Vì sao cầu Trần Hưng Đạo có 'phong cách Đông Dương'?

Ngày đăng: 17/02/2022

Chia sẻ

Công trình cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách kiến trúc Đông Dương sẽ là sự tiếp nối các giá trị kiến trúc, văn hóa của Hà Nội, theo giải thích của đơn vị thiết kế.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI - đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo) trả lời VnExpress xung quanh các phương án thiết kế cây cầu này.

Các ý tưởng chủ đạo của 3 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo là như thế nào, thưa ông?

- Quá trình nghiên cứu kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được thành phố Hà Nội triển khai từ năm 2019, với nhiều phương án trong đó có các phương án mang phong cách kiến trúc cổ điển.

Đây là công trình lớn nằm sát khu vực phố cũ của Hà Nội, phương án kiến trúc của cầu sẽ có ảnh hưởng lớn tới không gian đô thị trong dài hạn. Qua nhiều lần góp ý của Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố và Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, hai hướng chính được triển khai để đem lại sự đa dạng về loại hình kiến trúc, kết cấu giúp Hội đồng tuyển chọn so sánh, đánh giá.

Hướng tiếp cận thứ nhất: Công trình cầu hiện đại, nổi bật, là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt cho không gian, ứng dụng kỹ thuật xây dựng cầu hiện đại để tạo nên dạng hình kết cấu đặc biệt, ít trùng lặp đem lại tính mới, tính biểu tượng của công trình.

Với cách tiếp cận này, chúng tôi đã xây dựng phương án cầu Extradosed (phương án 1) có kết cấu thanh mảnh, ứng dụng dầm hộp với thanh chống chưa từng được xây dựng ở Hà Nội; và phương án cầu vòm kết hợp dây văng có kết cấu lớn, vững chãi, là kết cấu lai phức tạp (hybrid-structure, phương án 2), chưa từng được xây dựng ở Việt Nam và cũng ít gặp trên thế giới.

Hướng thứ hai: Công trình cầu là phần tiếp nối của không gian cảnh quan từ khu phố cũ với nhiều công trình xây dựng thời kỳ Pháp thuộc mang phong cách kiến trúc Pháp, Đông Dương sang khu phố mới ở bờ Bắc. Với cách tiếp cận này, một công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương (phương án 3), có những điều chỉnh phù hợp, sẽ là sự tiếp nối các giá trị kiến trúc, văn hóa của Hà Nội, vừa tạo điểm nhấn kiến trúc đồng thời tạo ra sự chuyển tiếp về không gian đô thị.


Đồ họa phương án 3 kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Một số ý kiến cho rằng phương án 1 và 2 giống thiết kế cầu Nhật Tân và Đông Trù; phương án 3 giống cầu Tháp London (Anh). Quan điểm của ông như thế nào?

- Phương án 1 sử dụng kết cấu Extradosed một mặt phẳng dây ở giữa cầu, trong khi cầu Nhật Tân là cầu dây văng với tháp kim cương và hai mặt phẳng dây. Cầu Đông Trù sử dụng kết cấu vòm chạy dưới, còn phương án 2 sử dụng vòm chạy giữa với các dây văng tăng cường ở vòm và nhịp biên. Đây là các loại kết cấu hoàn toàn khác nhau và hình thức kiến trúc cũng khác nhau.

Phương án 3 có hai cổng cầu, không có dây võng, cổng cầu sử dụng hình thức kết cấu, các họa tiết trang trí của kiến trúc Đông Dương không gợi ý hoặc có liên hệ tới dáng dấp của cầu Tháp London.

- Với hai hướng tiếp cận trên, vì sao TEDI đề xuất tuyển chọn phương án kiến trúc Đông Dương?

- Mỗi hướng tiếp cận trong khi nghiên cứu phương án kiến trúc sẽ đem lại những kết quả khác nhau. Nếu ở hướng tiếp cận về một công trình hiện đại mang lại ấn tượng đặc biệt thì sự liền lạc, chuyển tiếp về không gian kiến trúc giữa hai bờ sông từ đường Trần Hưng Đạo sang Long Biên sẽ bị hạn chế.

Ngược lại, với cách tiếp cận cầu là phần tiếp nối của không gian cảnh quan từ khu đô thị cũ sang khu vực mới phát triển, không gian được chuyển tiếp hài hòa hơn, nhưng các chi tiết có thể sẽ mang đặc trưng kiến trúc đã quen thuộc.

Xét trong tổng thể 10 công trình đã và sẽ xây dựng qua sông Hồng bên trong vành đai 4, các vị trí khác đã bố trí các công trình rất hiện đại như cầu Thăng Long (2 tầng), cầu Nhật Tân, Tứ Liên (dây văng), Thanh Trì, Vĩnh Tuy (đúc hẫng khẩu độ lớn), việc bố trí một công trình có hình thức kiến trúc theo phong cách Đông Dương tại khu vực nội đô có nhiều công trình mang cùng phong cách kiến trúc Pháp - Đông Dương rõ nét như Nhà Hát lớn, Bảo tàng lịch sử... sẽ mang lại điểm nhấn kiến trúc cho cả khu vực cũng như tuyến phố mà không lạc lõng.

Phương án này cũng đáp ứng tốt các yêu cầu về thông thuyền, về giới hạn chiều cao để đảm bảo khai thác sân bay Gia Lâm với chiều cao xây dựng không quá 47 m từ mặt đất.


Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI.

Một số chuyên gia cho rằng phương án kiến trúc Đông Dương "lộn xộn, sao chép, không ăn nhập với kết cấu cầu hiện đại". Ông nói gì về việc này?

- Phương án chúng tôi đề xuất đem lại độ phủ rộng của các khả năng từ cổ điển đến hiện đại, từ thanh thoát nhẹ nhàng đến hình thức kiến trúc đồ sộ, vững chãi trong phạm vi thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật về thông thuyền, độ cao xây dựng lớn nhất cũng như tiết kiệm chi phí xây dựng.

Việc ứng dụng phong cách kiến trúc Đông Dương nhằm tạo sự chuyển tiếp không gian, nghĩa là sẽ phải kế thừa các đặc trưng của phong cách kiến trúc này, đồng thời có những điều chỉnh nhất định sao cho phù hợp với công trình công cộng quy mô lớn. Có thể nói phương án này về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về một công trình kiến trúc đặc trưng, có tính biểu tượng, có phương án chiếu sáng trang trí nổi bật, hài hòa phù hợp cảnh quan, hình thức kiến trúc hai bên, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

Công trình cũng đã sử dụng kết cấu cầu đúc hẫng hiện đại với nhịp 156 m là chiều dài nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay, với chiều dài liên tục trên 850 m có điều chỉnh về kích thước, chi tiết để tạo hiệu ứng vòm phù hợp với phong cách kiến trúc đã chọn.

- Qua khảo sát trên VnExpress cho thấy nhiều ý kiến không đồng tình với 3 phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Thời gian tới các đơn vị liên quan sẽ tiếp thu các góp ý của chuyên gia, người dân ra sao?

- Cầu Trần Hưng Đạo là công trình công cộng quy mô lớn, việc nhận được các ý kiến đóng góp và đồng thuận của công chúng có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi luôn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân, các nhà chuyên môn để nghiên cứu, hoàn thiện phương án thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu cao nhất.

Tuy nhiên, khi xem xét các phương án thiết kế cũng cần phải căn cứ trên tổng thể bố trí công trình qua sông Hồng, công năng, yêu cầu kỹ thuật cũng như đặc điểm cảnh quan kiến trúc của khu vực xây dựng cầu để nghiên cứu và đề xuất phương án phù hợp nhất.

Công tác thiết kế được chúng tôi thực hiện và được các cấp tuyển chọn theo quy định tại điều 41, Luật Kiến trúc 2019 đối với công trình chuyển tiếp đã thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.

Các ý kiến góp ý, đánh giá của Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo trong quá trình xây dựng phương án và chấm điểm, đã được chúng tôi tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình UBND thành phố Hà Nội xem xét. Một số chi tiết, hạng mục sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại để làm nổi bật tính đặc trưng của công trình.

Đoàn Loan

TOP