Châu Hải, thành phố có 2,4 triệu dân nằm tại Vịnh lớn (Greater Bay) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đang mang đến bức tranh khác về trung tâm của khu vực dân cư đông đúc.
Với 708 công viên, nhiều vỉa hè đi dạo bên bờ sông rợp bóng cây, Châu Hải là điểm đến du lịch còn được biết đến là “thành phố của những khu rừng”.
Màu xanh phủ bóng Châu Hải là kết quả của kế hoạch đến từ chính phủ Trung Quốc vào cuối năm 2014, với việc đưa ra những hướng dẫn và mục tiêu để xây dựng cái gọi là “thành phố bọt biển”.
Với 30 dự án thí điểm và tổng vốn hỗ trợ khoảng 1,8 tỷ nhân dân tệ, Trung Quốc ban đầu thúc đẩy dự án “thành phố bọt biển” (sponge city) với mục tiêu là giảm ngập lụt và tận dụng nước mưa. Song, nó cũng đã khiến nhiệt độ thành phố dịu đi.
Vào năm 2015, Trung Quốc ra hướng dẫn xây dựng những thành phố bọt biển, với mục tiêu là 80% thành phố áp dụng mô hình này, và có thể tái chế 70% lượng nước mưa cho đến năm 2030, theo Economist.
Theo hướng dẫn, mô hình thành phố bọt biển thay đổi các bề mặt cứng, như đường và vỉa hè, thành các bề mặt thấm nước có thể hấp thụ, làm sạch và lưu trữ nước, sau đó tái sử dụng nước này cho nhiều mục đích.
Ở những nơi khác trên thế giới, các dự án cơ sở hạ tầng tương tự được gọi là phát triển tác động thấp, cơ sở hạ tầng xanh hoặc thiết kế đô thị nhạy cảm với nước.
Mô hình cơ bản của thành phố bọt biển, khi sử dụng mặt đường xốp ở đất nền. Đồ họa: Cơ quan cấp thoát nước Hong Kong.
Tuy nhiên, Trung Quốc là số ít quốc gia thực hiện mô hình này ở quy mô toàn thành phố.
Châu Hải xây dựng hơn 115 km2 cơ sở hạ tầng thành phố bọt biển kể từ năm 2016, chiếm gần 1/4 tổng diện tích xây dựng đô thị.
Thành phố này hiện nay có vỉa hè bằng gạch hoặc bê tông xốp, đường nhựa xốp, mái nhà xanh, bờ sông xanh, bồn chứa sinh học, ao, vùng đất ngập nước mưa, đầm lầy cỏ và vùng đệm thảm thực vật.
Các “thành phố bọt biển” đã thành công trong việc giảm thiểu các vấn đề ngập lụt đô thị. Chúng cũng có lợi ích bất ngờ là giảm rủi ro tử vong do nhiệt ở đô thị.
Hiện nay, người dân ở nhiều nước châu Á đang đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng do nắng nóng kỷ lục.
Hôm 18/4, truyền thông cho biết Thái Lan lần đầu chạm ngưỡng 45 độ C tại một số khu vực. Lào cũng lần đầu ghi nhận kỷ lục 42,7 độ C. Trong khi đó, tại Nam Á, ít nhất 11 người chết tại Ấn Độ do say nắng hôm 16/4, Guardian cho hay.
Nắng nóng cũng hoành hành tại Trung Quốc. Theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, nhiệt độ tại Nguyên Dương lên tới 42,4 độ C, chỉ cách 0,3 độ C so với kỷ lục nhiệt độ tháng 4 của cả nước. Hôm 17/4, hơn 100 trạm thời tiết ở 12 tỉnh ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ tháng 4, theo nhà khí hậu học Jim Yang.
Trước tình trạng nắng nóng, những giải pháp với mục tiêu ban đầu là ngăn chặn lũ lụt ở Trung Quốc cũng mang lại kết quả tích cực trong ứng phó nắng nóng kéo dài.
Việc triển khai các thành phố bọt biển có thể giảm nhiệt độ đô thị. Theo nghiên cứu tại Quảng Châu, việc dùng gạch và bê tông xốp có thể giảm nhiệt độ bề mặt vỉa hè 12-20 độ C, và nhiệt độ không khí có thể giảm tới 1 độ C.
Trong khi đó, mô hình mái nhà xanh (sử dụng thảm thực vật che phủ các tòa nhà) có mục đích chính là giảm lượng mưa chảy xuống mặt đường gây ngập lụt, cũng có những hiệu quả trong việc giảm nhiệt độ xung quanh. Nghiên cứu tại Hàng Châu, Trung Quốc, chỉ ra các mái nhà xanh có thể giảm nhiệt tại khu vực cho người đi bộ khoảng 0,3 độ C, và có thể đạt hiệu suất cao nhất là 0,8 độ C.
Dựa trên những kết quả và nghiên cứu, lợi ích kép từ thành phố bọt biển sẽ góp phần giảm sự khắc nghiệt từ đảo nhiệt đô thị (tình trạng đô thị nóng hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh).
Ngoài việc giảm nhiệt độ và lũ lụt, thành phố bọt biển có thể mang lại lợi ích về tài chính và xã hội, theo Eco Business.
Vỉa hè và mặt đường thấm nước có thể giảm tình trạng lũ lụt, đồng thời giảm nhiệt độ đô thị. Ảnh: Tân Hoa xã/DW.
Các công trình thành phố bọt biển cũng nâng cao đời sống xã hội thông qua việc giảm nhiệt độ môi trường xung quanh, cải thiện tiện nghi nhiệt ngoài trời, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiệt, đồng thời giảm bớt áp lực tiêu thụ năng lượng. Ngành công nghiệp cùng khu vực tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính và phối hợp xây dựng mô hình này với chính phủ.
Các dự án khác để giảm nhiệt đô thị từ đó có thể được thực hiện thông qua mô hình thành phố bọt biển, từ tòa nhà xanh, thành phố thông minh, thành phố rừng và xử lý khói bụi.
Vẫn còn đó những thách thức về kỹ thuật, kinh tế và xã hội, song các dự án thí điểm là cách để đánh giá hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Với Châu Hải, thành phố này vẫn có tốc độ phát triển kinh tế ổn định, bên cạnh đầu tư cho các dự án xanh. Tăng trưởng GDP năm 2022 của thành phố đạt 2,3%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với trung bình của các thành phố tại tỉnh Quảng Đông.
Đây có thể là ví dụ để các thành phố khác trên thế giới nghiên cứu và áp dụng nhằm giải quyết tình trạng nắng nóng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Theo Trần Hoàng (Zingnews)