Yếu tố văn hóa bản địa trong thiết kế kiến trúc đương đại

Ngày đăng: 10/07/2023

Chia sẻ
Trong thời đại Toàn cầu hóa, thế giới ngày càng “phẳng” hơn – Là lúc khoảng cách về địa lý, về ngôn ngữ, về công nghệ – kỹ thuật, đang dần thu hẹp lại, ranh giới giữa các khu vực, các quốc gia không còn là “những tường thành vững chãi”. Sự giao thoa về kinh tế diễn biến đồng thời với sự giao thoa văn hóa, hình thành nên những ý niệm mới như: Chủ nghĩa toàn cầu, Chủ nghĩa quốc tế và đối lập là chủ nghĩa khu vực. Khi mọi rào cản bị phá vỡ và mọi khu vực hòa chung với nhau, thì sự khác biệt về bản thể, về nguồn gốc, về văn hóa là những giá trị cốt lõi giúp chúng ta định vị được bản thân giữa làn sóng hòa nhập đó.


Ví dụ về sự cộng sinh và gia tăng giá trị cốt lõi cho các không gian truyền thống như trong dự án khu dân cư Bắc An Khánh. (Nguồn : Atelier Dubosc et Associes)


Với kiến trúc cũng vậy, nền Kiến trúc Việt Nam đang trong trạng thái chuyển mình hòa nhập cùng quốc tế và cũng là lúc chúng ta đi tìm kiếm bản sắc của kiến trúc Việt Nam. Nền kiến trúc đương đại phát triển theo hướng đa ngôn ngữ, đa phong cách, đa giá trị văn hóa xã hội. Theo đánh giá của KTS kiêm nhà lý thuyết Robert Venturi, trong cuốn sách “Sự phức tạp và mâu thuẫn trong kiến trúc”, ông nhận định về khái niệm Hậu hiện đại (ở bài viết này tương đồng với khái niệm đương đại) là những yếu tố: “Lai tạp hơn là thuần túy, đầy sự thỏa hiệp hơn là trong sạch, sai lệch hơn là thẳng thắn, mơ hồ hơn là rõ ràng, phàm tục cũng như vô vị, nhàm chán nhưng cũng thú vị, thuận theo lẽ thường hơn là được thiết kế có chủ ý, mang tính đáp ứng hơn là loại trừ, dư thừa thay vì đơn giản, vừa hoài cổ vừa đổi mới, vừa không nhất quán vừa đa chiều”. Nói cách khác, thời kỳ đương đại ngày nay là thời kỳ của những suy nghĩ mới, góc nhìn mới, giá trị mới với một trong các yếu tố cốt lõi là bản sắc văn hóa – tài nguyên vô giá đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và kiến trúc nói riêng.

Bài viết phân tích, nhận diện và bóc tách những yếu tố văn hóa bản địa dưới lăng kính kiến trúc là cơ sở để đề xuất những giải pháp, những ứng dụng phù hợp để khai thác các giá trị này trong thiết kế kiến trúc đương đại – góp phần phát huy giá trị bản sắc văn hóa Việt.

Tổng quan về văn hóa bản địa

Trong thời đại Toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa đang “định nghĩa” lại hình thái của các khu vực trong đô thị. Được dẫn dắt bởi những người di cư ở độ tuổi trẻ, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á tăng 3% mỗi năm từ 2010 – Biểu hiện chủ yếu là quá trình di dân từ nông thôn đến thành thị và sự phình to, bành chướng của các đô thị sang vùng lân cận. Quá trình này làm hình thành các khu dân cư mới, đô thị mới, tái cấu trúc làng mạc khu vực ven đô và gây phát sinh nhiều vấn đề hạ tầng xã hội. Đặc biệt là việc đánh mất bản sắc địa phương của các khu vực đang phát triển. Đây là một thách thức đối với nền xây dựng – kiến trúc Việt Nam nói chung và đối với KTS nói riêng. Chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề đặt ra là phải giữ gìn được bản sắc văn hóa bằng việc nghiên cứu các giải pháp ứng dụng những yếu tố văn hóa truyền thống – không rập khuôn theo lối mòn và phù hợp hơn với thời đại kinh tế – xã hội hiện đại.

1. Các khái niệm liên quan

  • Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình;
  • Bản địa theo từ điển Hán Việt, “bản địa” ghép từ “bản” (gốc/nguồn cội/vốn có) và “địa” (đất/khu vực/địa phương), “bản địa” nghĩa là: Vốn có tại chỗ có nguồn gốc tại địa phương, khu vực hay đơn giản hơn bản địa là bản sắc địa phương.

Vậy, văn hóa bản địa được hiểu là văn hóa của một cộng đồng người trong bối cảnh một địa phương, một khu vực, một vùng miền nhất định. Văn hóa bản địa biểu hiện qua cả các giá trị vật thể và phi vật thể sản sinh trong mối quan hệ giữa con người với con người và con người với tự nhiên tại khu vực đó. Đặc trưng của văn hóa bản địa hay được sử dụng bằng thuật ngữ “Bản sắc văn hóa”. Theo định nghĩa của UNESCO: Bản sắc văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ và đang diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỷ, các hoạt động sáng tạo đó đã cấu thành hệ thống giá trị, truyền thống, thị hiếu, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó, dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình.


Sơ đồ 1. Mô tả đặc điểm địa bàn cư trú của các đồng bào dân tộc ở Lào Cai


Điểm đặc trưng tương đồng trong kiến trúc nhà ở các dân tộc khu vực Tây Bắc Bộ. (Nguồn: Tác giả)

 

Mặt khác, kiến trúc bản địa chính là một sản phẩm văn hóa bản địa mà xét ở nhiều góc độ: Những yếu tố lý tính như cấu trúc mặt đứng, vật liệu, cấu trúc không gian, giải pháp về kết cấu, là những yếu tố biểu hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên (đối chọi hoặc thích ứng với khí hậu, địa hình,); còn yếu tố thẩm mỹ, công năng lại biểu hiện cho mối quan hệ giữa con người với con người (ở phương diện vi mô, thói quen sinh hoạt, quan điểm thẩm mỹ cá nhân, quan điểm về tâm linh). Nếu xét ở phạm vi lớn hơn như cấu trúc đô thị, làng xã là biểu hiện cho mối quan hệ giữa con người với cộng đồng (thể hiện qua phân cấp xã hội, ứng xử của cộng đồng, các phong tục tập quán làng xã,).

Vậy có thể hiểu, tính bản địa trong kiến trúc là thuộc tính cố hữu, cơ bản, thường trực, khách quan, có nguồn gốc từ các yếu tố đặc trưng của địa phương; hệ quả sự tác động và chi phối của môi trường tự nhiên và đặc thù môi trường nhân văn xã hội (trong phạm vi cộng đồng địa phương) đến môi trường kiến trúc tại đó.


Nhà hát Lớn (kiến trúc Pháp) – Bảo tàng Lịch sử (phong cách kiến trúc Đông Dương) (Nguồn: tác giả)


2. Nguồn gốc văn hóa bản địa

Dựa trên nguồn gốc của việc hình thành nên văn hóa bản địa của mỗi địa phương là hai thành tố con người và thiên nhiên, ta có thể xác định và phân chia các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thiết lập thành tố bản địa của khu vực, địa phương bất kì thành hai nhóm chính:

a. Nhóm yếu tố bất biến

Là những yếu tố có nguồn gốc từ tự nhiên – môi trường sinh thái tự nhiên như khí hậu, địa hình, địa chất,… Là những yếu tố có thay đổi nhưng không nhiều theo thời gian. Yếu tố này được nhận diện như sau:

  • Mỗi một địa phương, một khu vực hay một quốc gia đều có điều kiện tự nhiên khác nhau, mang tính đặc trưng. Điều này dẫn đến việc phân hóa cấu trúc đô thị, hình thức kiến trúc, thói quen sử dụng vật liệu và giải pháp kỹ thuật xây dựng của người dân tại khu vực đó, đúc kết qua thời gian để ứng phó và thích nghi với điều kiện tự nhiên.
  • Ngược lại, các nhóm cộng đồng cùng định cư và sinh sống tại một khu vực có điều kiện tự nhiên tương đồng sẽ có những ứng xử về môi trường xây dựng có điểm tương đồng nhau. Điều này có thể nhận thấy khá rõ nét trong ngôn ngữ kiến trúc của các tộc người thiểu số phía Bắc Việt Nam. Các tộc người thiểu số vùng núi phía Bắc được thống kê và phân loại không gian cư trú thành ba khu vực: Rẻo thấp, rẻo giữa, rẻo cao. Với điều kiện khí hậu khác biệt giữa các khu vực này đã hình thành nên những giải pháp ứng xử thể hiện qua kiến trúc nhà ở của các tộc người có điểm tương đồng trong cùng một khu vực lưu trú. Ví dụ: Ở vùng thấp là khu vực lưu trú của người Mường, Tày, Thái và một số cư dân nhóm ngôn ngữ Tày – Thái khác, có nhiều điểm tương đồng về nhà cửa, thói quen, lễ nghi. Nhà sàn của người Mường nhìn bên ngoài không khác nhiều so với nhà sàn của người Tày, vật liệu sử dụng đều làm bằng gỗ, tre, nứa, lớp bằng cỏ tranh hoặc lá cọ. Khu vực rẻo cao là khối các dân tộc Hmong, Hà Nhì,… lại có hình thức nhà tường trình,…

Mặt khác, vì những yếu tố bất biến này, việc đưa những nguyên mẫu kiến trúc khu vực này sang khu vực khác sẽ gặp phải sự xung đột. Bài học ta có thể thấy rõ qua kiến trúc xây dựng tại Việt Nam của người Pháp trong quá trình đô hộ thế kỉ 19-20. Giai đoạn đầu của việc xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu của giới cầm quyền Pháp tại thuộc địa, KTS Pháp đã đưa nguyên hình mẫu các công trình tại nước của mình sang (như Nhà hát lớn Hà Nội,…). Trong quá trình sử dụng, họ nhận thấy nhiều vấn đề với khí hậu nhiệt đới gió mùa tại Hà Nội, kỹ thuật thi công của thợ địa phương, vật liệu địa phương. Từ đó dần cải tiến và học hỏi cấu trúc và giải pháp trong thiết kế nhà truyền thống của người Việt và hình thành nên phong cách kiến trúc vẫn còn tồn tại đến bây giờ là kiến trúc Đông Dương (Indochina style)

b. Nhóm yếu tố khả biến

Là những yếu tố có nguồn gốc từ con người – môi trường sinh thái nhân văn. Trong đó, đối với một cộng đồng cư dân, việc ứng xử với tự nhiên, ứng xử giữa con người với con người trong quá trình lao động sản xuất đã hình thành nên những thói quen thường nhật. Thói quen đó lan tỏa trong cộng đồng được gọi là phong tục, tập quán. Phong tục, tập quán đó được truyền thụ đời này qua đời khác, duy trì và phát huy thì trở thành văn hóa truyền thống. Những yếu tố đặc sắc, yếu tố riêng biệt để nhận diện văn hóa truyền thống của khu vực này với những khu vực khác thì được gọi là văn hóa bản địa. Trong nhóm yếu tố này có thể chia thành hai nhóm bao gồm:

  • Các giá trị vật thể được sản sinh trong quá trình lao động của con người (các công trình kiến trúc, đường xá, tác phẩm nghệ thuật,…);
  • Các giá trị phi vật thể (truyền thống văn hóa, thế giới quan, nhận thức xã hội – cộng đồng, nghi lễ tâm linh,…);

Nguồn gốc chính của việc hình thành môi trường sinh thái nhân văn chính là hình thức lao động sản xuất. Từ thời kỳ sơ khai của loại người, khí hậu các khu vực phương Tây lạnh, khắc nghiệt, dẫn đến hình thức sinh tồn của con người khu vực này theo hướng săn bắt là chính. Hoạt động săn bắt cần sức khỏe, nên nam giới có quyền quyết định nhiều hơn, hình thành chế độ phụ hệ. Hoạt động săn bắt mang tính chủ động, tấn công, điều này ảnh hưởng đến tư tưởng phải chế ngự thiên nhiên, tính chiếm hữu chủ động thấm nhuần trong tư tưởng của phương Tây. Ngược lại, khí hậu khu vực phương Đông được thiên nhiên ưu đãi hơn về đất đai, thổ nhưỡng. Hình thức sinh tồn của con người thiên về hoạt động hái lượm và có thể trồng trọt canh tác lâu năm được. Việc này hình thành tư tưởng thụ động, sống hài hòa với thiên nhiên. Hình thức lao động sản xuất hình thành từ điều kiện tự nhiên và ảnh hưởng đến tư tưởng của con người. Hình thức lao động sản xuất thay đổi (săn bắt hay trồng trọt, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,…) làm thay đối tư tưởng. Bởi vậy có thể thấy yếu tố này thay đổi theo thời gian, bối cảnh, biển đổi liên tục trong diễn biến lịch sử của con người.

Cả hai nhóm yếu tố này đều là cơ sở cho việc nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc ứng dụng văn hóa bản địa. Nếu những yếu tố vật thể là nguyên liệu về hình thức kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc thì yếu tố phi vật thể lại là nguyên liệu để đề xuất công năng, không gian kiến trúc cho công trình. Trong một đồ án thiết kế mới, KTS cần đưa ra những nguyên tắc để lựa chọn yếu tố nào ứng dụng và ứng dụng mức độ nào dựa trên hiện trạng của dự án, nhu cầu của chủ đầu tư và tính khả thi khi áp dụng.

Sự cần thiết của việc ứng dụng văn hóa bản địa trong thiết kế kiến trúc hiện nay

1. Đảm bảo yếu tố bản sắc trong đô thị

Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, không gian làng xã ven đô truyền thống có nhiều biến đổi cả về quy mô cấu trúc, cơ cấu chức năng; ngoài ra có sự hình thành của nhiều đô thị mới tại các địa phương. Sự biến đổi không gian kiến trúc làng xã và kiến trúc nhà ở của người dân dễ nhận thấy theo các xu hướng sau:

  • Các không gian công cộng đặc trưng của cấu trúc làng truyền thống đang dần bị thu hẹp như: Ao, hồ, đất cây xanh phá vỡ cấu trúc truyền thống cảnh quan tự nhiên và tiện nghi môi trường, thiếu các không gian tổ chức các hoạt động cộng đồng.
  • Đất chật người đông dẫn đến việc đất ở của người dân cũng thu hẹp dần trong quá trình phân lô, chia thửa và chuyển đổi chức năng sử dụng. Cấu trúc nhà truyền thống thay đổi sang cấu trúc nhà ống, liền kề. Hình thức kiến trúc cũ và mới có sự xa lạ khiến tổng thể đô thị trở nên lộn xộn, làm mất đi tính bản sắc đô thị.
  • Thói quen, sinh hoạt của người dân tại địa phương, dù có thay đổi theo lối sống thời đại mới nhưng vẫn là quá trình chuyển tiếp cần thời gian nhất định, đặc biệt đối với những gia đình sống nhiều thế hệ. Việc người dân khu vực ven đô bán đất và chuyển vào sinh sống tại các khu nhà liền kề hoặc chung cư cũng có rất nhiều vấn đề xã hội xảy ra, khó thích ứng với lối sống đô thị.

Ở tầm vi mô, kiến trúc phản ánh xã hội và con người tại không gian và thời gian nhất định. Bởi vậy, qua quá trình phát triển kinh tế – xã hội, khi nhu cầu của con người biến đối thì văn hóa cũng biến đổi dẫn đến kiến trúc phải đáp ứng theo những yêu cầu mới. Dựa vào việc phân tích các yếu tố hình thành nên khái niệm văn hóa bản địa tại mỗi vùng miền, công việc của thiết kế kiến trúc khi ứng dụng yếu tố bản địa cần nhận diện và đánh giá được đầy đủ giá trị của các yếu tố đó, từ đó chắt lọc và chuyển thể vào ngôn ngữ kiến trúc đề xuất. Không chỉ là các giá trị thẩm mỹ bề ngoài, không chỉ là cấu trúc không gian mà còn phải nghiên cứu sự biến đối thói quen sinh hoạt của chính người sử dụng trong bối cảnh xã hội phát triển và định hướng cho người sử dụng.

Ở tầm vĩ mô, vấn đề bản sắc đô thị được đề cập đến trong nhiều năm gần đây trong những hội thảo quy hoạch và phát triển đô thị tại Việt Nam. Có nhiều định nghĩa nhưng có thể hiểu đơn giản là khái niệm những đặc điểm đặc trưng của môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn tạo lập nên đô thị. Những đặc điểm này giống như “căn cước” của đô thị đó trên thế giới. Khi nói đến Hà Nội là nói đến TP của sông và hồ; nói đến Đà Lạt là nói đến TP cao nguyên mù sương với rừng thông, các loại hoa bạt ngàn; nói đến Huế là nói đến sông Hương núi Ngự,…. Để tạo lập được bản sắc đô thị thì yếu tố kiến trúc khu vực là yếu tố đóng góp quan trọng. Một đô thị núi khu vực Sapa sẽ khác với một đô thị tại đồng bằng sông Hồng. Vậy nhưng, hiện nay, không khó để ta bắt gặp các dự án đô thị – khu dân cư mới được đầu tư xây dựng nhưng vô tình “lãng quên” những yếu tố địa phương, bản sắc địa phương của khu vực mà chạy theo xu thế hình thức và hiệu quả đầu tư.

2. Bám sát các chủ trương của cơ quan nhà nước

Tạo dựng nơi ăn chốn ở bao giờ cũng là nhu cầu quan trọng trong đời sống xã hội. Cho nên Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng đến nội dung này. Ngay từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quên nhắc nhở các nhà kiến trúc: “Trong bốn điểm quan trọng cho dân sinh: Ở và đi lại là hai vấn đề cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy việc kiến trúc là việc rất quan hệ”. Trong các văn bản định hướng của Đảng còn chỉ ra rằng các công trình kiến trúc của ta vừa phải có tính hiện đại vừa có tính dân tộc. Khái niệm dân tộc ở đây tương đồng với tính bản địa.

Gần đây nhất, Chỉ thị 4/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống đã nêu rõ, nhấn mạnh vấn đề bản địa trong thiết kế kiến trúc đương đại là vô cùng quan trọng – “Quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống với nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Nhiều khu cận các đô thị phát triển một cách tự phát. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng chống thiên tai, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa và phát triển”. Bởi vậy nên trong chỉ thị có đưa ra các nhiệm vụ để “Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế”.


Công trình Thư viện khoa học tổng hợp

3. Định hướng tại Hội nghị UAI Bắc Kinh 1999

Trong hiến chương Bắc Kinh 1999 có mục ghi: “Sự thiếu vắng bản sắc địa phương. Nền văn hoá của kiến trúc có được là nhờ sự tích luỹ của từng địa phương trong lịch sử… Về một ý nghĩa nào đó thì đấy chính là linh hồn các TP làng mạc của chúng ta”.

“Tuy nhiên sự toàn cầu hóa công nghệ đã làm cho con người ngày càng tách dời khỏi mảnh đất của họ… Bản sắc địa phương đang phai nhạt dần. Liệu một KTS có thể đóng góp gì để trả lại linh hồn cho các TP vốn đã từng có những nét đặc trưng trong các thế kỷ qua?”

“Việc địa phương hóa kiến trúc hiện đại và hiện đại hóa kiến trúc địa phương là cách tiếp cận chung, cần được mọi người chia sẻ trong tiến trình hướng tới sự thăng hoa của kiến trúc”
Trong đó, có hai quá trình cần định nghĩa: “Bản địa hóa kiến trúc hiện đại” nghĩa là kiến trúc hiện đại được kết tinh bởi các yếu tố bản địa”; và “Hiện đại hóa kiến trúc bản địa” vế này xem như “kiến trúc bản địa” là cái đã có, là những kiến trúc di sản của “địa phương” đó, nay tiếp nối những kiến trúc mới, nó cần được “hiện đại hóa”.


Công trình Nhà văn hóa Suối Rè, Hòa Bình – KTS Hoàng Thúc Hào.
(Nguồn: 1+1>2)

Giải pháp ứng dụng yếu tố bản địa trong thiết kế kiến trúc

1. Kinh nghiệm từ bài học thực tiễn

Trong quá trình phát triển thực tiễn hiện nay của ngành kiến trúc thế giới nói chung sau sự khủng hoảng của chủ nghĩa kiến trúc hiện đại hay phong cách quốc tế hóa (khoảng những năm 1950), việc đánh mất chính bản sắc của mình, bản sắc của khu vực đã dấy lên phong trào khôi phục lại các yếu tố địa phương, những tiếng nói khác biệt trong tư duy thiết kế, từ đó mà hình thành nên trào lưu Hậu hiện đại và Chủ nghĩa khu vực. Tuy nhiên, xét về đúng bản chất, các yếu tố khu vực không quay trở lại điểm xuất phát ban đầu mà đã được chuyển biến thành một ngôn ngữ kiến trúc mới, thể hiện được cả yếu tố khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thời đại mới vừa thể hiện được bản sắc riêng.

Tại Việt Nam, nền kiến trúc cũng đang trong quá trình chuyển mình và thay đổi. Ngay từ thể kỷ 20, khi chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện đại quốc tế, các KTS vẫn đưa vào trong sự đơn điệu, tối giản đó những yếu tố kiến trúc truyền thống Việt Nam. Ví dụ như công trình Thư viện quốc gia xây dựng tại TP HCM năm 1971, nay được biết đến là Thư viện Khoa học tổng hợp của hai KTS Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiên. Dựa vào cấu trúc của nhà truyền thống thường có mái cao cho phép lưu thông gió tự nhiên và hệ hiên rộng, liếp che nắng, nhóm thiết kế đã đưa ra cấu trúc mái treo với ngôn ngữ hiện đại, cấu trúc xà – cột kết hợp hệ che nắng mặt đứng có sử dụng những họa tiết hoa văn truyền thống Việt Nam. Những thiết kế không sao chép từ quốc tế hay truyền thống đã tạo nên một kiểu kiến trúc thích ứng khí hậu nhiệt đới, hay được gọi là kiến trúc hiện đại nhiệt đới (Modern Tropical Style). Đây cũng chính là một biểu hiện của tính bản địa trong thiết kế kiến trúc.

Bước sang thế kỷ 21, ngày càng nhiều KTS và những đơn vị tư vấn thiết kế đặt vấn đề và theo đổi những giá trị truyền thống đó đưa vào ứng dụng trong những sản phẩm thiết kế và được công nhận trên diễn đàn kiến trúc trong nước và quốc tế như KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Võ Trọng Nghĩa, A21 Studio, Yếu tố văn hóa bản địa được bộc lộ qua ý nghĩa của không gian kiến trúc đó đối với cộng đồng khu vực, từ đó hình thành nên công năng phù hợp với phong tục tập quán của người dân. Cấu trúc không gian được hình thành dựa trên cảm hứng từ kiến trúc bản địa, vật liệu địa phương, giải pháp thi công địa phương và đặc biệt là thích ứng khí hậu.

2. Nguyên tắc áp dụng yếu tố văn hóa bản địa trong thiết kế kiến trúc đương đại

  • Nhận diện đúng và đầy đủ giá trị của văn hóa bản địa

Như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính có nói: “Bản sắc kiến trúc chỉ có thể được tạo lập, khi chúng ta làm chủ được những tinh hoa của văn hóa đích thực dân tộc. khi chúng ta nắm vững và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của xã hội và con người đương đại”. Việc nhận diện đúng, đầy đủ mới là điều kiện cần để các KTS có thể phát huy và truyền tải các yếu tố văn hóa bản địa vào thiết kế.

    • Nhận diện phong tục tập quán địa phương, xác định yếu tố tinh thần “nơi chốn” của không gian đô thị và cấu trúc không gian kiến trúc trong các loại hình công trình;
    • Kiến trúc bản địa: Nhận diện các chi tiết kiến trúc, tỉ lệ không gian, tỉ lệ mặt đứng, vật liệu địa phương và kỹ thuật xây dựng địa phương để có thể ứng dụng trong những thiết kế đương đại;
    • Lựa chọn các yếu tố văn hóa bản địa và xác định mức độ áp dụng phù hợp với yêu cầu của mỗi dự án và công trình;
    • Nghiên cứu, bảo tồn và lưu trữ các yếu tố bản địa của thời đại trước là cơ sở dữ liệu cho các thiết kế kiến trúc phát triển về sau.
  • Cộng sinh và gia tăng giá trị cốt lõi cho các yếu tố kiến trúc nguyên mẫu

Công năng và thẩm mỹ của công trình kiến trúc để phục vụ con người. Nhu cầu của con người trong thời đại mới đang thay đổi, các định nghĩa về cái đẹp cũng đang dần khác so với tiêu chuẩn trước đây, nhưng kiến trúc nói chung vẫn phải giải quyết được bài toán nhu cầu chính của con người bao gồm: Sự an toàn và sự tiện nghi của con người.

Các công trình truyền thống, bản địa tại địa phương, với phương thức xây dựng thủ công, mức độ hoàn thiện xét về tiện nghi sử dụng không cao, tính bền vững cũng không cao; để ứng dụng vào các thiết kế đương đại cần sự sáng tạo, giải pháp đột phá có tính chắt lọc của KTS – Đây chính là điều kiện đủ để giải quyết được bài toán ứng dụng văn hóa bản địa trong thiết kế đương đại. Nếu ở kiến trúc truyền thống không đảm bảo được hai yếu tố về nhu cầu cơ bản trên, thì quá trình hiện đại hóa bản địa sẽ đưa ra những giải pháp hoàn thiện những khiếm khuyết, nhược điểm đó cho nhu cầu hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được giá trị của không gian văn hóa kiến trúc tương ứng với loại hình công trình đó đối với đời sống của người dân địa phương. Yếu tố này là một yếu tố quan trọng nhằm thuyết phục các chủ đầu tư hay người sử dụng không gian duy trì và phát huy những giá trị văn hóa đó.

  • Thay đổi quan điểm, góc nhìn thiết kế

Đứng trước một thuật ngữ “văn hóa bản địa”, không phải KTS nào cũng có thể nhận diện và hiểu biết hết đầy đủ khía cạnh của khái niệm trên. Với một cách đặt vấn đề và tư duy luận đúng đắn và phù hợp, kết hợp với các yêu cầu thiết kế của Chủ đầu tư, các nhà tư vấn mới có thể đánh giá và đưa ra giải pháp phù hợp. Việc ứng dụng bản địa trong thiết kế đương đại ta cần hiểu theo nhiều hướng khác nhau và nhiều mức độ áp dụng khác nhau tùy vào tính chất của từng dự án.

Xét về góc độ hữu hình:

    • Ứng dụng ngôn ngữ hình thức kiến trúc công trình truyền thống/ bản địa: Về tỉ lệ mặt đứng, tỉ lệ không gian, hình thái kiến trúc, chi tiết kiến trúc,…;
    • Ứng dụng về vật liệu địa phương trong thiết kế: Màu sắc nhận diện, chất cảm của vật liệu,…;
    • Ứng dụng về kỹ thuật xây dựng và các giải pháp kỹ thuật công trình khác từ công trình bản địa ứng phó với khí hậu địa phương;
    • Ứng dụng các yếu tố bản địa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống trong thiết kế chi tiết, thiết kế nội thất;
    • Ứng dụng các yếu tố bản địa, loại cây địa phương trong thiết kế cảnh quan công trình.

Xét về góc độ vô hình:

    • Nhận diện về bối cảnh đô thị và các công trình lân cận để có giải pháp quy hoạch hoặc quy hoạch tổng mặt bằng ứng xử phù hợp, tôn trọng và không phá vỡ bối cảnh hiện hữu;
    • Nhận diện các thói quen sinh hoạt của cá nhân, tục lệ của cộng đồng để đưa ra giải pháp thiết kế công năng phù hợp, các khoảng không tương tác và tổ chức các hoạt động sinh hoạt đáp ứng được yêu cầu trên;
    • Nhận diện yếu tố liên quan đến quan điểm tâm linh, tôn giáo, các định nghĩa về thẩm mỹ, và triết lý sống của người dân địa phương để truyền tải trong thiết kế chi tiết, trong ngụ ý thiết kế và tổ hợp không gian trong công trình.

Việc hoàn thiện sản phẩm thiết kế còn lại dựa vào sự sáng tạo của các KTS. Chúng ta nên đặt quan điểm kiến trúc đương đại này sẽ là kiến trúc bản địa/ truyền thống của tương lai như bối cảnh các KTS Pháp của thế kỷ trước, cho đến ngày nay phong cách kiến trúc Đông Dương đã trở thành di sản/ kiến trúc bản địa của Việt Nam.

  • Hợp tác cộng đồng trong kiến trúc

Tính bản địa trong văn hóa Việt Nam, được thể hiện rõ ràng nhất trong ứng xử giữa con người với con người. Tính “mở”, tính “cố kết cộng đồng” là những điểm đặc trưng và biểu hiện qua sự ảnh hưởng bởi quan điểm của số đông, của làng xóm đến tư duy, nhận thức và hành vi của cá nhân. Điều đó cũng thể hiện qua việc hình thành cấu trúc nhà dân gian tại các làng xóm vùng nông thôn do kinh nghiệm thi công hoàn thiện dần trở thành hình mẫu chung cho các thế hệ tiếp nối xây dựng theo – Đây là một yếu tố có tính truyền thống. Vậy, việc lan tỏa cộng đồng, kết hợp với cộng đồng là một hướng giải quyết cho phát triển các kiến trúc bản địa trong thời kỳ mới.

Quá trình đô thị hóa diễn biến tại các làng xã vùng ven đô, hình thức lao động thay đổi, con người thay đổi, quan điểm thay đổi và việc lựa chọn hình mẫu nhà ở cũng thay đổi. Việc hình thành các công trình nhà ống của đô thị, những “tòa lâu đài”,… ở các làng xã đã không còn xa lạ và gây ra nhiều xung đột với chính thói quen sử dụng của chủ nhà. Điều này có thể tránh khỏi nếu có những định hướng phát triển đô thị mới nông thôn vùng ven đô, các nghiên cứu mẫu nhà điển hình phát triển từ nhà ở truyền thống nông thôn đáp ứng đời sống hiện đại; các dự án thí điểm làm mô hình mẫu cho người dân tham khảo và học hỏi; từ đó lan tỏa trong đời sống và nâng cao nhận thức của người dân. Điều này cần sự nhận diện và đồng hành của không chỉ KTS, người dân mà còn cả những hỗ trợ định hướng từ chính quyền địa phương và nhà nước để biến giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam được phát huy trong đời sống hiện đại nói chung và trong việc phát triển nền kiến trúc nói riêng.

Kết luận

Bài viết phân tích vai trò của văn hóa bản địa trong việc thiết lập bản sắc kiến trúc Việt Nam và ứng dụng trong đời sống thực tiễn của người dân trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. Từ đó đề xuất những nguyên tắc khi ứng dụng văn hóa bản địa trong thiết kế kiến trúc đương đại được tổng hợp từ những bài học thực tế trong nước và xu hướng ứng dụng tại nước ngoài.

Kiến trúc là ngành nghệ thuật kết hợp kỹ thuật, trong đó yếu tố sáng tạo là yếu tố quyết định trong mỗi tác phẩm – công trình thành công. Yếu tố sáng tạo là yếu tố xuất phát từ cá thể, từ đặc trưng cá nhân của mỗi KTS. Không có một khuôn mẫu nào cho việc ứng dụng văn hóa vào thiết kế, mà điều quan trọng nhất chính là cá thể/ cá nhân KTS phải nhận định và cảm hóa được những yếu tố đó vào trong thiết kế của mình. Bởi vậy, bài viết hy vọng sẽ là một bản tóm tắt và gợi mở về phương diện văn hóa trong kiến trúc đương đại.

TS. KTS. Nguyễn Việt Huy
KTS. Hoàng Thị Cẩm Tú

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2023)

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP