LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA LỊCH ÂM DƯƠNG

Ngày đăng: 06/02/2023

Chia sẻ

Từ xưa đến nay chúng ta hay bị nhầm lẫn rằng người nào sinh ra sau ngày mồng 1 Tết, thời điểm giao thừa thì mới được xem là sinh vào năm mới còn nếu sinh vào trước thời khắc 0h ngày mồng 1 Tết Âm Lịch thì bị xem là tuổi thuộc năm cũ. Kỳ thực thì đây chỉ là tính theo lịch Mặt Trăng mà người Trung Hoa quen gọi là Âm Lịch. Vì vốn dĩ dân gian quen dùng lịch mặt trăng tính nhẩm dựa trên ngày trăng non và trăng tròn bằng cách nhìn lên bầu trời và xem thời điểm trăng tròn, trăng khuyết lưỡi liềm…

Mặt trăng thì vốn rất dễ quan sát và ai cũng có thể nhẩm tính được ngày và tháng theo Âm Lịch. Tuy nhiên, dùng Âm Lịch có điểm bất lợi rất lớn đó là một tháng tính theo mặt trăng chỉ có 28 ngày Âm Lịch được tính thời gian theo mặt trăng nên cách tính khác với Dương Lịch. Một tháng mặt trăng trung bình chỉ có 29,5 ngày và một năm Âm Lịch có 354 ngày, ngắn hơn năm dương lịch 11 ngày. Do đó, cứ 3 năm lại ngắn hơn 33 ngày. Vậy nên, để thời gian Âm Lịch không sai lệch nhiều với thời tiết 4 mùa, mà cứ 3 năm Âm Lịch người ta phải cho thêm một tháng nhuận để khoảng cách giữa Âm Lịch và Dương Lịch được rút ngắn lại.  

Riêng để xét về việc chọn thời điểm làm nông nghiệp, trồng trọt thì bắt buộc phải xem 4 mùa, thời tiết, ảnh hưởng của mặt trời do thời điểm sinh trưởng của cây cối hoàn toàn phụ thuộc rất lớn vào sự quang hợp nên mùa màng phải được tính chính xác theo mặt trời. Vì vậy, từ ngày xưa đã tồn tại song song 1 bộ lịch cũng do các Hoàng Đế Trung Hoa cho in ấn và phát hành cho dân chúng. Bộ lịch này do các chiêm tinh gia quan sát quỹ đạo của mặt trời và các hành tinh trong thái dương hệ ảnh hưởng đến trái đất để soạn ra và tương truyền đã được nhà Hạ in ra lần đầu tiên từ thế kỷ 21 TCN. Bộ lịch này chia thời gian trong 1 năm ra làm 24 Tiết Khí, mỗi tiết khí bao gồm 15 ngày, và tiết Lập Xuân được xem là thời điểm bắt đầu của 1 năm mới. Tiết Lập Xuân mỗi năm thường vào ngày 4 hoặc 5/2 Tây Lịch. 

Con người vốn dĩ là sinh vật cũng sinh sống trên mặt đất, chịu đầy đủ tác động của ngũ hành âm dương do đó cũng không thể tránh khỏi phải chịu sự chi phối của 4 mùa, cân bằng thời tiết của vũ trụ. Vì vậy, từ ngày xưa, để tính toán vận mệnh, phong thuỷ, …thì đa phần các môn học văn hoá phương Đông đều thống nhất sử dụng ngày Lập Xuân theo lịch Tiết Khí để tính ngày đầu năm mới chứ không sử dụng mốc thời điểm giao thừa theo Âm Lịch Mặt Trăng. Cho đến ngày nay, chỉ còn rất ít các môn học theo văn hoá cổ phương Đông là sử dụng Âm Lịch, trong đó, có Tử Vi Đẩu Số. Vì lẽ đó, chúng tôi muốn giải thích rõ để bạn đọc yêu thích tìm hiểu về văn hoá cổ phương Đông được rõ ràng tường tận. Đây cũng là sai lầm rất phổ biến của người mới nghiên cứu bộ môn Bát Tự Tứ Trụ hay Phong Thuỷ, Kinh Dịch, Kỳ Môn,… 

Chẳng hạn, một người sinh vào ngày 4/2/2018 được xem là có năm sinh là Mậu Tuất và phải được tính là năm sinh Mậu Tuất thì các tính toán Phong Thuỷ, hướng nhà cũng như dự đoán vận mệnh mới chính xác. Còn nếu xét theo Âm Lịch thì ngày 4/2/2018 mới chỉ là ngày 19 tháng Chạp Âm Lịch và phải đến ngày 16/2/2018 mới được tính là mồng 1 Tết. Vậy thì những người sinh từ ngày 4/2 đến ngày 16/2 đúng ra đều phải được ghi rõ là năm sinh Mậu Tuất nhưng nếu người học không nắm chính xác mà lại chỉ tính theo Âm Lịch thì sẽ nhầm lẫn cho rằng những người này đều là sinh năm Đinh Dậu. Nhầm lẫn này rất nguy hiểm và tai hại! 

Do đó, chúng tôi mong bạn đọc chú ý kiểm tra xem ngày sinh của mình so với mốc thời gian Lập Xuân xem mình thật sự sinh vào năm nào nhé. Lưu ý rằng, sự khác biệt này chủ yếu ảnh hưởng đến bạn đọc sinh vào tháng 1 - 2 Dương Lịch, chứ hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến người sinh từ tháng 3 - tháng 12 Dương Lịch mỗi năm.

Một vài chia sẻ,
Nguyễn Thành Phương
____________o0o_____________ 
𝐇𝐨̣𝐜 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐏𝐡𝐨𝐧𝐠 𝐓𝐡𝐮𝐲̉ 𝐓𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐌𝐢𝐧𝐡 
A4, đường D7, p. Phước Long B, Quận 9, Tp. Thủ Đức
0981 229 461 
lienhe.tmfs@gmail.com 
TOP