Trong tương lai không xa, các loại gạch xây làm từ chất thải tái chế và vật liệu sinh học như gạch than xanh, gạch Gỗ sồi, gạch nấm hay gạch K-Briq… có thể dùng thay thế gạch nung truyền thống và đóng một vai trò lớn hơn trong ngành xây dựng.
Gạch xây làm từ chất thải tái chế và vật liệu sinh học, có thể dùng thay thế gạch nung truyền thống, hứa hẹn sẽ là tương lai của ngành xây dựng
Ngày nay, xu hướng phổ biến đang được ngành xây dựng trên thế giới và trong nước lựa chọn là sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường bằng nguyên liệu mới, công nghệ mới.
Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất vật liệu xây dựng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường qua việc tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn khai thác nguyên liệu đến khâu xử lý và sản xuất các vật liệu thành phẩm.
Trên thực tế, những loại vật liệu xây dựng truyền thống như sắt thép, xi măng, gạch nung, kính… đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng cho quá trình sản xuất và đồng thời cũng phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt.
Vì vậy, việc sử dụng vật liệu xanh trong các công trình mang đến rất nhiều lợi ích như tiêu tốn ít tài nguyên sản xuất hơn, có thể sử dụng tái chế giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội… quan trọng hơn cả góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.
Hiện nay, bên cạnh các nguyên liệu truyền thống, rác thải cũng được ứng dụng nhằm tạo ra các loại gạch xây dựng sạch, với mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trong quá trình xây dựng công trình. Thay vì được nung trong các lò chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở nhiệt độ cao, các loại gạch sinh thái được sản xuất trong điều kiện nhiệt độ thông thường.
Việc sử dụng vật liệu xanh trong các công trình mang đến rất nhiều lợi ích như tiêu tốn ít tài nguyên sản xuất hơn, có thể sử dụng tái chế
Dưới đây là 5 loại gạch xây làm từ chất thải tái chế và vật liệu sinh học, có thể dùng thay thế gạch nung truyền thống, hứa hẹn sẽ là tương lai của ngành xây dựng.
1. Gạch than xanh
Những viên gạch bê tông này được từ nguyên liệu chính là đất, than củi và xơ mướp, tạo ra các túi khí và giúp giảm lượng xi măng cần thiết trong quá trình sản xuất.
Gạch than xanh
Theo đó, gạch than xanh có độ xốp cao hơn tới 20 lần so với gạch thông thường, thúc đẩy đa dạng sinh học bằng cách tạo không gian cho thực vật.
2. Gạch nấm
Một trong những thử nghiệm đầu tiên về việc sử dụng sợi nấm tạo ra gạch xây dựng đã được ứng dụng thành công. Theo đó, quy trình sản xuất này liên quan đến việc đặt lõi ngô phế thải từ nông nghiệp vào trong khuôn và khuyến khích sợi nấm phát triển xung quanh cốt liệu này, giúp kết dính gạch một cách hiệu quả.
Gạch nấm
Vật liệu này không chỉ hoàn toàn tự nhiên, có thể phân hủy sinh học, mà nó còn làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Trong xây dựng, sợi nấm cũng đang được sử dụng như một vật liệu cách nhiệt và chống cháy cho các tòa nhà có thể giúp cô lập carbon trong khi có thể phân hủy sinh học.
Tùy thuộc vào chủng sợi nấm và chất nền được sử dụng, sản phẩm cuối cùng có thể được đúc để sản xuất tấm cách nhiệt, đồ nội thất và thậm chí cả gạch với các đặc tính cách nhiệt và âm thanh tốt.
3. Gạch gỗ sồi
Gạch gỗ sồi được thiết kế để có thể lồng vào nhau, xếp chồng lên nhau như các khối Lego mà không cần vữa hoặc keo dán trong xây dựng công trình.
Những viên gạch có thể được sử dụng để tạo ra các cấu trúc dễ dàng tháo rời, tái chế và tái sử dụng, cũng như giảm thiểu một lượng lớn CO2 được cô lập bởi cây sồi bần, từ đó tạo ra vật liệu.
4. Gạch không nung K-Briq
Gạch K-Briq được sản xuất từ các phế liệu xây dựng bao gồm gạch, sỏi, cát và thạch cao được nghiền nát, trộn với nước, chất kết dính. Sau đó, tất cả được ép vào khuôn. Ngoài ra, gạch K-Briq còn được bổ sung chất màu có thể tái chế nên rất đa dạng về màu sắc, giá thành tương đương gạch thông thường, song độ bền và cách nhiệt tốt hơn.
Vì loại gạch này không cần nung nên trong quá trình sản xuất, nó cần ít năng lượng hơn 90% so với gạch truyền thống và cuối cùng thải ra ít hơn chỉ với 1/10 lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
5. Gạch cacbon thấp
Loại gạch này được làm từ 63% rác thải tái chế. Những vật liệu tái chế này được trộn với cát lommelzand, được liên kết với nhau bằng vôi thủy lực và canxi cacbonat nghiền.
Trong quá trình sản xuất, các viên gạch được xử lý trong môi trường ẩm ướt trong hai tuần và sau đó để khô tự nhiên thay vì nung, giúp giảm đáng kể lượng năng lượng cần thiết để sản xuất chúng. Thay vào đó, vật liệu này có được độ bền thông qua một quá trình được gọi là cacbonat hóa khoáng chất.
Thiên An
Theo Cafeland