Mất vì đại dịch, nên ứng xử với hũ tro cốt như thế nào?

Ngày đăng: 31/08/2021

Chia sẻ
Trong đại dịch Covid thì rất nhiều người không may đã ra đi vì dịch bệnh và đều bắt buộc phải đem thiêu, hoả táng.

⁉⁉ Vậy thì câu hỏi được đặt ra rất lớn là nên ứng xử với hũ tro cốt như thế nào? Và kiến thức phong thuỷ giúp ích gì trong hoàn cảnh này.

Rất nhiều người đặt câu hỏi này với chúng tôi, những người chuyên phụ trách phong thuỷ mộ phần, âm trạch.

Thông qua bài viết này, tôi muốn hướng dẫn để mọi người hiểu được tầm quan trọng của quy hoạch tính toán hũ tro cốt trong phong thuỷ.

1. Hũ tro cốt nên được thờ cúng thay vì rải ra biển

Các bạn có để ý thấy người Ấn Độ rất thích thiêu và rải tro cốt trên sông Hằng? Tro cốt của người đã mất mang theo DNA của họ, mà trong ngôn ngữ Đạo Giáo gọi là có Tinh Khí Thần.

Khi rải tro cốt xuống sông Hằng và cuốn trôi mọi thứ ra biển thì dẫn đến việc con cháu của họ về sau quên mất nguồn cội và đi tứ tán khắp nơi trên thế giới. Con cháu người Ấn ít khi quay về quê hương và họ cũng không có sự gắn bó với quê cha đất tổ.

Như người Trung Quốc hay Việt Nam vốn dĩ quen với tập tục chôn cất thì có tình cảm với ông bà, tổ tiên sâu nặng. Mỗi năm thì trước Tết phải về quê để sửa sang mộ phần, đến Thanh Minh lại ra thăm các cụ. Đó là truyền thống hiếu thảo nhiều đời của dân tộc. Tất cả là vì còn có một nấm mồ của ông bà là nơi để tất cả con cháu nhớ về và quy tụ dòng tộc.

Có rất nhiều người nói rằng vậy tại sao các sư thầy lại nói con người về với cát bụi, hư vô? Các bạn để ý rằng các sư có thiêu và rải xuống sông, biển hay vẫn xây dựng những phần mộ, bảo tháp trong các chùa để lưu giữ tro cốt của chính mình?

2. Hũ tro cốt có nên đặt ở nhà để thờ cúng?

Câu trả lời là không nên đặt ở nhà. Vì vốn dĩ thì tro cốt là phần Âm, nơi nhà con cháu đang sống, hoặc dù cho là nhà từ đường, nhà thờ họ đi chăng nữa cũng là Dương Trạch. Vốn dĩ Âm và Dương không nên cùng tồn tại trong một căn nhà, sẽ là không tốt.

Nhiều năm trước chúng tôi còn thấy những phóng sự về những người quý mến người thân nên xây cả mộ bên trong các căn nhà, đặc biệt là ở miền Tây hoặc chôn cất ngay trong sân vườn, ruộng đất của nhà mình. Trong phong thuỷ thì điều này là tối kỵ.

Chưa kể là khi đặt hũ tro cốt trong nhà thì người đã mất càng vương vấn con cháu mà không nỡ ra đi, siêu thoát nên là điều không tốt cho cả hai. Người đã mất thì đã mất, người còn sống phải tiếp tục sống, dù thương nhớ cách mấy thì cũng không nên gần gũi với người mất quá độ, điều này không hề tốt.

3. Hũ tro cốt nên đặt trong chùa và nghi thức tính toán phong thuỷ như thế nào?

Tôi rất ngại khi phải trả lời câu này. Rất nhiều bạn sùng kính Đạo Phật và muốn ông bà của mình được nghe kinh Phật và tu tập. Điều này là rất tốt nếu như ở trong chủa, nơi đặt các hũ tro cốt có từng ô kệ rõ ràng, ghi rõ tên tuổi. Mỗi hũ tro cốt phải được để riêng trong 1 hộc, có vách ngăn chia rõ ràng. Tránh những chùa sắp xếp một cách lộn xộn, đặt để chung nhiều hũ tro cốt bên cạnh nhau mà không có phân chia từng hộc, từng ô một cách cẩn thận. Sự cố đáng tiếc đã từng xảy ra ở chùa Kỳ Quang, Gò Vấp.

Khi các bạn đem hũ tro cốt đặt vào hộc thì không cần phải đặt ở nơi quá cao hay quá thấp, điều này đối với phong thuỷ thì không quan trọng lắm.

Tuy nhiên, cần chú ý đến toạ hướng của hộc mà tránh các sao Ngũ Hoàng, Tam Sát, Thái Tuế, Tuế Phá chiếu đến trong năm đó. Nếu như bắt buộc phải đặt hũ tro cốt vào hộc có toạ hướng phạm Sát Khí trong năm thì nhất thiết cần chọn ngày giờ tốt theo Phong Thuỷ để hoá giải các Hung Tinh như trên.

Người đích thân đặt hũ tro cốt vào hộc cũng nên là người con cháu có tuổi không xung khắc với người đã mất, trong lá số họ cũng không nên có Tang Môn, Thái Âm hay Vong Thần vì sẽ vô tình gây xấu cho chính họ khi tiếp xúc quá nhiều với Âm Khí.

Nếu được nên nhờ người thầy đo chỉnh lại toạ hướng của hũ tro cốt, mặt bia ghi tên tuổi, hình ảnh của người đã mất sao cho hợp với phân kim phong thuỷ. Tuy nhiên tác dụng phong thuỷ của hũ tro cốt vẫn kém hơn so với việc chôn cất dưới đất vì hũ tro cốt tuy hấp thu được Thiên Khí nhưng lại thiếu đi Địa Khí vì không chạm đất.

Lưu ý một điều là các sư thầy trong chùa chỉ biết xem ngày giờ cưới hỏi, ngày giờ hoàng đạo, trực kiến chung chung mà đa phần không có kiến thức về Đại Quái, Kỳ Môn Độn Giáp nên bạn cần phải tìm người thầy biết rõ về Trạch Nhật Chuyên Nghiệp để có thể thật an tâm. Và nên làm điều này một cách khéo léo, kín đáo vì các sư thầy tuy hiểu biết về phong thuỷ qua vài quyển sách ít ỏi nhưng sự tự ái lại rất cao khi gia chủ không chọn ngày giờ mà thầy đã chọn mà lại tin tưởng theo những người khác. A hèm, sự thật thì mất lòng, các sư thầy có thể giỏi về chuyên môn gõ mõ tụng Kinh, ngồi thiền, đọc chú nhưng về phong thuỷ thì nếu tư vấn mà không có hiểu biết thật sự thì là đang tự tạo nghiệp cho chính mình.

Do đó, nếu được thì bản thân chúng tôi cảm thấy nơi công viên nghĩa trang nào có dịch vụ nhà để tro cốt thì vẫn lý tưởng hơn là chùa. Vì đa phần khi làm dịch vụ thì họ chu đáo hơn và có thể phục vụ theo đúng yêu cầu khách hàng mong muốn. Việc cúng kiến, cho nghe kinh, nhạc Phật thì ở đâu giờ cũng có thể thực hiện được. Dĩ nhiên, nếu nhà chùa làm tốt thì vẫn là nơi lý tưởng để bạn tin tưởng gửi hũ tro cốt người thân.

4. Nên chọn chùa gần nhà hay xa nhà?

Lưu ý tâm lý của người thân thường thích chọn chùa gần nhà để tiện đi lại thăm nom. Kỳ thực thì trừ khi đó là tâm nguyện của người đó khi còn sống thích gắn bó với một ngôi chùa nào đó chứ còn về mặt tâm linh thì chùa nào tu tốt, đàng hoàng, sư thầy có đạo hạnh cao thì gửi sẽ tốt hơn.

Khoảng cách địa lý không có gì quá quan trọng đối với tâm linh vì người mất họ không đi bộ về thăm nhà mà quá quan tâm đến gần hay xa.

5. Hũ tro cốt có nên chôn hay không? Liệu tro cốt đem chôn thì còn có tác dụng phong thuỷ?

Nếu được thì sau khi mất nên đem hũ tro cốt đi chôn là tốt nhất. Có rất thầy phong thuỷ nói rằng chỉ có hung táng hoặc cát táng thì mới đem lại ảnh hưởng phong thuỷ tốt chứ còn nếu đem thiêu ra tro rồi còn đem đi chôn thì làm sao còn tác dụng vì Khí đã bị đốt cháy hết rồi! Câu trả lời là vẫn còn tác dụng, tuy rằng không bằng như khi chôn cất thật sự.

Đây là câu chuyện có thật về sự ra đời của triều đình Mãn Thanh:

Triều đình Mãn Thanh xuất phát từ một bộ tộc nhỏ ở vùng Đông Bắc Trung Quốc gọi là người Nữ Chân. Thông qua nhiều cuộc chiến tranh và liên minh thì hình thành nên tộc người Mãn Châu, được thống trị bởi gia tộc Ái Tân Giác La. Người đứng đầu bộ lạc là Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Sau đó đến đời con và cháu ông thì chiếm toàn bộ giang sơn Trung Quốc từ nhà Minh và đổi tên hiệu thành Đại Thanh.

Tại sao một gia tộc nhỏ lại có thể thống nhất 12 bộ lạc và xây dựng nên một đế chế hùng mạnh kéo dài trong suốt 268 năm?

Đó là bắt đầu vào năm 1582, khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích (người sáng lập nên triều nhà Thanh) được 23 tuổi thì cha và ông nội qua đời trong chiến đấu. Là con trai trưởng thì trách nhiệm của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là phải đi chôn cất hũ tro cốt của ông và cha mình. Ông đem theo 2 hũ tro cốt đi dọc theo dãy Trường Bạch Sơn để tìm một huyệt lý tưởng đế chôn cất.

Khi quá mệt sau nhiều ngày đường thì ông ngồi nghỉ mệt tại dưới một gốc cây. Ông muốn đi vào những nhà gần đó để xin cơm nhưng vì theo truyền thống kiêng kỵ thì sẽ không nhà nào chịu tiếp khách đem 2 hũ tro cốt theo. Do đó ông để tạm 2 hũ tro cốt ở dưới một táng cây hình chữ V và sau đó cuốc bộ vào làng xin cơm.

Sau đó thì trởi đột nhiên đổ mưa lớn cả đêm và sáng hôm sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích quay trở lại thì phát hiện cái cây dường như đã mọc ra thêm cành lá và quấn chặt khiến không thể lấy hũ tro cốt ra được. Khi ông cố gắng chặt bớt cành lá thì phát hiện nhựa cây chảy ra có màu đỏ như máu.

Một người thầy phong thuỷ trong làng nói rằng cái cây này nằm tại khu vực có dãy núi Khải Vận và sông Tô Tử hợp thành một huyệt đạo lý tưởng và sẽ phát cho con cháu suốt 12 đời làm Thiên Tử.

Quả nhiên về sau thì triều đại nhà Thanh phát được 12 đời Vua kéo dài trong suốt 268 năm. Cây đặc biệt này được phong là Thần Thụ.

Như vậy rõ ràng là hũ tro cốt vẫn có tác dụng tốt về mặt phong thuỷ nếu được tính toán đặt tại 1 vị trí tốt.

Về mặt y học thì hài cốt khi bị đốt thành tro thì vẫn còn DNA. Bằng chứng là rất nhiều vụ án giết người bị đốt thành tro thì pháp y vẫn có thể tìm ra được DNA.

6. Khi nhận lại hũ tro cốt thì nên đem lên chùa hay đem về nhà?

Theo lời khuyên của chúng tôi là khi người mất ở bệnh viện, bị hoả thiêu thì nên đem về nhà để họ có thể nhìn qua ngôi nhà lần cuối. Nếu muốn có thể để thờ cúng 1 - 3 - 7 ngày, tối đa trong vòng 49 ngày thì phải nên đem gửi lên chủa hoặc nghĩa trang, không nên để lâu hơn. Càng để lâu càng không có lợi vì người mất dễ quyến luyến con cháu mà không chịu ra đi.

7. Sau khi gửi lên chùa một thời gian thì đem chôn cất có được hay không?

Lúc nào thì chôn cất cũng vẫn là giải pháp về phong thuỷ tốt nhất cho con cháu. Cho con thật nhiều tiền không bằng xây phần mộ tốt về phong thuỷ sẽ giúp cho con cái thịnh vượng, may mắn ít nhất trong 3 đời liên tiếp. Nên bất cứ lúc nào có điều kiện thì nên chọn đất, xây mộ và có thể đem chôn cất hũ tro cốt cũng vẫn sẽ phát huy tác dụng tốt. Việc chọn đất hoặc cách xây cất lăng mộ cho đúng phong thuỷ thực ra không hề qúa khó khăn.

Vốn dĩ khó là tìm được long mạch phát đế vương, vua chúa, chứ giúp ích cho gia đạo bình an, con cháu khấm khá, thì đó là chuyện hoàn toàn trong tầm tay nếu một người thầy có kiến thức phong thuỷ âm trạch chuẩn mực chứ chưa cần phải thật giỏi.

Trên đây là một vài lời khuyên dưới góc độ phong thuỷ, các bạn có thể tham khảo trong mùa dịch bệnh này.

Chúc cho các bạn nhiều bình an,

Nguyễn Thành Phương
TOP