải tìm cách thích nghi với môi trường sống mới. Vì vậy mà dù cho trong hành trang Nam tiến của họ luôn có những truyền thống từ quê cha đất tổ được cất giữ cẩn thận, nhưng lối sống của họ trên hành trình mở cõi buộc phải có những cải biên cho phù hợp với môi cảnh. Kiến trúc Sài Gòn ngay từ buổi đầu đã không bị trói chặt vào khuôn khổ truyền thống đúng như nguyên mẫu ở cố hương.

Theo quá trình phát triển, với tính chất là một nơi hội tụ, Sài Gòn đã tích hợp trong nó những dáng nét kiến trúc phương Đông từ nhiều nguồn gốc khác nhau, với sự hiện diện của người Việt, người Hoa, người Khmère, người Chăm. Là một TP với thiên hướng kinh tế và thương mại, Sài Gòn đã nổi lên với sắc màu rộn rã của “thị phố” hơn là những tòa đô thành thâm nghiêm như hình ảnh thường gặp tại những đô thị phong kiến truyền thống khác. Kiến trúc đô thị hình thành với các khu phố sầm uất vây quanh các bang hội người Hoa tại trung tâm Chợ Lớn, hoặc lan tỏa theo mạng lưới ngõ hẻm nhỏ nhắn của người Việt tại các vùng ngoại ô. Trong bức chân dung đô thị này, di sản phương Đông để lại tinh thần lẫn ngoại hiện của nó qua các cung đường “trên bến dưới thuyền”, các phố chợ rộn ràng, các con hẻm bạc màu thời gian, các công trình kiến trúc đậm chất đời thường: nhà phố, chợ bến, đình chùa, lăng mộ, hội quán…

Công trình tôn giáo là nơi cho cộng đồng cảm nhận ký ức về đời sống tâm linh của đô thị. Các Hội quán người Hoa tại Chợ Lớn, nổi bật là “chùa Bà” và “chùa Ông” với bố cục hình chữ “Khẩu” quanh giếng trời Thiên tĩnh. Những ngôi chùa Việt được tạo lập từ buổi bình minh của TP (Giác Lâm, Giác Viên, chùa Gò- Phụng Sơn tự) với những đặc điểm tiêu biểu của chùa Nam bộ: không cổng tam quan, mái thẳng bốn vạt, kỹ thuật trùng thiềm điệp ốc. Lăng Ông Bà Chiểu không chỉ là một quần thể kiến trúc cảnh quan lớn, mà còn là một không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của người Sài Gòn, với lễ khai hạ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cho đến giữa thế kỷ 19, Sài Gòn đã mang dáng dấp của một đô thị đa văn hóa với lối sống thị thành năng động. Đó chính là di sản quan trọng mà Sài Gòn phương Đông để lại trước khi nó chuyển mình vào một quá trình phát triển mới kể từ nửa sau thế kỷ 19.

Sài Gòn Phương Tây

“Sài Gòn phương Tây” là bức chân dung kiến trúc trong khoảng thời gian một trăm năm dưới ảnh hưởng Pháp thuộc từ nửa sau thế kỷ 19.

Đầu tiên là một số ít công trình kiến trúc kiểu doanh trại với các trại lính, bệnh viện, công sở, văn phòng được xây dựng trong những năm 1860. Kiến trúc thời kỳ này còn khá thô sơ, nhưng có lẽ chính vì vậy mà để có thể tồn tại, nó đã phải nhanh chóng thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới: Nền cao, mái vươn xa, hành lang rộng bao quanh. Với hình thức và quy mô còn khiêm tốn, các công trình mở đầu này có sự kết nối nhất định với khung cảnh địa phương.


Hình 2. Chân dung Sài Gòn phương Tây
Sự kết hợp giữa kỹ thuật phương Tây và văn hóa phương Đông trong công trình trường Petrus Ký (trường Lê Hồng Phong) của Hébrard.
Nguồn: http://vietlandmarks.com/

Nhưng kể từ thập niên 1870, chính sách “đồng hóa” với khái niệm “sứ mệnh văn minh” đã trở thành động lực cho một trào lưu kiến trúc mang tính hoành tráng. Hàng loạt công trình Tân cổ điển với âm hưởng của các tòa nhà vĩ đại tại Paris đã phản ánh sự ổn định, quyền lực và uy tín của đế chế. Những công trình còn tồn tại đến hôm nay như Tòa đô chính (UBND TPHCM), Tòa án, Bưu điện, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát TP, Tổng cục Hải quan, Dinh Phó Soái (Bảo tàng TPHCM), Kho Bạc, trường Taberd (Trần Đại Nghĩa) … đã vẽ nên diện mạo phương Tây của một Sài Gòn quyết tâm “tách một hạt ngọc thoát khỏi lớp vỏ bọc đất đá của nó”. Bước chuyển mình này để lại nhiều di sản kiến trúc mang tính hướng Âu nhưng thiếu vắng dấu ấn của văn hóa và tự nhiên bản địa.

Bước sang thập niên 1920, chính sách “đồng hóa” được thay thế bởi chính sách “liên kết” thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn đối với văn hóa bản địa. Điều này đã truyền cảm hứng cho sự xuất hiện của một phong cách kiến trúc mới có tên gọi là “Indochinoise” (Đông Dương), từ đó tạo nên một diện mạo mới có cảm thức về nơi chốn rõ ràng hơn cho kiến trúc. Ta có thể thấy được sự đổi mới này trong các công trình mà người thiết kế đã tìm kiếm ý tưởng từ kinh nghiệm bản xứ, lồng ghép vào bố cục mang tính kinh điển phương Tây một số nét kiến trúc truyền thống bản địa. Tiêu biểu nhất là hai công trình: Trường Pétrus Ký (Lê Hồng Phong) của Hébrard và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam của Auguste Delaval. Ngoài ra còn có Ngân hàng Đông Dương (ngân hàng Nhà nước), Phòng Thương mại (Sở Giao dịch chứng khoán), Nhà Chú Hỏa (Bảo tàng Mỹ thuật), Chợ Bình Tây.

Từ cuối những năm 1920, Sài Gòn chứng kiến sự cách tân trong kiến trúc với phong cách Art Déco thiên về những mảng tuyến đơn giản. Các công trình nổi bật là Dưỡng đường Saint Paul (Bệnh viện Mắt), Chợ Tân Định, CLB Thể thao (Cung Văn hóa Lao động); và đặc biệt là các công trình có tổ hợp khối hình học khúc chiết và mạnh mẽ của KTS Paul Veysseyre mà đến nay dáng nét vẫn còn tươi mới: Khu biệt thự Chú Hỏa (Nhà khách Chính phủ), Tòa nhà Hải quân quốc gia (Văn phòng Chính phủ). [1]

Toàn bộ chặng đường xây dựng xuyên suốt gần một thế kỷ này đã để lại cho Sài Gòn một diện mạo kiến trúc phương Tây hào nhoáng ban đầu, cách tân và gần gũi về sau. Những thành tựu kiến trúc này có lẽ là tác nhân quan trọng nhất tạo nên huyền thoại “Hòn ngọc Viễn Đông” trong quá khứ. Theo thời gian, và đồng thời được kiểm nghiệm bởi thước đo khắc nghiệt của thời gian, chúng đã tồn tại trong cơ thể đô thị hôm nay như một phần linh hồn TP. Một bộ phận không nhỏ những thành tựu đó xứng đáng được trân trọng với tư cách là di sản của Sài Gòn – TPHCM.

Các phố chợ lâu đời đã khắc hình và âm thanh của nó vào thời gian như một phần hồn của TP.

Sài Gòn quốc tế

“Sài Gòn Quốc tế” là chân dung kiến trúc hình thành sau khi người Pháp rời đi. Nhưng lịch sử một lần nữa lại đặt Sài Gòn vào cửa ngõ của một cuộc tiếp xúc văn hóa mới với thế giới phương Tây từ nửa sau thập niên 1950. Cuộc tiếp xúc này đã mở ra một trang mới cho kiến trúc TP với dấu ấn của một phong trào mang tính thời đại trên toàn thế giới lúc bấy giờ. Phong trào đó có tên là Trào lưu Kiến trúc Hiện đại (Modernism).


Hình 3. Chân dung Sài Gòn quốc tế
Một minh họa đầy thuyết phục về sự kết hợp truyền thống và hiện đại ở công trình Thư viện Quốc gia (Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM).
Nguồn: https://usvietnam.uoregon.edu/

Kiến trúc Hiện đại thực ra đã xuất hiện đầu tiên tại Sài Gòn vào cuối thời thuộc địa, với công trình trường Mẫu giáo Chợ Đũi (Ecole Maternelle De Chodui) do KTS Leo Craste thiết kế năm 1931(nay là trường Ten lơ man, đang hoàn thiện hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp TP). Tuy nhiên, “làn sóng hiện đại” chỉ thực sự đến từ sau năm 1954 với sự dẫn dắt của các KTS người Việt được đào tạo từ nước ngoài (chủ yếu là Pháp và Mỹ). Kể từ đây cho đến năm 1975, với đội ngũ chỉ có 147 KTS đăng ký hành nghề, các nhà kiến trúc đã có công lớn trong việc dịch chuyển diện mạo kiến trúc Sài Gòn từ quỹ đạo cổ điển sang hiện đại, biến Sài Gòn thành một trong những trung tâm của kiến trúc Hiện đại. [2]

Trong quá trình này, các KTS Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ không phải là những người sao chép thụ động các khuôn mẫu hiện đại ngoại sinh, mà quan trọng hơn chính là theo đuổi mục tiêu tái lập bản sắc Việt trong bối cảnh hội nhập với kiến trúc thế giới. Kiến trúc hiện đại tại Sài Gòn, vì vậy, là một phiên bản cá tính hơn so với phong cách kiến trúc Quốc tế đương thời. Nó phản ánh nỗ lực của KTS Việt bổ khuyết những thiếu vắng về bản sắc và tinh thần trong Chủ nghĩa Hiện đại.

Dấu ấn bản địa rõ nét nhất chính là nỗ lực thích ứng công trình với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Giải pháp phổ biến là cấu tạo “tường hai lớp”, với lớp tường chắn nắng bên ngoài cũng đồng thời là lớp bảo vệ thứ nhì cho công trình. Có rất nhiều công trình kiến trúc với những tấm màn chắn nắng tuyệt đẹp, được cấu tạo nên từ kho từ vựng phong phú các chi tiết hoa văn mang âm hưởng truyền thống và có tỷ lệ gần gũi với tầm vóc con người. Những chi tiết này đến lượt nó đã phản ánh cảm thức văn hóa phương Đông được người thiết kế gửi gắm một cách tinh tế vào kiến trúc. Một đặc trưng nữa là mặt ngoài công trình thường sử dụng vật liệu bằng đá rửa, vừa có khả năng chống chịu tốt với thời tiết, vừa gợi nhắc cách thức sử dụng vật liệu thô mộc trong kiến trúc Việt Nam truyền thống.

Ta có thể thấy được điều này qua rất nhiều những ví dụ xuất sắc như Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất) của KTS Ngô Viết Thụ, Thư viện Quốc gia của Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện, Bệnh viện Thống Nhất của Trần Đình Quyền, Trung tâm văn hóa Pháp IDECAF của Nguyễn Quang Nhạc… Nhưng điều rất đáng lưu ý là “làn gió” hiện đại không chỉ lướt qua những công trình lớn đó, mà nó còn lan tỏa nhanh chóng sang lãnh địa kiến trúc nhà ở, từ chung cư đến biệt thự và nhà phố, từ các tác phẩm được thiết kế bởi KTS đến hàng loạt các ngôi nhà do người dân tự quan niệm và xây dựng tại Sài Gòn – TPHCM từ những năm 1960 cho đến tận thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.

Trong bối cảnh như vậy, dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu quốc tế, Sài Gòn đã trở thành một trong những trung tâm quan trọng của kiến trúc Hiện đại trên thế giới. Tác giả Mel Schenck đến Sài Gòn lần đầu tiên vào năm 1972 đã rất ngạc nhiên trước số lượng và mức độ tập trung các công trình kiến trúc Hiện đại tại đây. Ông có nhận định đáng lưu ý là: Sài Gòn, vốn luôn cởi mở với những ý tưởng mới, đã tiếp nhận kiến trúc Hiện đại, chấp nhận nó và biến nó thành kiến trúc bản địa của mình. [2]

Tương lai của một nền kiến trúc có bản sắc luôn có sự kết nối với các cội rễ truyền thống. Với tư cách là một phần di sản kiến trúc bản địa tại TP này, phải chăng những thành tựu kiến trúc Sài Gòn Hiện đại cần được phân tích qua một lăng kính mới, với một vị trí trang trọng hơn nữa để thông qua đó truyền cảm hứng về bản sắc của nó đến các thế hệ kiến trúc tiếp nối?

Sài Gòn đương đại

“Sài Gòn đương đại” là bức chân dung kiến trúc của hôm nay, hay chính xác hơn là của quá trình 30 năm từ khi TP bước vào thời kỳ phát triển kinh tế năng động những năm 1990. Trong bối cảnh này, sự đổi thay dễ nhận thấy nhất chính là kiến trúc phát triển theo chiều thẳng đứng, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên, vẽ lại bóng dáng đường chân trời của TP.

Một hiện tượng được ghi nhận là phần nhiều các công trình cao tầng mới được xây dựng tại TP đều thuộc về khối tư nhân. Trong những năm vừa qua, từ nguồn đầu tư công chưa có nhiều công trình công cộng, công trình quy mô lớn tạo nên những điểm nhấn văn hóa đặc biệt đánh dấu cho chặng đường phát triển mới.

Tuy nhiên, với một cách nhìn khách quan, kiến trúc TP hôm nay cũng đã ghi dấu những nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới, kết nối kiến trúc với những mối quan tâm chung của nhân loại về môi trường, kiến trúc xanh, bảo tồn di sản. Có thể kể tên một ví dụ điển hình cho hướng đi này: Công trình mở rộng Kho bạc nhà nước TPHCM của KTS Nguyễn Trường Lưu tạo nên một sự kết hợp tinh tế giữa hiện tại và quá khứ. Dù đã có các công trình thể hiện ngày càng nhiều hơn những câu chuyện về bản sắc văn hóa và tự nhiên trong kiến trúc, nhưng nhìn chung, diện mạo kiến trúc TPHCM đương đại vẫn có thiên hướng “toàn cầu” hơn là đặc trưng bản địa. Cần thiết phải nhắc lại nhận định, hay đúng hơn là cảnh báo của các nhà nghiên cứu quốc tế về đô thị, là trong thời gian vừa qua: “Sức mạnh chủ đạo để xây dựng đô thị ở Châu Á dường như là sự phát triển kinh tế và ý muốn trở thành một bộ phận vẹn toàn của làn sóng kinh tế toàn cầu”. Trên con đường phát triển thành một trung tâm hiện đại và xa dần những đặc trưng truyền thống của nó, kiến trúc TPHCM hôm nay dường như cần phải củng cố thêm dấu ấn địa phương nếu so sánh với cách thức thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới của kiến trúc Hiện đại Sài Gòn trước đó, hoặc với tính chất liên kết văn hóa của kiến trúc Đông Dương tại Sài Gòn thời kỳ trước đó nữa.


Hình 4. Chân dung Sài Gòn đương đại
Kiến trúc hướng tới sự phát triển từ động lực kinh tế đã vẽ lại bóng dáng đường chân trời thành phố: một hình ảnh mang tính toàn cầu và cần được tăng cường dấu ấn bản địa.

Kết luận

Diện mạo kiến trúc Sài Gòn – TPHCM thay đổi liên tục qua thời gian. Tuy vậy vẫn có thể nhận ra rõ một điều là các bức chân dung kiến trúc của TP này trong quá khứ, dù ít hay nhiều, nhanh hay chậm, đều luôn phản ánh được dấu ấn bản địa trên mỗi chặng hành trình phát triển của nó. Chân dung kiến trúc TP hôm nay cần được tiếp tục bổ sung những thông điệp sâu thẳm của nơi chốn, để các thế hệ tương lai tìm thấy căn tính của mình trong kiến trúc với tư cách là không gian giao tiếp vượt thời gian.

Ký ức tập thể của cả cộng đồng luôn cần được gìn giữ và đắp bồi trong suốt quá trình phát triển tiếp nối của mỗi một TP.

TS.KTS. Phạm Phú Cường
ĐH Kiến trúc TPHCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)

Đặc sản biển 468
Tặng quảng cáo FB 1 triệu
TOP