Thắng lớn 2020, ngành thép Việt sẽ ra sao trong năm 2021?

Ngày đăng: 21/05/2021

Chia sẻ

Bất chấp những tác động của đại dịch vào nền kinh tế thế giới, ngành thép Việt trong năm 2020 đã có cú bứt phá ngoạn mục khi liên tục báo lãi, tăng giá vật liệu. Những con số không nói dối về chiến thắng của ngành thép Việt, trong bối cảnh thị trường thép thế giới lộ rõ sự “hụt hơi”.

Bức tranh thị trường

Năm 2020, Hòa Phát lọt vào top 50 công ty thép lớn nhất thế giới và báo lãi ròng 13 nghìn tỷ. Con số này sau khi kết thúc quý 1/2021 là 7 nghìn tỷ. “Ông lớn” ngành thép Việt đang thể hiện sự sung sức trên đường đua và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ Hòa Phát, hàng loạt thương hiệu lớn trên thị trường thép nội địa cũng báo lãi, thể hiện một năm đầy lạc quan của toàn thị trường Việt Nam, bất chấp những tác động từ đại dịch. Gang Thép Thái Nguyên, Nam Kim, Hoa Sen… dù ít hay nhiều cũng có thể nở nụ cười.

Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, kết thúc năm 2020, Gang Thép Thái Nguyên lãi 18,2 tỷ sau thuế. Kết thúc quý 1/2021, lợi nhuận của công ty này tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ 2020, đạt 44,3 tỷ đồng sau thuế. Mức lãi này là cao nhất lịch sử của Gang Thép Thái Nguyên.

Trong khi đó, Tập đoàn Hoa Sen kết thúc năm 2020 với hơn 1 nghìn tỷ đồng tiền lãi, tăng gấp 3 lần năm 2019. Quý 1/2021, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen là hơn 500 tỉ đồng.

Trái ngược với sự khởi sắc của thị trường thép Việt Nam, bức tranh thị trường thép quốc tế mang một gam màu buồn, khi có sự sụt giảm nhẹ từ cuối năm 2019. Các báo cáo của Worldsteel và Hellenicshippingnews cho thấy, sản lượng tiêu thụ thép toàn cầu năm 2020 giảm 1%, nhưng nếu loại trừ Trung Quốc thì sản lượng thép thế giới năm qua giảm 8%.

Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về nhu cầu sử dụng thép. Các dự đoán thị trường cho thấy, nhu cầu thép thế giới năm 2021 sẽ phục hồi. Lượng tiêu thụ sẽ tăng lên 1,72 triệu tấn, so với 1,65 triệu tấn của năm 2020. Tuy nhiên, theo dự đoán, mức tiêu thụ của năm 2021 vẫn thấp hơn khoảng 3% so với năm 2019.

Bức tranh thị trường thép năm 2020 với hai gam màu trái ngược ấy không thể hiện sự thành công nhất thời của các thương hiệu nội địa Việt Nam như Hòa Phát, Gang Thép Thái Nguyên hay Hoa Sen… Những nhà quan sát thị trường cho rằng, thành công của các thương hiệu thép Việt mang tính lâu dài và nhất quán.

Lợi thế từ “sân nhà”

Hưởng lợi từ chính sách và việc Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch chính là hai nguyên nhân chính làm nên “chiến thắng” của các thương hiệu thép Việt. Chính ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, trong một lần chia sẻ với báo chí cũng nhìn nhận rằng, Hòa Phát hưởng lợi rất nhiều từ chính sách.

Từ góc độ thị trường và tài chính, ông Trương Đắc Nguyên, chuyên viên phân tích tài chính của công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng, ngoài yếu tố Việt Nam phần nào duy trì được ngành xây dựng và sản xuất ô tô (hai ngành tác động rất nhiều đến thị trường thép nhờ làm tốt hơn toàn cầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, thì thành công của thép Việt còn đến từ việc chính phủ quyết liệt giải nhân vốn đầu tư công.

“Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc khai thông thế tắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đây cũng là một giải pháp bơm tiền để thúc đẩy kinh tế giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid 19. Và thực tế đã giải ngân ngông ngân sách tăng 34.5% trong năm 2020, mức cao nhất trong mấy năm gần đây, giúp các doanh nghiệp ngành xây dựng (hạ tầng, công trình...), ngành sản xuất công nghiệp và ngành vật liệu xây dựng như thép được hưởng lợi.” – ông Trương Đắc Nguyên phân tích.

Ngoài ra, còn là cuộc chiến bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu thép đến từ Trung Quốc, khiến các nhà sản xuất thép trong nước phải sử dụng thép phế nhiều hơn và phải duy trì mức xả thải thấp. Điều này khiến sản xuất thép ở Trung Quốc khó hơn, thép Việt Nam nắm bắt được cơ hội này nhận được nhiều đơn hàng từ ASEAN, Mỹ và xuất sang chính Trung Quốc.

Việc Trung Quốc thay đổi vị thế, từ nước sản xuất thành nước tiêu thụ khiến thép Việt Nam sáng cửa đẩy mạnh việc bán hàng, xuất khẩu hàng vào thị trường tỉ dân.

Trong khi đó, sự bùng nổ đến từ Hòa Phát và thị trường thép Việt không hẳn là nhất thời, dù các yếu tố từ tình hình chung của thế giới đã tác động tích cực lên thị trường thép Việt.

“Dẫn chứng từ Hòa Phát. Rõ ràng không có công ty thép nào có sự bùng nổ như Hoà Phát trong 2020 – 2021. Hoà Phát với dự án mới, quy mô khổng lồ 60.000 tỷ là Nhà máy Dung Quất, to vậy nhưng vận hành rất hiệu quả, ngay lập tức tăng được sản lượng thép thô của Hoà Phát lên 5.8 triệu tấn năm 2020, gấp đôi năm trước. Hiệu quả vậy là nhờ đội ngũ, nhờ bộ máy tổ chức của Hoà Phát đã hiệu quả rồi, điều đó thì không nhất thời.” – ông Nguyên đánh giá thêm.

Thừa thắng xông lên hay chuyển hướng?

Thành công của năm 2020 khiến thị trường thép Việt có những tín hiệu lạc quan trong năm 2021.

Năm 2021, thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 16.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỉ đồng; lần lượt tăng 38% và 200% so với năm 2020. Trong khi, Hòa Phát đặt kế hoạch 120.000 tỉ đồng doanh thu và 18.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Và chỉ trong quý 1/2021, Hòa Phát đã gần như hoàn thành 1/3 chặng đường cả năm, đạt 25,8% kế hoạch doanh thu và 38,8% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.

Việc lãi lớn và giá thép, vật liệu xây dựng tăng cao khiến các ông lớn ngành thép rục rịch lấn sân sang các mảng mới, ngành mới. Kỳ thực, việc “đá thêm sân” này không lạ, khi bản thân các thương hiệu như Hoa Sen hay Hòa Phát từ lâu đã phát triển mình thành tập đoàn đa ngành.

Việc Hòa Phát chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản như ông Trần Đình Long từng phát biểu trước báo chí không gây bất ngờ. Thậm chí, nhiều người tin Hòa Phát sẽ làm tốt trong vai trò mới. Bởi, tập đoàn này vẫn đang sở hữu Nội Thất Hoà Phát chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực nội thất văn phòng, trong khi Nông nghiệp Hoà Phát tuy không rầm rộ quảng cáo nhưng cũng đang đứng đầu cả nước về sản lượng Bò Úc, sản lượng heo an toàn sinh học, trứng gà sạch cũng thuộc top đầu.

Việc chuyển hướng sang bất động sản tưởng chừng không liên quan lại rất liên quan bởi xây dựng và bất động sản có sự tương hỗ. Hơn nữa, các doanh nghiệp thép sẽ tận dụng rất tốt lợi thế nguyên vật liệu của mình, so với các doanh nghiệp xây dựng đang khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao. “Tôi cho rằng, đây là kinh doanh tích hợp chứ không hẳn chuyển hướng của doanh nghiệp thép. Ví dụ, Hoà Phát đã thành công 2 dự án bất động sản thương hiệu Mandarin Garden từ lâu rồi, hiện cũng đang có dự án bất động sản khu công nghiệp đang chạy rất tốt.” – ông Nguyên nhận định.

Liên Thượng
Theo Cafeland

TOP