Giá thép tăng cao, cộng với nhu cầu lớn của thị trường đã mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp thép trong quý 1/2021.
Đua nhau báo lãi
Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố kết quả kinh doanh, cho biết sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 đạt hơn 214 ngàn tấn, doanh thu thuần ước đạt hơn 4.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 500 tỉ đồng.
Lũy kế từ tháng 1-3/2021, Hoa Sen đạt 10.841 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 834 tỉ đồng, tăng lần lượt 88% và 315% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Thép Tiến Lên cũng vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 1 với doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 979 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 120 tỉ đồng. Mặc dù doanh thu chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại tăng gấp hơn 30 lần so với cùng kỳ và cũng là mức lợi nhuận trong một quý cao nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận từ quý 4/2016. Kết quả, Thép Tiến Lên đã thực hiện được 48% chỉ tiêu lợi nhuận 2021 đặt ra.
Công ty Thép Mê Lin (MEL) cũng thông báo kết quả kinh doanh với doanh thu thuần đạt 117,3 tỉ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí giảm mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế của hãng thép này đạt 15,5 tỉ đồng, tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được từ trước đến nay.
Nhờ giá thép tăng cùng lượng tiêu thụ thụ đã giúp Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đạt mức doanh thu trên 3.000 tỉ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỉ đồng, hơn gấp 9 lần so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất trong 3 năm qua của doanh nghiệp.
Thép Nam Kim cũng công bố doanh thu quý 1/2021 đạt hơn 4.852 tỉ đồng, tăng 97,8%; lãi sau thuế gần 319 tỉ đồng, cao gấp gần 7,7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 16.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỉ đồng; lần lượt tăng 38% và 200% so với năm 2020.
Như vậy, trong ba tháng đầu năm, công ty này lần lượt thực hiện được hơn 30% kế hoạch doanh thu và hơn 53% kế hoạch lợi nhuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức mới đây, Tập đoàn Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu đạt 31.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 59% và 200% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục tập đoàn ghi nhận được trong một quý kinh doanh trong suốt gần 30 năm qua.
Trong quý đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với quý 1/2020.
Năm 2021, Hòa Phát đặt kế hoạch 120.000 tỉ đồng doanh thu và 18.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy trong ba tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã đạt 25,8% kế hoạch doanh thu và 38,8% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Doanh nghiệp xây dựng gặp khó
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định giá thép xây dựng tăng đột biến thời gian qua là do giá các loại nguyên liệu sản xuất thép tăng cao trên thị trường toàn cầu đẩy giá thép thành phẩm tăng cao.
Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. VSA cũng nhận định, giá thép có thể sẽ tăng đến hết quý 3 năm nay.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng trong nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận hàng loạt", phá sản vì giá thép liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay, nhất là tăng đột biến từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Hiện giá bán mỗi tấn thép xây dựng đã tăng 30-40% so với cuối năm 2020.
VACC cho biết, mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép chiếm 10-30% tổng giá trị dự án. Vì thế, biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu các dự án vì thế bị co lại.
Mới đây, VACC cũng đã đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân giá thép tăng, giúp các doanh nghiệp xây dựng tồn tại được, tránh những tổn thất không đáng có.
Châu An
Theo Cafeland