4 sai lầm mà hơn 70% người mua nhà đều mắc phải

Ngày đăng: 21/05/2021

Chia sẻ

Nhất quyết tìm kiếm một ngôi nhà đạt 10/10 tiêu chí mình đề ra dù tốn nhiều năm trời và kiểm tra đầy đủ các bước về pháp lý trước khi đàm phán khiến vuột mất cơ hội là những sai lầm phổ biến mà nhiều người mua nhà đã và đang gặp phải.

Tìm mua nhà đạt 10/10 tiêu chí bằng mọi giá

Anh Thành dành 3 năm để tìm mua nhà, trong thời gian đó anh vẫn ở nhà thuê. Dù anh khá ưng ý một vài căn nhà nhưng vì vẫn còn chưa thật sự hài lòng nên anh quyết định sẽ tiếp tục đi tìm một ngôi nhà hoàn hảo nhất, giá cả hợp lý nhất cho mình. Cuối cùng, chủ nhà mà anh đang thuê đột ngột thông báo muốn bán nhà nên cho anh một tháng để tìm chỗ ở mới. Nhà mới không thể mua kịp, nhà thuê cũng khó tìm nên anh phải chấp nhận mất thêm nhiều chi phí vận chuyển và thuê tạm một phòng trọ khác đắt hơn để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Lúc đó anh mới thấy tiếc những ngôi nhà trước đó mình đã bỏ qua mà giờ đã tăng giá chóng mặt.

Bất động sản là tài sản có giá trị lớn nên tâm lý người mua luôn chọn lựa rất kỹ càng. Tuy nhiên, khi thị trường có nhiều biến động, giá không ngừng tăng lên, người mua không nên quá chần chừ nếu chọn được một ngôi nhà tương đối ưng ý, thuộc khu vực thuận lợi, không phải sửa chữa quá nhiều và mức giá chấp nhận được. 

Vuột mất cơ hội mua nhà vì tâm lý “chậm mà chắc”

Bị vuột mất cơ hội trong khi đang tìm hiểu pháp lý là điều nhiều người mua nhà đã gặp phải. Tâm lý “chậm mà chắc” lúc này có đúng?

Người mua nhà đất không thể bỏ qua các bước kiểm tra tính pháp lý như kiểm tra thông tin trên giấy chứng nhận, kiểm tra thông tin trực tuyến, hỏi cán bộ tại phòng quản lý đô thị quận/huyện, xin văn bản trả lời về chứng chỉ quy hoạch… Để thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra pháp lý trên nhằm đảm bảo 100% mức độ yên tâm sẽ tốn khá nhiều thời gian. Giải pháp để không muốn bị vuột mất cơ hội nhưng vẫn đảm bảo giao dịch an toàn, không gặp những vướng mắc về sau là người mua có thể tiến hành kiểm tra nhanh trên giấy chứng nhận và kiểm tra trực tuyến. Bước tiếp theo là đặt cọc cho người bán, kèm theo những điều khoản ràng buộc liên quan đến việc kiểm tra thông tin quy hoạch, hoặc đề nghị người bán hợp tác cùng xin chứng chỉ quy hoạch. Nếu kết quả không giống như thỏa thuận thì người bán phải trả lại tiền đặt cọc, còn nếu không có vấn đề phát sinh thì giao dịch sẽ tiếp tục diễn ra.

Không xem đến 10 căn nhà

Cho rằng xem đến 10 căn nhà sẽ tốn thời gian mà không thật sự cần thiết là một sai lầm của rất nhiều người mua nhà. Một trong những quy tắc khi mua nhà là quy tắc kết nối. Người mua nhà nên đi xem tối thiểu 10 căn nhà để lựa chọn và đưa ra quyết định. Càng mất công sức đi tìm hiểu và xem xét càng nhiều thì người mua càng có thêm dữ liệu để so sánh, đánh giá ngôi nhà nào là phù hợp và mức giá có quá chênh lệch so với thị trường hay không. Khi đó, cơ hội mua được ngôi nhà tốt sẽ càng nhiều hơn. 

Tần suất đi xem nhà của người mua để ở cũng nên cao hơn so với người mua để đầu tư do nhà để ở là nơi sinh sống ổn định lâu dài.

Kỳ vọng thương lượng giảm giá thêm vào phút chót 

Sau khi kiểm tra kỹ pháp lý ngôi nhà và thống nhất về giá cả, hai bên đi đến bước ký hợp đồng mua bán. Ở bước này, nhiều người mua kỳ vọng có thể tiếp tục thương lượng để giám giá thêm vì cho rằng người bán sẽ “xuống nước” cắt thêm một khoản vì không muốn mất thời gian và công sức rao bán lần nữa. Tuy nhiên khả năng này không dễ xảy ra. Thực tế đã có nhiều giao dịch không thể thành công do những bất đồng xảy ra ở bước này. 

Khi mua nhà, sau khi khảo sát và xem kỹ chất lượng công trình, tính pháp lý, phong thủy… nếu thấy công việc sửa chữa tốn nhiều chi phí và có nhiều điểm chưa hài lòng thì người mua có thể thương lượng giảm giá ngay với người bán để giao dịch được thuận lợi và nhanh chóng hơn trong những bước sau. 

Khánh Trang
Theo batdongsan.com.vn

Tặng quảng cáo FB 1 triệu
Đặc sản biển 468
TOP