Ngành xi măng đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò…
Đó là nhận định của ông Đinh Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra ngày 24/4.
Vicem Hà Tiên tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), từ năm 2022 đến nay, sản lượng tiêu thụ Xi măng liên tục sụt giảm khiến cho các doanh nghiệp sản xuất Xi măng gặp khó.
Hiện cả nước có 61 nhà máy sản xuất Xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn Xi măng/năm nhưng tiêu thụ Xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ Xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.
Tổng sản phẩm Xi măng và clinker tiêu thụ năm 2023 giảm 11.9 % so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ Xi măng nội địa chỉ bằng 84% năm 2022, dẫn tới việc cạnh tranh trên thị trường Xi măng nội địa vô cùng khốc liệt.
Lãnh đạo Vicem Hà Tiên cho biết, tiêu thụ sụt giảm làm tồn kho tăng cao, khiến một số nhà máy, dây chuyền phải giảm năng suất hoặc dừng sản xuất.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thị trường Bất động sản, xây dựng trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình, dự án chậm triển khai, phải hoãn, giãn tiến độ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm, tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam Bộ, điều này dẫn đến nhu cầu Xi măng trong nước sụt giảm mạnh.
Xuất khẩu Xi măng, clinker gặp khó, giá giảm sâu do giảm nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Bangladesh, phải cạnh tranh với nguồn cung dư thừa tại Trung Đông, Đông Nam Á và do chính sách bảo hộ sản xuất của chính phủ Philippines.
Nhận định về năm 2024, lãnh đạo Vicem Hà Tiên cho rằng vẫn còn rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới. Thị trường Bất động sản dự báo sẽ phục hồi nhưng chưa thể sôi động trở lại, nhu cầu Xi măng trong nước khó tăng trưởng cao do việc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương còn chậm.
Các khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng... cần có thời gian để tháo gỡ, xử lý. Giá điện trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
“Đây là thời điểm khó khăn đối với ngành Xi măng Việt Nam và Vicem Hà Tiên. Để vượt qua những khó khăn này đòi hỏi chúng ta cần phải có những giải pháp quyết liệt, chủ động, linh hoạt; cần có sự đồng cảm, đồng hành, hợp tác của các cổ đông, khách hàng và đối tác”, Chủ tịch Vicem Hà Tiên chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, Vicem Hà Tiên cho biết đã phải cân đối sản xuất và tiêu thụ để giảm lượng tồn kho (giảm năng suất lò nung clinker, dừng lò 1 Kiên Lương từ 27/6/2023); nghiên cứu, triển khai phương án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mới Xi măng Power Cement...
Theo đó, sản lượng sản xuất clinker năm 2023 đạt 3,81 triệu tấn, giảm 15,8% so với cùng kỳ. Sản xuất Xi măng (bao gồm thuê gia công) đạt 5,39 triệu tấn, giảm 19,2% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 5,8 triệu tấn, bằng 88% kế hoạch, giảm 19% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu của Vicem Hà Tiên đạt 7.055 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở đạt 17,7 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong thập niên qua của doanh nghiệp (từ năm 2014).
Năm nay, nhà sản xuất Xi măng này đặt mục tiêu tổng doanh thu giảm nhẹ 0,3% về 7.032 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên 23,2 tỷ đồng.
Về công tác đầu tư xây dựng, Vicem Hà Tiên sẽ tập trung triển khai, hoàn thiện các dự án mỏ nguyên liệu; các dự án tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện. Đồng thời, phấn đấu đưa dự án đường BOT Phú Hữu vào khai thác, thu phí.
Thúy Hà
Theo Thanhnienviet