Vicem xử lý nút thắt trong sản xuất xi măng

Ngày đăng: 06/06/2022

Chia sẻ

Trước những thách thức do biến động nguyên nhiên liệu đầu vào và cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu, hoạt động sửa chữa, xử lý nút thắt lò nung trong dây chuyền sản xuất xi măng của Vicem đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Tiêu thụ chậm, giá bán xi măng tăng, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, thiếu than cho sản xuất là điểm nhấn trong bức tranh chung của thị trường xi măng từ đầu năm 2022.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, giá bán xi măng trong nước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với quý 4.2021. Cụ thể, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng phi mã là nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất ngành xi măng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tăng hiệu quả sản xuất, giảm áp lực chi phí

Chi phí sản xuất tăng cao buộc các doanh nghiệp xi măng phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm cắt giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, gia tăng hiệu quả sản xuất, ổn định kinh doanh.


Hoạt động sửa chữa, xử lý nút thắt lò nung tại nhà máy xi măng Vicem Hoàng Mai

Đơn cử, từ năm 2019 đến nay, các đơn vị thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam - VICEM (Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hạ Long, Vicem Tam Điệp, Vicem Hà Tiên) đã tiến hành sửa chữa, cải tạo 8 nút thắt trong hoạt động sản xuất xi măng. Theo đó, mục tiêu của các doanh nghiệp này là nâng cao năng suất, giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng được than có nhiệt trị thấp cho sản xuất xi măng.

Trong bối cảnh ngành sản xuất xi măng đang gặp nhiều áp lực về nguyên liệu đầu vào, dư cung và cạnh tranh ngày càng gay gắt, đến nay hoạt động sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt của Vicem đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Mới đây, Vicem Hoàng Mai vừa hoàn thành công tác sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt công đoạn lò nung clinker tại dây chuyền sản xuất. Theo đó, hoạt động đầu tư sửa chữa này đã giúp doanh nghiệp này tăng năng suất lò nung lên khoảng 300 tấn clinker/ngày so với trước cải tạo, tăng 600 tấn clinker/ngày so với năng suất thiết kế. Ngoài ra, còn giúp giảm tiêu hao nhiệt cho sản xuất clinker khoảng 45 kcal/kg, giảm tiêu hao điện trên 2 kWh/tấn clinker. Sử dụng hiệu quả than có phẩm cấp thấp, đặc biệt trong thời điểm khó khăn về nguồn cung than hiện nay.

Về mặt kinh tế, việc tự thực hiện sửa chữa, cải tạo đã giúp Vicem Hoàng Mai giảm được khoảng 50 tỉ đồng/năm. Trong đó, bao gồm 20 tỉ đồng chi phí thuê chuyên gia nước ngoài. Chi phí sửa chữa hàng năm tại tháp trao đổi nhiệt và ghi lạnh khoảng 1,5 tỉ đồng. Tăng năng suất so với trước cải tạo, mang lại hiệu quả khoảng 8,8 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, tiết kiệm chi phí nhờ giảm tiêu hao than và điện cho sản xuất khoảng 46,9 tỉ đồng/năm.

Có thể thấy, kết quả chương trình đã góp phần tiết giảm tiêu hao nhiệt, ổn định chất lượng, góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị để góp phần giảm tiêu hao điện năng.

Đặc biệt, sau quá trình sửa chữa, cải tạo, hệ thống lò nung của các nhà máy xi măng Vicem có thể sử dụng được than có nhiệt trị thấp, phù hợp với bối cảnh nguồn cung có chất lượng cao đang ngày càng khan hiếm, giá cả càng ngày càng leo thang như hiện nay.

Với chi phí thực hiện thấp hơn nhiều so với suất đầu tư các nhà máy, dây chuyền mới, các kết quả về tăng năng lực sản xuất và giảm chi phí giá thành đã đạt được ở các doanh nghiệp của Vicem đã góp phần sử dụng hiệu quả vốn nhà nước.

Thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng cần tiếp tục nghiên cứu sửa chữa cải tạo các thiết bị liên quan để sử dụng than phẩm cấp thấp, đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, đốt rác thải, triệt để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Đây được xem là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh áp lực chi phí sản xuất tăng cao, cạnh tranh giữa các thương hiệu gay gắt như hiện nay.

Xi măng tiếp tục tăng giá

Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa và xuất khẩu của cả nước trong tháng 5 vừa qua đạt 9,27 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,97 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn.


Do ảnh hưởng của chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán xi măng trong tháng 5

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất xi măng như xăng dầu, than... nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán xi măng ra thị trường khiến giá bán xi măng trong tháng 5 tăng mạnh.

Theo đó, giá bán xi măng trong giai đoạn này tăng khoảng 40.000-80.000 đồng/tấn, tùy từng loại sản phẩm và thương hiệu.

Cụ thể, từ ngày 10.5, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn. Tương tự Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 80.000 đồng/tấn đối với tất cả loại.

Ngày 12-20.5, liên tiếp các công ty xi măng như Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn, cũng thông báo tăng giá bán 40.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Được biết, đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 2 của các doanh nghiệp xi măng nhằm đảm bảo cân bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh vì chi phí đầu vào đang tăng cao và nhanh. Trong đợt điều chỉnh tăng giá trước đó, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã điều chỉnh tăng giá bán với mức tăng 100.000-150.000 đồng/tấn sản phẩm.

Giá xăng từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng mạnh. Đồng thời, giá than đá cũng tăng nhanh. Đây là 2 nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Theo Chứng khoán VnDirect, có đến gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng trong nước phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.

Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.

Hữu Việt
Theo cafeland

TOP